Mụn là vấn đề nan giải ở độ tuổi dậy thì của biết bao người. Thế nhưng, sau độ tuổi này, mụn trứng cá vẫn khiến nhiều chị em đau đầu vì mãi chẳng hết. Nhiều chị em không ngại chi hàng triệu đồng để mua về những loại kem hay serum trị mụn đắt đỏ với mong muốn trị dứt điểm mụn trứng cá. Thế nhưng, đừng mải mê sử dụng mỹ phẩm bên ngoài da mà quên đi việc bồi bổ, khắc phục từ bên trong cơ thể.
Muốn da đẹp, chị em nên kiên trì làm đẹp từ bên trong, bằng cách uống các loại trà thảo mộc, giúp cân bằng nội tiết, bổ sung chất chống oxy hóa, hay những loại vitamin. Nhờ đó, chị em có thể có một làn da đẹp rạng ngời và không bị phụ thuộc quá nhiều vào mỹ phẩm.
Mới đây, một cô gái vừa chia sẻ một số bí quyết trị mụn cho chị em trên một diễn đàn về làm đẹp. Cô cho biết bản thân đã học hỏi từ những người bạn xứ Trung của mình. Cô gái chia sẻ: "Muốn da đẹp thì phải kiên trì và siêng đó là lí do tại sao mà mấy nhỏ bạn người Trung của mình da dẻ trắng phau, mướt mịn, do ngày nào cũng siêng pha thảo mộc uống trà, uống thuốc bắc ấy.
Hôm nay chia sẻ cho chị em 4 công thức trà dưỡng nhan từ bên trong giúp giải hỏa, phục hồi da mụn nè".
Đầu tiên, chị em cần xác định vùng da bị mụn của mình nằm ở đâu. Không xét về mụn đầu đen, thông thường, mụn trứng cá sẽ xuất hiện ở trán, 2 bên má, quanh môi và cằm. Bạn có biết? Ứng với từng khu vực, nguyên nhân gây mụn cũng khác nhau. Chỉ cần xác định được vị trí của mụn, chị em có thể khắc phục được nguyên nhân và từ đó giúp "đánh bay" mụn.
1. Bị mụn ở má
Mụn ở 2 bên má thường xuất hiện do rối loạn nội tiết tố và nóng gan, đây có lẽ cũng là tình trạng mụn phổ biến nhất ở các chị em. Để khắc phục tình trang này, chị em chỉ cần 3 nguyên liệu khá dễ tìm, bao gồm 10g hoa cúc, 4 quả táo đỏ, 20g hoa hồng. Ngâm với nước đun sôi (1 lít) rồi dùng như trà bình thường.
- Hoa hồng: là một trong những loại thảo mộc khá nổi tiếng trong giới làm đẹp. Trà hoa hồng chứa nhiều vitamin A, vitamin E, quercetin, gallic acid và flavonoid giúp làn da thêm săn chắc, làm chậm quá trình lão hóa da và hạn chế sự tích tụ mỡ dưới da. Không những thế, đây cũng là loại trà giúp thanh nhiệt, điều hòa khí huyết, an thần, giảm cân, giảm căng thẳng, cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể.
- Táo đỏ: Flavonoid được tìm thấy trong táo đỏ được chứng minh là chất chống viêm, kháng khuẩn vô cùng mạnh. Chiết xuất của mẫu quả nhỏ bé này mang lại giá chữa khá to lớn trong việc điều trị nhiễm trùng.
- Hoa cúc: chứa hàm lượng sesquiterpene lactone giúp thanh lọc và tăng cường chức năng gan, giảm các triệu chứng vàng da, mẩn ngứa ở những người thường xuyên uống rượu bia hay ăn thức ăn cay nóng.
Bên cạnh đó, chị em thường xuyên bị nổi mụn 2 bên má cũng nên ăn nhiều thức ăn có tính hàn như hạt sen, quả lê, nấm hương,.... để giải nhiệt, thanh lọc cơ thể.
2. Mụn trứng cá ở trán
Theo các nghiên cứu, mụn trứng cá ở trán thường xuất hiện do bị nóng ở phổi, hay những cơ quan về đường tiêu hóa như bàng quang, ruột già…
Để khắc phục tình trạng mụn ở trán, chị em có thể pha trà thảo mộc theo thành phần này: 15g tang bạch bì, 15g lá dâu tằm, 15g lá tỳ bà diệp, 4g cát cánh, thêm nước đun sôi (1 lít).
- Cát cánh: Cây thuốc cát cánh có chứa nhiều thành phần hóa học như Methyl 2-O-Methylplatyconate-A, Platycodin C, D, A, Polygalin acid, Platycogenic acid, b-D-Glucoside, a-Spinasteryl, a-Spinasterol,... Các nghiên cứu cho thấy nước sắc từ cây cát cánh có thể gây ức chế được hầu hết các loại nấm gây bệnh trên da. Saponin có trong loại thảo dược này còn có tác dụng làm giảm đau, kháng viêm, giải nhiệt, ức chế miễn dịch, chống viêm loét dạ dày và an thần. Bên cạnh đó, cát cánh cũng rất bổ phổi, hỗ trợ giải nhiệt, giúp giảm mụn.
- Lá dâu tằm: Lá dâu tằm có thể giúp giảm lượng đường trong máu, cholesterol và mức độ viêm nhiễm.
- Tang bạch bì, lá tỳ bà diệp cũng là 2 loại thảo mộc bổ phổi, giảm viêm, và thanh lọc cơ thể rất tốt.
3. Bị mụn quanh môi
Nếu tình trạng mụn xuất hiện kéo dài tại vùng môi, xung quanh viền môi, có liên quan tới dạ dày và ruột non. Nguyên nhân có thể do ăn quá nhiều thức ăn nhanh hoặc do táo bón. Ứng với nguyên nhân phát sinh này, chị em có thể uống trà thảo mộc với thành phần như sau: 6g cam thảo, 9g thổ phục linh, 9g bạch phục linh viên, 9g đẳng sâm khô, thêm nước đun sôi (1 lít).
- Cam thảo: Trong rễ cây cam thảo có chứa đến hơn 300 hợp chất khác nhau. Chúng có rất nhiều tác dụng trong kháng viêm, kháng virus, kháng khuẩn. Chiết xuất từ cam thảo đã được nghiên cứu là đem lại hiệu quả cải thiện rõ rệt đối với những bệnh nhân bị chàm da, mụn nhọt hay các vấn đề về da.
- Thổ phục linh: Theo y học cổ truyền, thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình. Quy vào các kinh can, vị. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, khử phong, trừ thấp. Trị đau nhức xương khớp, phong thấp, lở ngứa, giang mai, mụn nhọt, vẩy nến, mề đay mẩn ngứa, rôm sảy...
- Bạch phục linh: polysaccharides, triterpenoids và axit béo có trong nấm phục linh được chứng minh có khả năng lợi tiểu, chống viêm, chống oxy hóa và chống lão hóa, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết và điều trị ung thư,... Bên cạnh đó, đây cũng là bài thuốc đông y giúp cải thiện hệ tiêu hoá, đặc biệt là tăng sức khoẻ của đường ruột và dạ dày.
- Đẳng sâm khô: Đây cũng là một loại dược liệu có tác dụng tốt cho hệ tiêu hoá. Cụ thể, các dưỡng chất có lợi trong nó sẽ giúp hệ tiêu hóa được hỗ trợ tích cực và trở nên khỏe mạnh hơn. Đặc biệt là với các trường hợp có hoạt động tiêu hoá kém, xuất hiện các triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu hoặc bị các bệnh lý liên quan như viêm đại tràng, dạ dày, hội chứng ruột kích thích,…
- Bên canh đó, chị em cũng nên chú ý cần ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả và ngũ cốc khi nổi mụn ở 2 bên má.
4. Bị mụn ở cằm
Đây là tình trạng mụn gây ra chủ yếu là do ăn đồ cay nóng, thức khuya và nội tiết tố. Để thực hiện, dùng 6g hồng hoa, 9g đẳng sâm, 9g ngải cứu, 15g rau sam khô, thêm nước đun sôi.
- Hồng hoa: dược liệu còn có tác dụng thanh nhiệt, ra mồ hôi, và được dùng trong bệnh viêm phổi, viêm dạ dày khi kết hợp với các vị thuốc khác. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc kinh nguyệt nhiều quá được các chuyên gia khuyên được dùng hồng hoa.
- Ngải cứu: Trong tinh dầu ngải cứu có thành phần chống viêm, kháng khuẩn rất tốt nên được dùng làm bài thuốc hữu hiệu có tác dụng chữa mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt,… Bên cạnh đó, trong ngải cứu có chứa chamazulene, hoạt động như một chất chống oxy hóa và tập trung nhiều ở lá, thân trước khi cây ngải cứu ra hoa. Các chất chống oxy hóa như chamazulene có thể chống oxy hóa tốt.
- Rau sam khô: cũng tương tự ngải cứu, rau sam có tác dụng chống viêm và chống oxy hoá rất tốt. Nhờ vào tác dụng của chất nhầy, omega 3 và các khoáng chất có ích, rau sam có tác dụng giảm đau, chống viêm hiệu quả. Đặc biệt là giảm đau và các cảm giác khó chịu khác trên đường tiết niệu và tiêu hóa. Trong rau sam giàu vitamin C, E, flavonoid, alkaloid, beta-carotene và glutathione giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự lão hóa.