Triệu phú Richard Mason cùng vợ và 3 người con (không có đứa nào là của ông).
Năm 2016 - 8 năm sau khi li dị người vợ cũ - Richard Mason, một triệu phú Anh, cùng người vợ mới đã đến khám tại bệnh viện sau nhiều lần cố gắng mà không thể có con. Tại đây, kết quả xét nghiệm đã cho thấy Richard bị vô sinh bẩm sinh.
Điều khủng khiếp này cũng hé lộ một sự thật phũ phàng là 3 đứa con mà anh nuôi suốt 20 năm không phải là con của anh. Kết quả xét nghiệm ADN sau đó cũng xác nhận không đứa con nào là ruột thịt của Mason.
"Điều này đã thực sự khiến trái tim tôi tan vỡ. Trong chốc lát, tôi nhận ra mình chẳng có đứa con nào cả. Không những thế, người cha sinh học của chúng thì chưa phải trả một xu nào từ trước tới giờ!" - Richard uất ức nói.
Chia sẻ trên Daily Telegraph, Mason cho biết, cuộc sống của anh xáo trộn hoàn toàn khi đối chất với vợ cũ sau lần bị chẩn đoán vô sinh bẩm sinh. Doanh nhân này thừa nhận, cuối thập niên 1990, anh phát hiện vợ mình đã có mối quan hệ ngoài luồng kéo dài 4 năm với một người đàn ông khác. Con trai cả của anh chào đời năm 1995, trong khi cặp song sinh sau ra đời năm 1999.
Sau này, anh mới phát hiện người đàn ông vợ mình ngoại tình là một đồng nghiệp tại ngân hàng của chị.
Khi biết sự thật, anh Mason mới xâu chuỗi lại những manh mối khó hiểu mà trước đây anh không mấy chú ý: Chẳng hạn như các con trai đều có tên đệm kiểu Do Thái. Anh tin rằng, có thể điều này liên quan đến cha ruột của 3 đứa trẻ.
Richard Mason đã đâm đơn kiện Kate, vợ cũ của mình, vì tội lừa đảo và đòi lại 4 triệu bảng tiền mặt anh đã trả cho vụ ly dị của mình năm 2008.
Tháng 11/2018, Kate bất ngờ đồng ý trả chồng cũ 250.000 bảng với điều kiện được giấu tên cha ruột các con mình.
Mẹo nhỏ giúp bạn nhận ra bạn đời có đang lừa dối hay không
Sau đây là "mẹo" luôn hiệu quả khi muốn "bắt quả tang" ai đó đang lừa dối mình:
Hỏi bạn bè xung quanh
Đừng coi thường. Những người xa lạ có khả năng rất phi thường trong việc phát hiện có trục trặc gì đó trong mối quan hệ của người khác.
Một nhóm các nhà tâm lý học đã thử nghiệm ý tưởng này bằng cách cho những cặp đôi cùng nhau vẽ một vật thể, với một người bị bịt mắt và người còn lại được hướng dẫn cách vẽ. Toàn bộ quá trình này được quay lại. Trước khi họ bắt đầu, các nhà khoa học đã hỏi riêng từng người một số câu hỏi về mối quan hệ của họ bao gồm việc họ có bao giờ lừa dối nhau hay chưa.
Sau đó, sẽ có một nhóm những người lạ xem lại đoạn video và đoán xem cặp đôi nào có người từng lừa dối nhau. Kết quả chính xác một cách bất ngờ.
Như vậy, bạn bè chung của cặp đôi chính là những người quan sát và có cái nhìn, dự cảm chính xác nhất về mối quan hệ. Họ có thể nhận biết được liệu mối quan hệ này có tồn tại sự dối trá hay không.
Để ý cảm xúc của bạn đời khi nói chuyện với bạn
Nhận biết một người nói dối còn qua biểu cảm trên khuôn mặt. Khi một người nói ra lời không thật, họ đã phải cố suy nghĩ các cách nói hợp lý để người khác tin, nhưng họ sẽ không thể diễn được cảm xúc.
Ví dụ ánh mắt của một người sẽ sáng lấp lánh, đồng tử giãn ra nếu họ gặp người họ yêu thích, chuyện khiến họ hứng thú, nhưng với người họ không thích thì đồng tử không giãn, mắt không sáng. Hay như khi ta nở nụ cười thật sự, không chỉ môi chuyển động mà cả những nếp nhăn cũng sẽ xuất hiện gần mắt và lông mày tự động kéo xuống. Điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ cảm xúc nào khác.
Chú ý cách dùng từ của họ
Trong một nghiên cứu gần đây, nhà tâm lý học James W. Pennebaker đã cùng công sự của mình xem xét các dữ liệu thu thập từ biểu đồ phân tích ngôn ngữ. Họ phát hiện ra rằng cách dùng từ đặc biệt có thể giúp chúng ta dự đoán được ai đó đang lảng tránh sự thật.
Những người nói dối có khuynh hướng ít sử dụng ba loại từ sau đây:
- Từ chỉ cá nhân như "Tôi", "của Tôi".
- Từ chỉ sự nhận thức như "Nhận ra" hoặc "Nghĩ".
- Từ chỉ sự loại trừ như "Nhưng" hoặc "Ngoại trừ".
Thay vào đó, họ lại sử dụng nhiều những từ như:
- Những từ chỉ cảm xúc tiêu cực như "ghét", "giận" hoặc "kẻ thù" (Em ghét vì anh không tin tưởng).
- Những động từ chuyển động (Anh đi cho khuất mắt em).
Trả lời bằng chính những từ ngữ trong câu hỏi
Lựa chọn từ ngữ trả lời cũng nói lên nhiều điều. Nếu một người diễn đạt giống hệt câu hỏi bạn đưa ra, có thể họ đang cảm thấy không thoải mái vì sắp nói dối. Họ bám sát điều người hỏi vì sợ việc nói gì thêm có thể để lộ họ không thật, lộ điều họ che giấu. Cách lặp lại này cũng để họ có thêm thời gian để nghĩ ra câu trả lời sao cho hợp lý.
Im lặng, công kích đối phương hoặc lặp lại câu hỏi
Một dấu hiệu của việc đang nói dối đó là bỗng dưng mất khả năng nói. Điều này xảy ra bởi vì hệ thống thần kinh tự động của chúng ta thường phản ứng với căng thẳng do khô miệng.
Một dấu hiệu khác đó là người nói dối sẽ chuyển hướng sang tấn công cá nhân thay vì trả lời câu hỏi được hỏi, kiểu như "Em không tin anh sao?", "Em nói em yêu anh mà em không tin tưởng, vậy hóa ra tình yêu của em là gì?"
Và trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2011, giáo sư tâm lý học tại UCLA, R. Geiselman Edward phát hiện ra rằng những người nói dối có xu hướng lặp lại câu hỏi trước khi trả lời, "Có lẽ để có thêm thời gian pha chế ra một câu trả lời," ông nói trong một thông cáo báo chí.