Trong kho tàng ẩm thực phong phú và độc đáo của Việt Nam, có những món ăn mà chỉ nhắc tên thôi cũng khiến người chưa từng thưởng thức phải rùng mình. Nhưng chính những món ăn đó lại là tinh hoa, là "lộc trời", gói gọn trong đó sự tinh tế, khéo léo và cả triết lý sống hài hòa với thiên nhiên của người Việt. Một trong những đặc sản như thế chính là con rươi, loài sinh vật có phần kỳ dị trong hình dáng, nhưng lại mang đến hương vị đặc biệt hiếm có, là món quà quý của mùa thu, thường chỉ xuất hiện một thời gian ngắn ngủi mỗi năm.
Con rươi, hay còn gọi là “rồng đất”, là một loài giun nhiều tơ sống ở vùng nước lợ ven sông. Chúng thường xuất hiện theo mùa, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch khi tiết trời chuyển mình sang đông. Những ngày rươi nổi gọi là “mùa nước rươi”, được người dân vùng châu thổ sông Hồng ví như ngày lộc trời rơi xuống ruộng, vì rươi không thể nuôi được, chỉ nhờ thiên nhiên ban tặng. Loài này có thân mềm, màu hồng nâu hoặc xanh xám, mình dẹt, có lông tơ tua tủa hai bên thân, nhìn qua không khác gì một sinh vật ngoài hành tinh, dễ khiến người chưa quen phải e ngại. Thế nhưng, ẩn sau vẻ ngoài "đáng sợ" ấy là một thứ đặc sản quý, vừa ngon, vừa bổ dưỡng, lại đậm đà hồn quê.
Rươi có vị ngọt thanh, béo ngậy và thơm lạ không giống với bất kỳ loại hải sản hay thủy sản nào khác. Khi được chế biến đúng cách, rươi tan trong miệng, để lại hậu vị dịu nhẹ, có mùi hương đặc trưng rất riêng một phần nhờ vào sự kết hợp với các loại rau thơm như thì là, lá gừng, đặc biệt là vỏ quýt, thứ gia vị không thể thiếu giúp khử tanh và làm dậy mùi thơm đặc trưng cho các món rươi.
Rươi có thể chế biến thành nhiều món, nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là chả rươi - món ăn được xem là “đỉnh cao” trong ẩm thực mùa thu miền Bắc. Rươi được đánh nhuyễn, trộn cùng trứng, thì là, hành lá, một chút thịt xay và vỏ quýt thái chỉ, sau đó đem chiên vàng ruộm. Miếng chả mềm mại, thơm lừng, bên ngoài giòn rụm, bên trong ngậy béo, là món ăn gợi nhớ về những ngày se lạnh của Hà Nội xưa. Ngoài ra, còn có rươi kho niêu đất, mắm rươi, rươi om vỏ quýt, hay rươi nấu canh măng, mỗi món lại mang một sắc thái riêng, vừa mộc mạc, vừa đậm đà.
Các vùng nổi tiếng với rươi phải kể đến Hải Dương, đặc biệt là xã An Thanh (Tứ Kỳ), nơi được mệnh danh là “thủ phủ rươi” của miền Bắc. Ngoài ra, còn có Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Những nơi này có môi trường phù hợp để rươi sinh sống, hình thành nên văn hóa ẩm thực riêng gắn liền với loài vật đặc biệt này.
Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với sự độc đáo, tận dụng tối đa sản vật từ thiên nhiên để tạo nên những món ăn không chỉ ngon mà còn mang giá trị văn hóa, tâm linh. Rươi là một ví dụ tiêu biểu cho tinh thần ấy - một món ăn mà nếu chưa từng thử qua, có thể bạn sẽ lướt qua bằng ánh nhìn dè chừng, nhưng nếu một lần nếm thử, bạn sẽ khó lòng quên được hương vị đậm đà và sự trân trọng với món quà hiếm hoi của đất trời.
Vì rươi chỉ xuất hiện một thời gian ngắn nên nhiều người sẽ mua về và bảo quản, trữ đông để được ăn rươi quanh năm.
Nếu trong tủ lạnh vẫn còn rươi thì dưới đây là một số món ăn từ rươi, các bạn có thể tham khảo nhé:
1. CHẢ RƯƠI
Nguyên liệu làm chả rươi
- Rươi: 350gr
- Nạc vai xay: 150gr
- Giò sống: 80gr (giúp dính kết mặt chả chắc hơn, nếu nướng bằng nồi chiên không dầu mặt chả đẹp luôn)
- Vỏ quýt: quả nhỏ lấy 1/2 quả (đừng tham mà đắng nhé)
- Khế chua: 1/2 quả vừa, nếu quả to hơn lấy 1/3 quả
- Ớt: 1 - 2 quả
- Trứng gà: 3 quả
- Lá rươi: 1 bó nhỏ (bao gồm hành, răm, thì là, lá lốt, lá gừng, có thể cả lá gấc, lá ớt và khế chua)
Cách làm chả rươi
Bước 1: Sơ chế
Rươi rửa sạch, để khô. Thả rươi vào nước nóng khoảng 30 độ, cho rươi bơi hoặc lấy đũa khuấy nhẹ cho rụng hết lông rươi và đất, sau đó dùng vợt vớt rươi lên và dội qua nước lạnh cho sạch. Không dùng nước sôi và không khuấy mạnh tay vì sẽ làm rươi vỡ bụng, trôi mất chất đạm, chất bổ ngon nhất của rươi theo nước.
Bước 2: Trộn nguyên liệu
Thịt nạc vai xay đem trộn với giò sống. Sau đó đổ rươi, trứng và các loại rau gia vị thái nhỏ vào. Thêm 1 thìa cafe tiêu bột. Nêm thìa cafe bột canh.
Dùng phới lồng để trộn rươi. Sau khi dùng phới lồng trộn thì thu được hỗn hợp sền sệt. Ai thích rươi tan ra thì mạnh tay đánh tiếp nhé.
Bước 3: Chiên chả rươi
Làm nóng chảo rồi mới cho mỡ vào, đun nóng cho mỡ tan ra hết.
Sau đó, múc hỗn hợp rươi vào chảo, dàn mỏng sau khi mỡ đã nóng già.
Rán cho đến khi 2 mặt miếng chả đều chín vàng ruộm là được. Cho chả rươi ra đĩa ăn nóng.
Nếu chiên chả rươi bằng nồi chiên không dầu, bạn có thể làm như sau: Xoa nhẹ một lớp mỡ trên bề mặt lá chuối lót sẵn trong chảo. Sau đó đổ hỗn hợp rươi lên và dàn mỏng. Nhiệt độ nồi được set là 200 độ C. Trong quá trình nướng phải thay một lần lá chuối mới khi trở mặt chả. Muốn vàng đều phải bỏ lá chuối ra thay bằng giấy bạc. Vì chả chưa kịp vàng lá chuối đã cháy đen.
Chỉ cần một bát mắm ngon, vắt nửa quả quất và thả vài lát ớt nữa, rắc ít hạt tiêu rồi chấm chả rươi và ăn cùng cơm trắng thì không còn gì hấp dẫn bằng. Món chả có vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi, quyện cùng mùi thơm bùi của trứng gà, vỏ quýt cùng các loại rau thơm khác... đã tạo nên một thức đặc sản ai ăn một lần sẽ chẳng bao giờ quên!
2. BÚN RIÊU RƯƠI
- Nước dùng sẽ có: Xương đuôi - Hành khô và gừng nướng - Nghệ đập dập - Khế chua - Tiêu bắc nguyên hạt - Ớt
- Viên mọc rươi nướng: Rươi - Thịt nạc vay xay - Giò sống - Gia vị lá rươi (hành, răm, thì là, vỏ quýt, khế, ớt, lá gừng...). Gia vị nêm nếm (tiêu bắc, bột canh...). Tất cả trộn đều, để lạnh rồi viên tròn, nướng nồi chiên không dầu.)
- Nhân rươi xào: Rươi - Nạc vai - Gia vị như làm viên mọc - Cà chua, hành, gừng... Phi thơm hành, gừng với cà chua. Cho rươi, thịt nạc vai và chút mắm vào xào. Xào khô một chút, đừng xào ướt.
- Rau gia vị đi kèm bún có rau cần/cải cúc; hành, răm thì là. Tất cả rửa sạch để ăn/nấu kèm bún.