Tốt nghiệp đại học đi làm được vài tháng, tôi bắt đầu yêu và xác định chuyện tình cảm lâu dài với một người đàn ông kém mình 2 tuổi. Yêu hơn năm, vừa biết mình có bầu, cũng là lúc tôi nhận ra bộ mặt thật của người đàn ông đó. Anh ta cùng lúc ăn nằm với 2, 3 người, sống buông thả, thiếu trách nhiệm chứ không hề đĩnh đạc, đàng hoàng như diễn trước mặt tôi. Sau bao ngày trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định dứt khoát chia tay, chấp nhận làm mẹ đơn thân dù biết rằng một mình vượt cạn, nuôi con chẳng dễ dàng.
Vấp ngã đầu đời khiến tôi bị tổn thương sâu sắc nhưng ngược lại cũng trưởng thành và sống lý trí hơn. Lấy con làm động lực phấn đấu, tôi dần cân bằng được cuộc sống để tự tin bước tiếp. Có điều với đàn ông, tôi gần như không còn niềm tin. Cho tới khi gặp Tuấn thì mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Với đàn ông, tôi gần như không còn niềm tin, cho tới khi gặp Tuấn thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. (Ảnh minh họa)
Tôi biết Tuấn qua một người bạn. Anh hơn tôi 2 tuổi, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Ban đầu chúng tôi chỉ coi nhau là bạn, thi thoảng buồn vui lại nhắn tin tâm sự. Cứ như thế tình cảm đôi bên dần nhen nhóm. Đến một ngày, Tuấn chính thức ngỏ lời yêu thì tôi lại hoang mang, nửa hạnh phúc, nửa lo sợ. Nhận ra sự lăn tăn của tôi, Tuấn động viên:
“Anh yêu và muốn chăm sóc cho mẹ con em. Con em sẽ là con anh, anh muốn được bù đắp tất cả những thiệt thòi cho thằng bé”.
Nhưng tình cảm của chúng tôi không dễ dàng được gia đình anh chấp nhận. Nhất là mẹ Tuấn, bà phản đối gay gắt không cho 2 đứa đến với nhau. Bà hẹn gặp riêng tôi bảo:
“Việc cháu với con trai bác kết hôn là không thể. Khoảng cách giữa 2 đứa quá lớn. Lúc yêu thằng Tuấn có thể hứa hẹn đủ điều nhưng khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, liệu nó có thực hiện được như thế? Khi đấy, bác e người chịu thiệt sẽ là cháu. Nên bác khuyên cháu nên suy nghĩ thật kỹ. Cháu đã tổn thương nhiều rồi, đừng sai lầm lần nữa để làm khổ mình thêm”.
Cách nói chuyện của bà khiến tôi nể trọng và cũng đắn đo rất nhiều. Cũng làm mẹ, tôi hiểu hơn ai hết tình yêu và sự lo lắng bà dành cho con trai nên không ít lần chủ động chia tay nhưng Tuấn không chịu. Cuối cùng sự quyết tâm, dứt khoát của anh đã thuyết phục được gia đình, khiến mẹ bằng lòng cho 2 đứa đến với nhau. Song vì biết mẹ anh miễn cưỡng chấp nhận cuộc hôn nhân này, tôi lại áp lực, sợ sau về sống chung một nhà, đôi bên khó hòa thuận.
Đúng như những gì lo lắng, hôm Tuấn dẫn tôi về ra mắt, giới thiệu với gia đình họ hàng, trong mâm cỗ, các cô thím xì xào to nhỏ với mẹ anh:
“Thằng Tuấn đẹp trai ngời ngời, bằng cấp, công việc ổn định như thế, kiếm đâu chẳng được vợ đẹp. Chẳng hiểu sao chị lại cho nó lấy mẹ đơn thân, rồi còn phải nuôi con tu hú nữa”.
Tôi đi ngang qua, nghe họ nói chuyện mà mặt tái đi, cảm giác ngột thở. Điều không thể ngờ là phản ứng của mẹ chồng tôi. Bà cười đáp:
“Con tôi lấy ai là quyền của nó. Miễn sau vợ chồng sống hạnh phúc yêu thương là được. Dâu tôi là mẹ đơn thân thì đã sao, chẳng lẽ việc nó phải vượt khó khổ, nuôi con 1 mình là cái tội, là không có quyền được hưởng hạnh phúc?
Tôi chẳng quan trọng quá khứ của con bé thế nào, chỉ cần biết nó thật lòng thật dạ với con trai tôi, sau làm dâu hiền vợ thảo là tôi mừng. Ngoài ra, khi nó đã là dâu nhà tôi thì con trai nó sẽ là cháu nội tôi. Nói chung, cá vào ao ai, người ấy được, thêm người là thêm của, thêm phúc. Tôi đơn giản nghĩ thế thôi”.
(Ảnh minh họa)
Lời mẹ chồng tương lai nói khiến những người kia lập tức nín lặng, ngơ ngác nhìn nhau cười ngượng. Bà đưa mắt nhìn tôi khích lệ động viên. Thực tế sau khi về làm dâu của bà, mẹ con tôi được bà yêu thương, chăm sóc như ruột thịt. Bà từng nói với tôi:
“Trước kia mẹ phản đối 2 đứa là cũng vì nghĩ cho cả 2. Nhưng khi các con đã quyết đến với nhau, thành vợ thành chồng, mẹ sẽ vun vén, chăm sóc hết lòng”.
Bà nói sao làm vậy, sống thật tâm với con dâu hết mức, khiến tôi cảm kích vô cùng. Ân tình của bà, cả đời tôi khắc cốt ghi tâm, tự nhủ lòng không bao giờ được phụ sự thương yêu bà dành cho mình.