Thành lập năm 2015, thương hiệu Mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ mềm xuất phát từ nỗi băn khoăn của chị Thảo khi muốn tìm một sản phẩm an toàn tuyệt đối cho cô con gái thứ hai mới sinh của mình. Sau 10 năm làm giảng viên ở Đại học Dược Hà Nội và tu nghiệp ở Đại học Dược Strasbourg của Pháp ngành Bào chế Công nghiệp, chị quyết định "rẽ" sang con đường mới để đi tìm hạnh phúc mỗi ngày.
Gặp chị Thảo trong một buổi chiều mùa hè, chiếc váy màu xanh lá mạ chị mặc và giọng nói dịu dàng cũng như ngọn lửa đam mê với nghề hiện rõ trong ánh mắt chị dường như đã xua tan cái nóng nực. Bởi vậy, những câu chuyện, những suy nghĩ được tái hiện qua lời kể của chị Thảo sống động hơn biết bao nhiêu.
7 năm ở Cỏ mềm của chị như thế nào?
Cỏ mềm ban đầu do tôi và một người bạn thân đồng sáng lập, với sứ mệnh thay thế hóa chất độc hại trong gia đình bằng sản phẩm thiên nhiên an toàn cho sức khỏe và thân thiện môi trường. Từ năm thứ 3, chúng tôi bắt đầu mở chuỗi bán lẻ và công ty không ngừng lớn mạnh. Đôi khi tôi cảm thấy rất áp lực với việc điều hành cả bộ máy phức tạp và thường băn khoăn có nên để công ty mở rộng nữa hay "an phận" với quy mô nhỏ cho dễ quản lý - bởi việc kinh doanh không phải thế mạnh của một Dược sĩ thuần túy khoa học, chỉ yêu thích cỏ cây và công việc sáng tạo sản phẩm trong phòng Lab như mình.
Tuy vậy, bạn đồng sáng lập luôn động viên hỗ trợ rằng "những điều tốt đẹp đóng góp cho cộng đồng không thể dừng lại ở việc thỏa mãn mong muốn của bản thân mà công ty cần phải lớn lên, lan tỏa rộng hơn để càng nhiều người sử dụng sản phẩm thiên nhiên càng tốt hơn cho sức khoẻ, môi trường càng được bảo vệ". Hiện tại, chúng tôi đã có thêm cộng sự phụ trách hoạt động kinh doanh còn bản thân được tập trung vào công việc mình yêu thích nhất và giỏi nhất là phụ trách nghiên cứu toàn bộ sản phẩm và phát triển thương hiệu.
Quan điểm về việc dùng nguyên liệu của chị có thay đổi nhiều không?
Thời điểm này, chúng tôi không định hướng sở hữu một vùng trồng nguyên liệu cố định vì không muốn sản phẩm bị đóng khung bởi một vài chủng loại nhất định, vô tình việc nghiên cứu sản phẩm sẽ bị giới hạn và giảm hiệu quả sử dụng. Chúng tôi tìm kiếm vùng trồng đạt chuẩn và luôn kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Bằng sự nỗ lực không ngừng, chúng tôi muốn phát huy thảo mộc Việt Nam và các kinh nghiệm dân gian quý giá của nhiều vùng trồng khắp nơi trên đất nước.
Tuy nhiên, phải thành thật rằng có những nguyên liệu trồng được ở nước mình nhưng tinh chế kém hơn. Do đó, chúng tôi lựa chọn minh bạch 100% thành phần nguyên liệu, kết hợp nguyên liệu Việt Nam với trí thức khoa học hiện đại để đưa ra những sản phẩm hiệu quả tốt nhất ra thị trường. Chẳng hạn, dầu gội của chúng tôi sử dụng thảo mộc, hương nhu, bồ kết của Việt Nam kết hợp với hoạt chất chống rụng tóc tốt nhất của thế giới với hàm lượng đạt hiệu quả lâm sàng. Chúng tôi làm tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng, giống như slogan của thương hiệu: Sản phẩm LÀNH - Chất lượng THẬT.
Vậy về những thay đổi của bao bì sản phẩm thì sao, thưa chị?
Câu chuyện ngoại hình đối với mỹ phẩm khá quan trọng. Ngoài sản phẩm tốt khách hàng còn mong muốn có trải nghiệm thật đẹp về bao bì nữa. Tôi rất muốn làm thật đẹp nhưng vẫn tồn tại 3 vấn đề mà tôi luôn đau đáu nghĩ đến. Về thiết kế, ví dụ, bộ sản phẩm xà bông thiên nhiên của chúng tôi được thiết kế bởi họa sĩ nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam nổi tiếng với mong muốn làm nổi bật họa tiết văn hóa truyền thống Việt, được bạn bè quốc tế rất yêu thích. Nhưng nhiều sản phẩm khác, do bề dày chưa đủ, tính thẩm mỹ chưa cao, nên bao bì còn chưa được đồng bộ. Hơn nữa, nhìn một cách khách quan hơn, ngành công nghiệp bao bì của Việt Nam chưa thực đẹp và còn nhiều thiếu sót.
Phải thú thực, có đôi khi, tôi thấy vỏ chai nhập của Hàn Quốc đẹp tinh hơn mà ở Việt Nam chưa thể sản xuất đạt chuẩn như vậy nhưng, nghĩ tới môi trường, tôi không đành lòng dùng hàng nhập khẩu. Không chỉ là vấn đề giá thành, mà việc vận chuyển số lượng lớn những chai lọ từ nơi này đến nơi khác sẽ phát sinh bao nhiêu khí thải, cũng như không thúc đẩy sản xuất trong nước. Do đó, cũng có thể coi việc thỏa hiệp từ không nâng 7 lên 9 điểm, chúng tôi sẵn lòng hy sinh một chút về ngoại hình để thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, một thương hiệu muốn "lớn lên" luôn phải hiểu ý khách hàng. Vậy Cỏ mềm đã đáp ứng nhu cầu khách hàng ra sao?
Chúng tôi lựa chọn giá trị cốt lõi để hiểu mình cũng như hiểu khách hàng, Lành và Thật được ưu tiên hơn Nhanh và Mạnh. Định vị thương hiệu theo đuổi là sự tin cậy, không phải sự nổi tiếng. Chúng tôi muốn thay thế hóa chất độc hại để chăm sóc sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Từ quan điểm cá nhân tôi là một người phụ nữ giản dị, ít thời gian cho bản thân, thì việc chăm sóc da quan trọng nhất là đơn giản, thực sự khỏe từ gốc, vì thế mĩ phẩm dưỡng da được chú trọng đến hơn mĩ phẩm trang điểm. Son môi cũng vậy, chúng tôi thuyết phục người dùng tìm thấy niềm vui được tô lại son sau bữa ăn thay loại son bám trên môi suốt 8 tiếng vì có thể chứa nhiều phụ gia độc hại hơn.
Chúng tôi muốn hướng đến những sản phẩm an toàn và hiệu quả, còn sản phẩm "trendy", ít bền vững sẽ không được ưu tiên. 3 năm trước, vào thời điểm "trend" màu son cam đất rộ lên, chúng tôi đã nỗ lực thử nghiệm nhưng tất cả nguyên liệu thời điểm đó đều có hàm lượng chì rất cao. Nếu thỏa hiệp với bản thân, "hay cứ làm màu son này đi, doanh số vừa tăng, khách hàng lại vừa được đáp ứng nhu cầu?!". Nhưng chúng tôi quyết định không làm vì điều đó vi phạm giá trị cốt lõi. Cuối cùng, sau 2 năm nỗ lực tìm được nguyên liệu đạt chuẩn an toàn, chúng tôi đã đưa được bảng màu son cam đất ra thị trường.
Hay như dòng son kem chỉ mới lên kệ bán hàng gần đây, sau nhiều cố gắng mới hoàn thiện được công thức son kem đầu tiên trên thị trường không chứa silicone. Bạn biết đấy, 100% son kem trên thị trường chứa silicone bay hơi có thể gây hại cho hô hấp người dùng và cả người sản xuất nữa. Nếu đã bắt tay làm mĩ phẩm thiên nhiên, tôi thực tâm mong rằng các nhà sản xuất có đủ am hiểu thấu đáo về nguyên liệu và thành phẩm. Nguyên liệu 100% thiên nhiên, không chất bảo quản không chắc đã tốt, vì một sản phẩm hoàn thiện phải đảm bảo sự tương tác giữa các nguyên liệu, đảm bảo sự ổn định không nhiễm tạp, nấm mốc, vi khuẩn gây hại cho da.
Chị có lo sợ mĩ phẩm thiên nhiên đang bị "áp đảo" không khi thị trường hiện tại ưa chuộng mĩ phẩm châu Âu, Hàn Quốc hơn, các KOL, người nổi tiếng cũng tự làm thương hiệu riêng?
Ban đầu, mọi người đặt rất nhiều câu hỏi tại sao tôi lại "mạo hiểm" làm mĩ phẩm vì thị trường có thiếu gì đâu. Nhưng tôi nghĩ khác, những sản phẩm truyền thống của Việt Nam có những thế mạnh riêng mà chưa được nhiều người biết đến, hơn nữa, đó là những câu chuyện văn hóa rất hay chưa có dịp được kể ra. Cá nhân tôi cũng "ôm" khao khát đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường thế giới.
Đúng là thị trường không thiếu mỹ phẩm nhưng không thừa mỹ phẩm tốt. Đối tượng phụ nữ mà chúng tôi mong muốn tiếp cận là những phụ nữ chưa biết hoặc không có thời gian chăm sóc da, vì bận rộn, khó khăn, thiệt thòi… Ai cũng xứng đáng được chăm sóc cả, chúng tôi muốn làm ra những sản phẩm bình dị, đơn giản để được chăm sóc họ, chẳng hạn một bộ chăm sóc da tối giản chỉ gồm 4 bước chứ không phải 7 bước như châu Âu hay 11 bước như Hàn Quốc. Chúng tôi mong mọi người phụ nữ đều cảm thấy tự tin, yêu đời, thoải mái với việc làm đẹp. Khi phụ nữ khỏe đẹp hơn, họ cũng sẽ lan tỏa niềm hạnh phúc ấy tới cả gia đình và chúng ta có thêm nhiều gia đình hạnh phúc.
Những người đồng nghiệp của chị có hiểu được sứ mệnh ấy không?
Tới thời điểm này, tôi cho rằng Cỏ mềm có thể được xếp vào nhóm mĩ phẩm thiên nhiên hàng đầu được tin cậy ở Việt Nam vì chúng tôi sở hữu trọn vẹn hệ sinh thái từ nhà máy tới chuỗi cửa hàng thương hiệu. Làm chuỗi cửa hàng dù tốn kém nhiều nhân lực vật lực hơn, nhưng đó là một tuyên ngôn Đáng tin cậy, với trách nhiệm chăm sóc khách hàng, tiếp nhận phản hồi của khách hàng, tử tế và kiên định với những giá trị mình theo đuổi.
Chúng tôi muốn khách hàng đến Cỏ Mềm như một điểm đến yêu thích, như thăm một người bạn thân. Và các bạn nhân viên không được phép vi phạm 6 giá trị cốt lõi: sản phẩm lành, chất lượng thật, coi khách hàng là trung tâm, ưu tiên quyền lợi khách hàng trên quyền lợi của doanh nghiệp, chăm sóc khách hàng như người thân của mình với sự tận tâm không mong hồi đáp.
Có những khách hàng chat với nhân viên của chúng tôi 3 năm mà chưa mua lần nào, có những khi chỉ hỏi "Nên chọn màu áo nào?", tức là họ coi bạn nhân viên như một người bạn thân. Hay có những bà mẹ mua đồ cho con một vài lần nhưng vì coi nhân viên của chúng tôi như một người bạn nên đã hỏi "Làm thế nào khi con sốt?". Tôi cảm thấy như giúp đỡ được tất cả mọi người, điều đó xúc động và ý nghĩa hơn hẳn những đơn hàng. Với cá nhân tôi, những giải thưởng hay sự nổi tiếng đôi khi không hạnh phúc bằng việc chúng tôi đã xây được 7 điểm trường cho trẻ em vùng cao đúng với số năm thành lập. Đó là câu chuyện mình sẽ theo đuổi bền bỉ.
Doanh nghiệp của chị có bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch không?
Giai đoạn đầu, các cửa hàng đều phải đóng cửa. Giãn cách lần 2, khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải không phải là doanh thu mà là tinh thần của các bạn nhân viên. Mặc dù công ty không sa thải hay tinh giản biên chế nhưng các bạn vẫn buồn vì không được làm việc. Khi đó, chúng tôi tập trung vào đào tạo nhiều hơn, kết nối, sinh hoạt team, chia sẻ với các bạn rằng chỉ có một cách để sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn trở lại là giúp bản thân tốt hơn.
Chúng tôi hay gọi là Ngôi nhà Cỏ mềm, Khu vườn Cỏ Mềm, mỗi thành viên là một viên gạch hay là một cái cây. Chúng tôi thành lập phong trào đọc sách phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ, cuộc sống, không kể nhân viên văn phòng hay các bạn làm việc trong xưởng; mỗi ngày các bạn đọc 20 trang rồi viết lại review cho đồng đội. Hay với phong trào thể lực, mỗi ngày các bạn chạy 3km hoặc đi bộ 5.000-6.000 bước để rèn luyện sức khỏe. Chúng tôi cùng nhau tốt lên mỗi ngày, để làm được được nhiều việc có ích hơn cho bản thân và xã hội.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!