Vợ chồng chị Hằng có một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ do anh Hải đứng tên. Một lần vô tình chị Hằng biết chồng mình đã rút sạch tiền tiết kiệm cho em trai vay mua nhà. Mặc dù nếu cậu em chồng đánh tiếng hỏi vay trực tiếp chị Hằng, chị cũng sẽ cho vay. Nhưng vấn đề ở đây là anh Hải cho cậu em vay mà không nói với chị một câu nào khiến cho chị cảm thấy mình không được tôn trọng.
Ảnh minh họa
Chị Hằng về tra hỏi anh Hải, anh Hải thủng thẳng đáp đúng là anh có cho em trai vay. "Tại sao anh không nói với em?" - chị Hằng chất vấn. "Thế tiền em cho em gái em mua xe, em có nói với anh câu nào không?" - anh Hải hỏi lại vợ. "Ôi giời ơi, anh rình mò tài khoản của em đấy à? Có mười mấy triệu bạc mà anh cũng phải so đo"; "Này, cô bỏ cái giọng điệu miệt thị, khinh người cuả cả họ nhà cô đi. Ai "rình mò" tài khoản của cô? Tin nhắn cảm ơn của gì Thu chềnh ềnh trên máy ấy. Đây không phải là thằng ngu"; "Họ hàng nhà tôi thì liên quan gì tới anh? Mà không có anh em họ hàng nhà tôi thì anh được ngẩng mặt lên như ngày hôm nay chắc?"
Hai vợ chồng chị Hằng cứ lời qua tiếng lại với giọng điệu ngày càng cay nghiệt hơn cho tới khi anh Hải không kìm được cơn giận dữ, ném cả cái cốc nước đang cầm trên tay vào tường vỡ tan tành rồi mặt hằm hằm bỏ ra ngoài, nhưng chị Hằng vẫn chưa ngưng cái miệng, vẫn cố nói thêm vài câu chê bai anh Hải: "Đi luôn đi, đừng có vác mặt về đây. Đã sai lè lè, không biết lỗi mà còn gân cổ lên cãi".
Theo các chuyên gia tâm lý, trong mọi mối quan hệ ứng xử, khi đã xảy ra xung đột, cãi vã thì việc phân định đúng sai là việc làm vô nghĩa. Lúc này, ai là người khôn ngoan sẽ biết cách hóa giải mâu thuẫn bằng nghệ thuật ứng xử của mình. Đặc biệt, trong mối quan hệ vợ chồng, ngay cả khi biết bạn đời mình sai mười mươi ra đấy, nhưng khi nhận ra đối phương dường như không kiềm chế được cảm xúc nữa thì mình nên học cách im lặng. Im lặng lúc này là cách tốt nhất để người bạn đời tự ngẫm lại hành vi sai trái của họ. Và khi có dịp thuận lợi mình sẽ phân tích phải trái, chứ không phải vì anh ta có lỗi mà mình được phép lên giọng miệt thị.
Có hai cách sau đây có thể giúp các cặp vợ chồng nhận ra lúc nào mình cần học cách im lặng để tránh đẩy xung đột lên cao:
Thứ nhất, nếu cuộc hội thoại khiến người khác phát điên: Trong cuộc cãi vã, sự im lặng giúp con người lắng nghe tốt hơn. Nếu cần đưa ra phản hồi về cá nhân hay sự việc mình không thích, chúng ta cần suy nghĩ kỹ trước khi bình luận. Chúng nên học cách thử đồng thuận thay vì phản đối. Ví dụ, khi ai đó thô lỗ với mình hay chê bai mình, thay vì nhảy dựng lên, chúng ta có thể đồng ý với ý kiến đó và giải thích vì sao mình như vậy. Khi hai bên biết đồng cảm, sự xung đột sẽ không xảy ra.
Thứ hai, nếu hội thoại khiến bản thân còn điên hơn: Tức giận không giúp giải quyết vấn đề. Ai cũng có quyền nổi điên. Nhưng cố gắng nói chuyện trong tình huống đó chỉ khiến người khác phát điên, tạo ra vòng tròn giận dữ. Nếu cuộc tranh luận không đi đến đâu, tốt nhất hai bên dừng lại.