Chắc chắn một điều là vợ chồng nào cũng sẽ có những cuộc cãi vã, tranh luận trong quá trình sống chung. Bởi mỗi người có một quan điểm, tính cách trong khi vợ chồng lại có nhiều thời gian tiếp xúc, kì vọng ở đối phương nhiều hơn. Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khi tranh luận mà không biết cách, mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên căng thẳng, dễ bị tổn thương với nhau hơn. Biết cách "chiến đấu" công bằng, cuộc chiến ấy sẽ làm cho mối quan hệ của họ mạnh mẽ, gắn bó với nhau hơn, thậm chí cứu vãn cuộc hôn nhân của chính mình.
Khi vợ chồng tranh cãi với nhau cần giữ một số nguyên tắc để không khiến cuộc chiến lớn hơn, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng:
+ Ngắt lời khi người kia đang nói
Vì sự tức giận, muốn "xả" bực tức nên khi tranh luận với nhau, rất nhiều cặp đôi thường mắc phải sai lầm này. Điều đó sẽ càng tồi tệ hơn bởi khiến cho đối tác của mình cảm thấy như bạn đang cố gắng kiểm soát họ, không tôn trọng họ. Bạn không cho họ có cơ hội để bày tỏ điều họ muốn nói.
Ảnh minh họa
+ Chỉ trích quá khứ
Trong khi vợ chồng tranh cãi có rất nhiều người thường có thói quen kể lể, đưa quá khứ tội lỗi của người đối diện để chỉ trích, tấn công. Cuộc tranh luận nhanh chóng chuyển sang chỉ trích và sử dụng ngôn ngữ gây hấn. Vì vậy, đó là cách chúng ta bắt đầu chiến đấu chứ không phải là giải quyết vấn đề.
Vợ chồng cãi nhau cần nhớ mâu thuẫn nào thì giải quyết vấn đề đó. Sẽ là một sai lầm lớn nếu như bạn lôi hàng trăm chuyện không liên quan vào câu chuyện đó làm cho đối phương khó chịu, khó giải quyết dứt điểm. Bạn cần bình tĩnh chỉ ra lỗi sai nhẹ nhàng, không chỉ trích, châm biếm nhau. Thay vào đó là có góp ý nhẹ nhàng, động viên, bao dung cho lỗi lầm của nhau.
+ Cần giữ cuộc thảo luận của bạn riêng tư
Nếu vợ chồng có một vấn đề gây tranh cãi, đừng đụng độ trước mặt người khác. Ai cũng có cái tôi, sĩ diện và mong muốn giữ gìn được điều đó trước mặt người khác. Tranh luận, cãi vã giữa chốn đông người càng khiến cho cuộc chiến nặng nề khi không giữ được cái tôi, hình ảnh của mình và thường cảm thấy xấu hổ.
Đó là không kể, nếu người ngoài cuộc không hiểu đầu đuôi lại có những đánh giá, phán xét phiến diện sẽ đẩy câu chuyện đi xa hơn những gì chúng vốn có. Tối kị hơn là sự thù địch giữa cha mẹ không nên cho con trẻ chứng kiến. Khi trẻ nghe cha mẹ cãi nhau chúng thường bị buộc phải đứng về phía hoặc liên kết bản thân với cha mẹ này hơn cha mẹ kia. Điều này không chỉ không lành mạnh mà càng phá vỡ quan hệ giữa vợ chồng.
+ Không được nói lời chia tay khi tranh luận
Chia sẻ của chuyên gia tư vấn An Nam về những nguyên tắc khi vợ chồng cãi nhau cho rằng, trong các cuộc tranh luận, cãi vã hay đơn giản chỉ giận hờn cũng có thể khiến ta nghĩ đến sự không hòa hợp, tiêu cực trong quan hệ đó. Có người buông ra lời chia tay như một thách thức sự kiên trì cũng như tình cảm từ đối phương.
Nhưng ai cũng vậy khi nghe lời chia tay từ chính người mình còn yêu, còn thương là sự tổn thương cực kỳ lớn. Họ sẽ hoài nghi tình cảm đối phương dành cho mình, những gì đối xử từ trước đến nay. Bởi vậy khi chưa bình tĩnh đừng nói ra lời chia tay trong lúc mâu thuẫn, dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
+ Biết xin lỗi
Học cách nhận biết và chịu trách nhiệm khi bạn làm tổn thương đối tác của mình là rất quan trọng. Đó thường là cách dễ nhất để giải quyết xung đột, nhưng đối với nhiều người, đó là điều khó nhất để làm. Thay vì cố chấp bảo vệ cái tôi của mình bằng cách thắng đối phương, cãi sai thành đúng hãy thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình.
Các chuyên gia khuyến cáo, mâu thuẫn xảy ra cần giải quyết dứt điểm, tránh âm ỉ. Nhiều người khi mâu thuẫn xảy ra không giải quyết dứt điểm vấn đề mà lựa chọn né tránh mọi chuyện. Những tưởng không "khơi mào" vấn đề nữa mọi chuyện sẽ qua đi, nhưng không có mâu thuẫn nào tự xuất hiện và biến mất cả khi chưa được giải quyết. Thậm chí, điều này còn tích tụ dần thành "ngòi nổ". Trước khi để cho mâu thuẫn này chồng lên mâu thuẫn kia khiến ta bất lực, bế tắc trong việc giải quyết nó thì hãy tập trung giải quyết dứt điểm từng vấn đề một và lưu ý giữ các nguyên tắc trên.
Để vợ chồng tranh luận công bằng khi xảy ra xung đột, chìa khóa quan trọng là giữ được bình tĩnh, biết lắng nghe để kiểm soát cuộc trò chuyện. Hơn cả tập trung vào hiện tại. Hãy chỉ tập trung vào vấn đề cần tranh luận thay vì lan man các chuyện không đáng nói.