Vào những năm đầu của thập niên 1950, hai miền Nam Bắc vẫn chưa bị ngăn đôi thì làng nhạc của đất Sài Thành đã có một thế hệ nhiều nữ ca sĩ tài sắc vẹn toàn sinh hoạt văn nghệ. Bởi vùng đất màu mỡ và phù hợp với các hoạt động giải trí nên làng văn nghệ Sài Gòn đón thêm nhiều nghệ sĩ di cư từ phía Bắc vào. Trải qua hơn nửa thế kỉ, may mắn thay những hình ảnh và thông tin của các mỹ nhân vẫn được lưu giữ.
Nhờ sự giúp sức của một số phần mềm chỉnh ảnh làm sắc nét hơn những tấm hình, con cháu đời sau được chiêm ngưỡng tường tận dung nhan "nghiêng nước nghiêng thành" của họ.
Chị em Thái Hằng - Thái Thanh
Trong số những nữ danh ca của tân nhạc Việt Nam nổi tiếng từ thời kỳ thập niên 1940, Thái Hằng và Thái Thanh là chị em có tên tuổi nổi bật.
Sau này, chị cả Thái Hằng lập gia đình và ít đi hát hơn nhưng vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ cả về tài, đức và sắc vóc. Trong khi đó, cô em Thái Thanh là ca sĩ duy nhất trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim được ca tụng bằng rất nhiều những danh xưng vinh dự nhất, như là Đệ nhất danh ca, Tiếng hát vượt thời gian, Tượng đài âm nhạc,… mà không bị so sánh với bất kỳ giọng ca nào khác.
Chị gái Thái Hằng nổi bật với gương mặt thuần nữ Á Đông, đặc biệt là nốt ruồi duyên bên mép.
Cô em Thái Thanh những năm 19 tuổi (1953), khi vừa gia nhập làng nhạc Sài Gòn được không lâu đã nổi đình đám với giọng hát cùng nhan sắc diễm lệ. Về sau khi ở độ tuổi trung niên, bà càng đẹp mặn mà hơn.
Khánh Ngọc
Nữ ca sĩ, minh tinh điện ảnh Khánh Ngọc sinh năm 1937, đã thành danh trong làng nhạc Sài Gòn từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Ngoài nổi tiếng với vai trò ca sĩ, bà còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên của làng điện ảnh Sài Gòn cùng với những cái tên tài danh Trang Thiên Kim, Mai Trâm, Thu Trang…
Lâu nay, người ta hay nhắc đến Khánh Ngọc với vẻ đẹp quyến rũ và là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (em dâu của Thái Hằng và là chị dâu của Thái Thanh. Ngắm nhìn bà, người ta chỉ biết "câm nín" vì vẻ đẹp mặn mà, phúc hậu nhưng thức thời này.
Không hổ danh là người phụ nữ tài năng cả ca hát lẫn diễn xuất. Cùng với vẻ đẹp mê hoặc của mình, Khánh Ngọc đã làm cho những màn trình diễn của mình thêm phần hấp dẫn và hút người xem hơn cả.
Mộc Lan
Mộc Lan là danh ca tiêu biểu của làng nhạc Sài Gòn từ cuối thập niên 1940 trở về sau. Không chỉ nổi tiếng với giọng hát, Mộc Lan còn sở hữu nhan sắc mặn mà đã đi vào trong nhiều giai thoại âm nhạc.
Có câu chuyện nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vì si mê nhan sắc của Mộc Lan trong một lần gặp gỡ khi Mộc Lan ra lưu diễn ở Hà Nội từ trước năm 1954. Khi trở về Sài Gòn, mỗi buổi sáng Mộc Lan đều nhận được một bó hồng từ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đặt gửi ẩn danh.
Với gương mặt tròn đầy cùng nụ cười có răng khểnh cùng má lúm rất duyên, danh ca Mộc Lan đã làm đắm say không biết bao người đối diện.
Minh Trang
Thời thập miên 1940, tân nhạc Việt Nam có nhiều danh ca có tên lót là Minh. Ở miền Bắc có Minh Đỗ, Minh Hoan, miền Trung có Minh Diệu, thì miền Nam có Minh Trang.
Thực ra Minh Trang sinh trưởng ở Huế trong gia đình hoàng tộc, nhưng bà đã vào định cư ở Sài Gòn và làm việc ở ban Pháp ngữ đài phát thanh Pháp Á trước khi trở thành một danh ca nổi tiếng.
Khi nhiều nghệ sĩ khác vẫn còn sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc, chưa di cư vào Nam, thì Minh Trang là đệ nhất danh ca của Sài Gòn thời điểm đó. Dung nhan của bà mang những nét đẹp hoàng tộc và nhìn hơi lai Tây với sống mũi rất cao.
Ánh Tuyết
Vào 70 năm trước, có một danh ca Ánh Tuyết khác có nét đẹp khả ái làm say lòng người. Nhà văn Hồ Trường An đã viết về Ánh Tuyết: “Nàng bước lên sân khấu phòng trà rực rỡ, giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thuê hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyết xen kim tuyến, lại thêm lối ăn mặc trau chuốt, yêu kiều, nét mặt duyên dáng làm xao xuyến bao nhiêu trái tim những tao nhân mặc khách”.
Ánh Tuyết là một phụ nữ Hải Phòng, và nhan sắc của những người con gái đất cảng đã nổi tiếng suốt cả thế kỷ qua Dễ nhận thấy qua tấm hình, đó là Ánh Tuyết có một vẻ đẹp thật sắc sảo.
Bà luôn hiện lên là con người tỉ mẩn, trau chuốt diện mạo. Từ lớp trang điểm, làm tóc cho đến phục trang, lúc nào cũng toát lên khí chất của con người làm nghệ thuật.
Từ những hình ảnh đen trắng hiếm hoi trên, có thể thấy rằng, khi đất nước đang còn chiến tranh, phái nữ không có sự tác động của công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ nên những đường nét gương mặt họ giữ được rất tự nhiên và thuần Việt. Do đó, biện pháp làm đẹp thời lúc bấy giờ chính là tác động từ bên ngoài nhằm dưỡng da, trang điểm và làm tóc.
Bàn về mỹ phẩm chăm sóc da thời bấy giờ có lẽ chưa nhiều. Ai giàu có lắm thì mới có lọ sáp nẻ của Liên Xô "xách tay" về mà thôi. Còn lại, chị em thường phải dưỡng da từ cây nhà lá vườn. Đó là xông mặt từ hỗn hợp lá sả, hương nhu, vỏ bưởi, tía tô, muối... hay là làm trắng da từ nước vo gạo, làm mềm da bằng bì lợn vào mùa đông,... Có những biện pháp cho đến bây giờ vẫn được chị em ưa chuộng và áp dụng.
Mốt trang điểm thời bây giờ gần giống với những gì thi ca mô tả lại, đó chính là lông mày lá liễu, đôi môi chúm chím son đỏ, má hồng hây hây. Lối trang điểm này giúp cho gương mặt tròn đầy, phúc hậu xưa kia thêm phần sắc sảo và ấn tượng hơn.
Uốn tóc xoăn phi dê. Cái tên nghe có vẻ lạ và gây cười nhưng thực chất nó là kiểu tóc được lăng xê từ thời Pháp thuộc. Mái tóc tự nhiên vốn dĩ thẳng và đen nên ngày ấy, làm được tóc xoăn là cả 1 cuộc cách mạng đỉnh cao. Mái tóc được uốn bằng thuốc uốn được người đời ví "khai như nước đái khỉ" nhưng ai nấy đều cắn răng chịu đựng chỉ để được đẹp.