Bí đao hay còn gọi là bí xanh không chỉ là một loại quả được sử dụng trong bữa cơm của người Việt mà còn được ứng dụng làm mứt rất thơm ngon và ngọt đậm đà. Mứt bí có độ giòn giòn, ngọt khá đậm thích hợp cho những ngày lạnh và đặc biệt là các dịp Tết âm lịch đãi khách vừa sang trọng vừa truyền thống.
Cách làm mứt bí đao không quá khó nhưng từ cách lựa chọn bí, sơ chế, tẩm ướp cho tới sên mứt phải thực hiện khéo léo mới cho ra mẻ mứt trắng đẹp mắt, lớp phấn phủ đều và ăn giòn giòn. Bếp Eva hướng dẫn chị em cách làm mứt bí đao trắng đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất ngay sau đây!
Nguyên liệu làm mứt bí đao
- Bí đao: 1kg
- Đường trắng: 600g
- Vôi tôi: 20g
- Phèn chua: 15g
- Nước hoa bưởi: 1 muỗng canh hoặc vani
Lưu ý: Nên chọn loại bí già có phấn trắng ở bên ngoài vỏ để làm mứt được giòn, ngon hơn.
Những nguyên liệu chính làm mứt bí đao giòn ngon
Cách làm mứt bí đao đơn giản nhất
Bước 1: Sơ chế bí đao
- Hòa tan 20g vôi bột với 3l nước rồi để lắng xuống lấy phần nước trong (nên để qua đêm để có được nước vôi trong tốt nhất)
- Bí xanh gọt vỏ xanh bên ngoài, bỏ ruột, thái con chì cỡ ngón tay út rồi rửa sạch.
- Ngâm bí vào chậu nước vôi trong khoảng 8 tiếng hoặc để qua đêm để bí có độ cứng nhất định.
Lưu ý: Ngâm ngập hết bí trong nước vôi trong.
- Bí ngâm xong vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước sạch rồi để ráo nước.
Thái bí, ngâm với nước vôi trong
Bước 2: Trần qua bí
- Cho phèn chua và 3l nước vào nồi, đun sôi. Nước sôi cho bí vào trần sơ từ 1 - 2 phút để bí có độ trong sau đó vớt bí ra bỏ ngay vào chậu nước lạnh. Vớt bí ra và để ở chỗ thoáng gió khoảng 2 - 3 tiếng cho bí khô bớt.
Chần bí với phèn chua rồi rửa sạch để ráo nước
Bước 3: Ướp bí với đường
- Cho bí vào ướp với 600g đường trắng trong 4 tiếng. Thỉnh thoảng đảo nhẹ tay để bí ngấm đều đường.
Ướp bí với đường cho ngấm
Bước 4: Sên mứt bí đao
- Dùng chảo sâu lòng (nên chọn loại chảo dày để tránh bị cháy khi sên mứt), đun nóng chảo rồi cho cả bí và nước đường vào đun lửa vừa, khi hỗn hợp sôi thì hạ lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo đều nhẹ tay.
- Khi đường bắt đầu cạn dần và sánh lại, đảo sẽ thấy nặng tay hơn, đảo liên tục để bí không bị dính lại với nhau. Đảo cho tới khi thấy đường kết tinh màu trắng thành phấn bao phủ miếng bí thì cho nước hoa bưởi hoặc vani vào đảo liên tục cho tới khi đường kết tinh hoàn toàn thì tắt bếp.
- Cho bí ra mâm, đợi khô rồi đem phơi nắng 2 - 3 tiếng cho mứt bí khô hẳn.
Thành phẩm mứt bí đao trắng
Các thanh mứt đều nhau, các lớp đường trắng bám đều, mứt khô và màu trắng đẹp mắt.
Mứt bí khi ăn có độ giòn, ngọt sắc, sâu bên trong vẫn còn nước và trong suốt.
Mứt bí có thể thưởng thức với tách trà nóng rất thích hợp cho những ngày lạnh nhâm nhi.
Mứt bí đao trắng có lớp phấn đường phủ rất đẹp mắt
Bí có độ giòn, bên trong vẫn còn ướt trong suốt
Bảo quản mứt bí
Khi mứt bí nguội hoàn toàn, cho vào túi nilon bịt kín lại và có thể để được cả tháng mà vẫn giữ được hương vị như ban đầu.
Tác dụng của phèn chua và nước vôi trong khi làm mứt bí
- Ngâm bí với nước vôi trong sẽ giúp bí có độ rắn chắc hơn
- Ngâm với phèn chua để tạo độ trong, chắc và dẻo cho từng miếng mứt
Bí quyết làm mứt bí ngon đón Tết Nguyên đán
- Bí đao được chọn là loại bí già, chắc và không bị xốp sẽ cho miếng bí ngon hơn.
- Nên sử dụng đồng thời phèn chua và nước vôi trong để có được mẻ mứt chất lượng nhất. Các bạn có thể làm mứt bí không cần phèn chua, không cần nước vôi trong và thay thế bằng nước cốt chanh nhưng bí sẽ không có được độ giòn và trong, không đẹp mắt.
- Nếu các bạn thích làm mứt bí đao xanh thì có thể sử dụng phẩm màu xanh để ướp bí sẽ cho mứt bí xanh đẹp mắt và hấp dẫn, không làm ảnh hưởng tới chất lượng của mứt.