Bánh chưng là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Cách gói bánh chưng không khó, chỉ cần có lá dong, chút gạo nếp ngon, đỗ xanh cùng dăm ba lạng thịt ba chỉ là có ngay một chiếc bánh chuẩn vị truyền thống.
Để gói bánh chưng người ta có thể dùng khuôn hoặc không. Tuy nhiên, với cách gói bánh chưng không cần khuôn thì rất khó, phải những người có kinh nghiệm mới tạo ra được một chiếc bánh vuông vắn đẹp mắt. Chính vì thế mà cách gói bằng khuôn phổ biến và có nhiều người áp dụng hơn.
Trong bài viết này, hãy cùng Bếp Eva khám phá cách gói bánh chưng bằng khuôn cực đơn giản để đón xuân Quý Mão 2023 nhé, đảm bảo vụng mấy cũng thành công mỹ mãn.
Nguyên liệu gói bánh chưng
- Gạo nếp: 1kg
- Đỗ xanh không vỏ: 500g
- Thịt lợn chân giò hoặc ba chỉ: 400g
- Lá dong: 1 bó
- Lạt: 1 bó
- Lá riềng giã rồi vắt lấy nước
Hướng dẫn chọn nguyên liệu ngon gói bánh
* Gạo nếp
Để gói bánh chưng ngon thì bạn nên chọn nếp cái hoa vàng. Loại gạo có độ thơm, dẻo vừa phải, khi bánh chín dẻo dền, không sợ nát. Muốn mua gạo nếp ngon, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Hạt nếp căng tròn, bóng mẩy và đều nhau.
- Gạo có màu trắng đục, không xuất hiện chấm đen hay vết lạ trên bề mặt.
- Những hạt gạo có màu trắng trong, nịnh mắt thường là gạo đã được đánh bóng, lượng dinh dưỡng không còn nhiều.
- Dùng tay chà xát nhẹ, gạo ngon sẽ có mùi thơm tự nhiên rất đặc trưng.
- Nhấm thử 1 vài hạt, nếu là gạo ngon thì nhai lâu bạn sẽ cảm nhận được mùi ngọt nhẹ và thơm cực kỳ dễ chịu.
* Đỗ xanh
- Đỗ mùi thơm đặc trưng có phần hơi ngái. Nếu thấy xuất hiện mùi ẩm mốc thì không nên mua.
- Chọn những hạt đỗ không bị mối mọt bởi khi bị loài này tấn công lượng dinh dưỡng trong đỗ giảm đi rất nhiều. Khi chế biến sẽ không giữ được mùi thơm, ngậy.
- Đỗ có màu vàng tươi đẹp mắt.
* Lá dong
- Lá dong để gói bánh chưng phải là loại lá bánh tẻ, không quá già cũng không quá non.
- Ưu tiên những chiếc lá bản to, màu xanh đậm.
- Lá tươi, không bị giòn.
- Chọn những chiếc lá lành không bị rách, sâu.
Cách gói bánh chưng bằng lá dong
Bước 1: Ngâm gạo, đỗ xanh
- Gạo nếp đem ngâm trong nước có lá riềng để qua đêm. Nếu vội bạn cũng phải ngâm gạo tối thiểu trước 4 tiếng.
- Đỗ xanh đem ngâm qua đêm bằng thời gian với gạo.
Bước 2: Rửa lá dong
- Lá dong mua về rửa thật sạch rồi dùng khăn lau cho khô cả 2 mặt lá.
Bước 3: Ướp thịt lợn
- Thịt ba chỉ đem rửa cho thật sạch sau đó thái thành từng miếng vừa ăn.
- Cho thịt vào bát tô rồi thêm vào đây muối, hạt tiêu cùng mì chính. Trộn đều cho thịt ngấm gia vị.
Bước 4: Xử lý gạo và đỗ
- Gạo nếp sau khi ngâm bạn vo lại thật sạch. Đổ nếp ra rổ cho ráo nước rồi thêm vào đây khoảng 1 thìa muối sau đó trộn thật đều.
- Tương tự với đậu xanh, bạn vo đậu xanh đã ngâm rồi đổ ra rổ. Rắc vào đây 1 chút muối cùng hạt tiêu và xóc thật đều.
Bước 5: Đồ đậu xanh
- Cho đậu xanh đã xử lý ở bước 4 lên chõ và đồ cho thật chín.
- Dùng chày giã nhuyễn đậu để khi chín bánh chưng sẽ thơm và béo ngậy hơn.
Bước 6: Cách gói bánh chưng
- Đặt khuôn bánh lên trên mặt phẳng rồi lần lượt đặt lá dong vào trong khuôn.
- Rải đều gạo nếp ra 4 góc khuôn bánh. Chú ý, lớp gạo được thêm không quá dày cũng không quá mỏng.
- Thêm 1 lớp đỗ xanh vào, đặt thịt lợn đã ướp rồi lại phủ đỗ xanh, gạo lên trên.
- Lưu ý, cân đối sao cho lượng đỗ xanh và gạo nếp ở bên dưới, bên trên đều nhau.
- Gấp lá dong lại rồi dùng lạt cố định lại cho chắc. Cần nhớ, không buộc bánh quá chặt, bởi trong quá trình luộc bánh gạo sẽ nở ra. Nếu bạn buộc chặt thì dễ khiến bánh nứt, gạo nếp lòi ra bên ngoài.
Bước 7: Luộc bánh chưng
- Chuẩn bị một chiếc nồi lớn.
- Lót lá dong xuống đáy nồi rồi lần lượt xếp bánh chưng vào. Nên xếp bánh thành tầng chồng lên nhau như thế mới giữ được bánh cố định không sợ bị nứt.
- Đổ nước lạnh cho ngập bề mặt bánh, đậy vung lại và đốt bếp để bắt đầu luộc.
- Khác với luộc các loại bánh thông thường, luộc bánh chưng cần thêm nước liên tục vì thế bạn hãy chuẩn bị nước nóng để sẵn sàng châm nước.
- Bánh luộc được 1 nửa thời gian thì bạn lật bánh và tiến hành thay nước.
- Bánh chưng luộc càng lâu thì càng dền, không bị lại gạo. Thường sẽ luộc từ 8 - 10 tiếng.
Bước 8: Ép bánh
- Sau khi bánh chín, bạn vớt bánh ra rồi ngâm trong nước lạnh.
- Khoảng 20 phút sau thì vớt bánh và đem đi ép. Công đoạn này sẽ giúp cho bánh chưng chắc, dền, không bị nhão nhờ vậy mà bánh ngon cũng như để được lâu hơn.
Bước 9: Hoàn thành
- Xếp bánh chưng đã ép đặt ở nơi thoáng mát.
- Khi ăn bạn bóc từng lớp lá dong bên ngoài rồi dùng lạt cắt bánh thành từng miếng vừa ăn.
Yêu cầu thành phẩm
Bánh chưng có độ dền, dẻo của nếp cái hoa vàng. Lớp nếp xanh mướt nhờ ngâm lá riềng. Đỗ xanh thơm, ngậy. Thịt ba chỉ béo béo thấm đẫm tiêu và gia vị. Tất cả hòa quyện tạo nên món ăn tròn cả hương lẫn sắc.
Mẹo bảo quản bánh chưng
Ngoài cách gói bánh chưng thì khâu bảo quản loại bánh này cũng rất quan trọng. Nếu để ở nhiệt độ thường bánh chưng chỉ bảo quản được từ 3 - 5 ngày. Thời tiết nắng nóng thì bạn cần cất chúng trong tủ lạnh để giữ bánh lâu hơn.
Một số mẹo bảo quản bánh chưng bạn không thể bỏ qua:
- Lá dong rửa thật kỹ, lau khô để loại bỏ hết cặn bẩn, vi khuẩn.
- Sau khi luộc xong phải đem bánh đi rửa thật sạch như thế sẽ tránh được tình trạng bánh bị mốc.
- Đặt bánh ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Tuyệt đối không cho bánh vào túi nilon hoặc những nơi có nhiệt độ cao.
- Không nên cắt quá nhiều bánh, nếu không ăn hết dễ bị hỏng.
- Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản bánh chưng là khoảng 20 độ C. Trời nắng nóng bạn nên cất bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh.
- Phần bánh thừa không ăn hết, bạn nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, như thế bánh sẽ không bị vi khuẩn tấn công, đồng thời cũng tránh bị các thức ăn khác bám mùi.
Chúc bạn thành công với cách gói bánh chưng bằng khuôn này!