Bún mọc là một trong những món ngon của ẩm thực miền Bắc. Theo một số tài liệu ghi lại, món bún này có nguồn gốc từ làng Mọc (làng Nhân Mục), Nhân Chính mà nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nguyên liệu làm ra tô bún mọc không nhiều, người ta sử dụng xương ống heo, giò sống thêm mộc nhĩ, gia vị và một số loại rau thơm. Gia đình nào có điều kiện thì chuẩn bị thêm cả xương sườn, chả lụa.
Ngày nay, bún mọc được nấu theo nhiều cách khác nhau. Có nơi sử dụng cả dọc mùng, sú giò (móng giò) heo, cà chua… để làm tăng thêm hương vị cho món bún mọc truyền thống.
Trong bài viết này, Bếp Eva sẽ chia sẻ đến bạn một cách nấu bún mọc ngon chuẩn vị, ai cũng có thể làm được.
Nguyên liệu nấu bún mọc
- Sườn lợn: 500g.
- Xương ống: 250g.
- Bún tươi.
- Chả lụa: 250g.
- Giò sống: 250g.
- Mộc nhĩ.
- Hành lá, rau mùi.
- Hành tím băm nhỏ hoặc thái lát mỏng.
- Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
- Rau sống ăn kèm (tùy theo sở thích mà lựa chọn).
- Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu…
Hướng dẫn cách nấu bún mọc
1. Sơ chế nguyên liệu
- Xương ống heo bạn rửa sạch, chặt đôi rồi cho xương vào nồi nước, chần khoảng 2 phút thì vớt ra, rửa lại vài lần để loại bỏ hoàn toàn mùi hôi, tanh. Ngoài ra, bước này cũng sẽ giúp nước dùng làm bún mọc sẽ trong, vị thanh hơn.
- Bỏ xương ống đã làm sạch vào nồi nước, nêm thêm 2 thìa muối, 2 thìa hạt nêm, nước mắm và đậy vung lại, ninh với ngọn lửa vừa.
- Phần xương sườn bạn rửa sạch, ngâm nước muối loãng để loại bỏ hết màu thừa còn sót lại giúp thịt sườn thơm, không còn bị hôi nữa.
- Vớt sườn ra bát tô và thêm hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm rồi ướp khoảng 30 phút. Bằng cách này, thịt sườn sẽ đậm đà, khi nấu lên ăn cũng ngon hơn.
- Mộc nhĩ ngâm nở, băm nhỏ. Hành thái nhỏ. Chả lụa thái miếng vừa ăn.
- Rau sống rửa sạch, ngâm nước muối loãng rồi vớt ra cho ráo nước, dùng làm đồ ăn kèm với bún.
2. Làm mọc
- Cho giò sống vào bát tô, nêm thêm hạt tiêu xay, mộc nhĩ cùng hành lá và trộn đều lên. Đảo đều tay để mọc ngấm gia vị. Nặn mọc thành từng viên tròn, nhỏ.
3. Làm nước dùng
- Phi hành tỏi thật thơm, trút sườn đã ướp vào xào tới khi thịt săn lại thì tắt bếp.
- Đổ phần nước xương ống hầm vào nồi sườn, ninh khoảng 30 phút thì cho mọc vào nấu cùng.
- Thấy mọc nổi lên trên mặt nước là mọc chín. Lúc này, bạn nấu thêm chừng 10 phút nữa, nêm nếm lại gia vị sao cho nước dùng vừa miệng là được.
4. Hoàn thành
- Trụng bún tươi trong nồi nước sôi rồi cho ra bát. Chan nước dùng có sườn, mọc và rắc thêm hành lá, rau mùi. Đừng quên thêm vài miếng chả lụa thái mỏng lên trên để có một bát bún mọc ngon tròn vị.
Bún mọc nấu kiểu này không chỉ nhanh mà còn rất ngon. Nước dùng thanh ngọt, đậm đà từ xương ống hầm. Sườn chín mềm ngon, viên mọc mọng mềm ăn kèm với các loại rau thơm hợp vô cùng.
Bạn có thể dùng bún mọc làm món chính đổi gió cho bữa cơm của gia đình hoặc chuẩn bị chúng cho bữa sáng cuối tuần chiêu đãi người thân, bạn bè.
Mẹo nấu bún mọc ngon, chuẩn vị
- Trong quá trình hầm xương ống, bạn nên dùng muối hớt sạch lớp bọt nâu nổi trên bề mặt. Bằng cách này, nước dùng sẽ thơm, ngon và không bị đục.
- Mọc đừng nấu chín quá kỹ, ăn tới đâu nấu tới đó như thế mới giữ được độ mềm ngon, không sợ bị bã, dai.
- Điều chỉnh gia vị phù hợp với khẩu vị của gia đình. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm các “topping” vào món ăn để tăng thêm sức hấp dẫn như: Móng giò, dọc mùng, chả nướng…