Vào những ngày mưa nhiều, để không phải đi chợ thường xuyên, bạn có thể mua các loại rau, củ quả, rau gia vị nhiều hơn bình thường một chút rồi về bảo quản, dùng dần. Dưới đây là một vài tuyệt chiêu bảo quản rau, củ, quả các bạn có thể tham khảo và áp dụng nhé.
I. Các loại rau gia vị
1. Hành lá
Rửa sạch, thấm khô bằng khăn giấy, cắt bỏ phần gốc.
Thái nhỏ hành lá theo ý muốn, cho vào túi đông lạnh, ép bỏ không khí và đặt vào tủ đông. Khi cần, cho trực tiếp vào món ăn mà không cần rã đông.
2. Rau mùi
Cách 1: Để ngăn đá
Cắt bỏ gốc và phần thân dưới của rau mùi, ngâm vào bát nước lạnh để loại bỏ cát bụi. Rửa sạch rau với nước vài lần để đảm bảo an toàn. Dùng khăn giấy thấm khô rau hoàn toàn.
Cho rau vào túi cấp đông, ép hết không khí ra ngoài và khóa mép túi. Đặt túi vào ngăn đông tủ lạnh. Khi cần dùng, không cần rã đông, chỉ cần cho trực tiếp vào món ăn để tránh rau bị nát.
Cách 2: Để ngăn mát
Rau mùi mua về cắt bỏ phần gốc, nhặt bỏ hết lá úa, hỏng.
Ngâm rau mùi: Chuẩn bị một bát nước lạnh, ngâm phần lá vào từ 5-10 phút.
Bỏ nước thừa: Vớt rau mùi ra khỏi bát, cho rau mùi vào một chiếc khăn giấy khô, dùng khăn thấm nhẹ để làm khô rau mùi, không cần khô hẳn nhưng sẽ không có giọt nước lớn nào đọng lại. Nếu còn sót lại giọt nước thì sẽ làm hỏng rau trong quá trình bảo quản.
Để rau mùi đặt lên một khăn giấy ấm nhẹ, sạch. Cẩn thận cuốn rau lại.
Cho rau mùi vào túi ziplog, miết kín miệng tùi hoặc cho vào hộp nhựa kín. Bạn có thể ghi ngày bắt đầu bảo quản lên trên để ghi nhớ hạn sử dụng. Cho túi rau mùi vào trong tủ lạnh để bảo quản từ 1 tuần đến lâu hơn một chút.
3. Gừng
Có nhiều cách bảo quản gừng:
Bảo quản gừng bằng gạo: Gừng rửa sạch, thấm khô nước trên bề mặt rồi cho vào túi gạo để gừng không bị héo hoặc mọc mầm.
Bảo quản bằng rượu: Rửa sạch gừng và lau khô. Sau đó cho gừng vào bát rượu trắng sao cho ngập mặt rượu gừng là rượu trắng. Điều này cũng có tác dụng cách ly gừng với không khí, khiến nó không hỏng được. Tuy nhiên cách này không nên để lâu quá gừng ngấm rượu sẽ mất nhiều mùi vị của gừng.
Dùng túi giữ tươi: Lấy một chiếc túi giữ tươi, cho vào một hoặc hai thìa muối ăn, sau đó cho tất cả gừng (gừng phải thật khô) vào túi rồi vắt hết không khí trong túi để đảm bảo hầu như không có không khí trong đó, buộc lại, gừng có thể dễ dàng bảo quản trong vài tháng.
Bảo quản bằng muối: Cho muối ăn vào khăn giấy rồi bọc gừng lại. Để gừng cách ly hoàn toàn với không khí thì dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Với cách này, bạn có thể để gừng từ nửa năm tới 1 năm mà không hỏng.
Bảo quản trong màng bọc thực phẩm: Chuẩn bị một chậu nước sạch, đổ một lượng muối thích hợp vào, khuấy đều thành nước muối nhạt, ngâm các củ gừng trong 15 phút rồi vớt ra lau khô nước bề mặt. Lưu ý, không phơi nắng, sau khi gừng khô, bọc nó bằng màng bọc thực phẩm, đảm bảo không khí đã thoát hết ra ngoài sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh. Bằng cách này, gừng bảo quản lâu vẫn tươi.
Bảo quản bằng cách vùi đất: Chuẩn bị một cái thùng, lót một lớp cát dưới đáy rồi cho gừng vào, đổ một lượng cát thích hợp, phủ kín củ gừng. Cuối cùng vẩy một ít nước để gừng không bị khô. Bằng cách này, gừng có thể bảo quản được nửa năm. Chú ý tưới nước thường xuyên cho gừng để gừng không bị khô nhé!
Bảo quản gừng bằng trà khô: Gói trà khô vào giấy báo rồi cho vào túi nilon. Cho gừng vào túi nilon có trà rồi gói kín lại đem để ở nơi thoáng mát. Nếu khi nào thấy túi giấy bị ẩm, bạn có thể lấy túi giấy ra để lau khô, sau đó cho gừng vào lại.
4. Ớt
Rửa sạch ớt, thấm khô, rồi cho vào túi cấp đông. Khi cần, có thể rã đông để sử dụng cho món ăn sống, hoặc để ớt vừa tan đá một chút trước khi cắt nhỏ.
5. Sả
Cắt bỏ phần ngọn, vỏ cứng, rửa sạch và cắt thành khúc. Cho sả vào túi đông, ép không khí ra ngoài và đặt vào ngăn đá. Với những món cần băm nhỏ, có thể rã đông trước khi băm.
6. Nấm
Bảo quản nấm (chưa rửa) trong túi giấy có lá mùi tây. Lá mùi tây giúp ngăn nấm xuất hiện đốm nâu và giữ nấm tươi trong 3-5 ngày.
7. Cần tây
Cần tây nên được bọc bằng lá nhôm thay vì màng bọc thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, các loại rau như hành, tỏi tây, cần tây có thể giữ tươi trong lọ thủy tinh tới một tháng.
II. Bảo quản củ quả
1. Cà tím
Cà tím vốn là loại quả không thích hợp để ở nhiệt độ thấp. Ở tủ lạnh, cà tím sẽ trở nên mềm và sẽ mất chất dinh dưỡng nhanh, vì thế hãy giữ nó ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp.
2. Cà chua
Cà chua cũng là loại quả không nên bảo quản trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp của tủ lạnh khiến chúng mất đi hương vị, trở thành thực phẩm vô vị. Khí lạnh làm chậm quá trình chín tự nhiên của cà chua, làm chúng không còn ngon ngọt nữa. Do đó, chỉ nên để cà chua ở một rổ, giỏ thoáng khí ở nhiệt độ phòng.
3. Khoai tây
Nên cất khoai tây ở nơi khô và tối, tránh xa ánh sáng và độ ẩm - những điều kiện có thể khiến khoai tây mọc mầm hoặc hư thối.
Cất khoai tây trong túi giấy hoặc lưới hoặc để chúng trong một hộp có lưới được phủ bằng giấy báo hoặc giấy thấm ở phía dưới. Nhiệt độ lưu trữ lý tưởng nằm trong khoảng từ 6.7 độ C đến 10.6 độ C giúp khoai tây sống sẽ tồn tại trong 1 đến 2 tuần.
4. Tỏi, hành tây
Tỏi và hành tây sẽ bị thối nếu bảo quản trong tủ lạnh vì không đủ lưu thông không khí và quá nhiều độ ẩm. Tốt nhất là giữ chúng ở nơi mát mẻ với ít ánh sáng. Bạn có thể đặt chúng trong tất nylon hoặc trong quần có lỗ và treo chúng để giữ chúng được lâu hơn. Thời gian bảo quản chúng có thể được kéo dài đến 6-8 tháng.
5. Cà rốt
Cà rốt tươi lâu nhất khi vùi vào trong cát. Cát sẽ giúp ngăn bay hơi nước từ củ và khiến củ cà rốt lâu bị hỏng hơn.