Là một kiến trúc sư nhưng từ nhỏ, Phương Thảo (33 tuổi, Vũng Tàu) đã rất đam mê làm bánh. 8X chia sẻ, trong kí ức tuổi thơ của mình luôn có một mùi thơm rất đặc biệt toả ra từ những chiếc bánh mì ở xưởng bánh nằm gần nhà. Có lẽ thích ăn bánh, thích ngửi mùi bánh mà cô bé ngày ấy cũng thích làm bánh. Cho đến giờ, đôi lúc cô nói vui với ông xã, “biết đâu mùi bánh em đang nướng hôm nay sẽ trở thành kí ức tuổi thơ của một đứa trẻ nào đó trong xóm mình thì sao!".
Từng nướng bánh bằng lò than, dành tiền tiêu vặt để mua dụng cụ làm bánh
Với Phương Thảo, sở thích làm bánh không phải chợt đến rồi chợt đi giống nhưng cơn mua mùa hạ mà nó thực sự được gieo mầm và nuôi dưỡng trong cả một quá trình dài lâu. Lúc nhỏ mê bánh, đến khi học lớp 7, lớp 8 trường học tổ chức những khóa học nữ công gia chánh, cô đã đăng ký học và từ đó đã biết làm bánh tương đối bài bản.
"Mình có 1 cuốn sổ tay rất là đẹp và mình đã ghi tất cả các công thức vào trong đó. Trời ạ! Mình coi nó như 1 cuốn bí kiếp võ công quý giá vậy đó, mình giữ nó đến tận bây giờ", Thảo tâm sự.
Phương Thảo rất đam mê làm bánh
Ngày ấy, dụng cụ làm bánh của Thảo của còn thô sơ lắm, chẳng hiện đại như bây giờ. Cô tận dụng que lò xo để đánh bột, nướng bánh bằng lò than, lấy cái rổ làm bàn xoay… Tuy tất cả đều rất đơn giản, chỉ là tận dụng có gì làm đấy nhưng với 8X, tất cả đó là một miền ký ức hạnh phúc mà đến giờ mỗi khi nghĩ lại cô đều rất vui. Đó chính là bước đệm để Thảo có được như hiện tại.
Chiếc bánh đầu tiên cô gái nhỏ làm là bánh bông lan cơ bản. Khi đó cô cứ nghĩ máy xay sinh tố công dụng cũng như máy đánh trứng nên đã cho tất cả nguyên liệu vào đó xay rồi đem nướng bằng lò than chỉ có lửa dưới mà không có lửa trên. Cuối cùng kết quả chắc chắn nhiều người cũng đoán được.
Dần dần, cô để dành tiền tiêu vặt để mua thêm dụng cụ. Không có tiền mua một lần nên lâu lâu cô sẽ sắm một thứ. "Nay mua cái khuôn, mai mua cái đuôi bắt kem, mốt mua cái vét bột… vậy mà sau này nhìn lại là cả 1 gia tài. Mẹ mình thích mình làm bánh lắm, mẹ cho tiền mua 1 cái máy đánh trứng, nếu mình nhớ không nhầm là 700 nghìn đồng, rồi mình khui heo ra gom được mấy trăm nghìn toàn là đồng xu. Sau đó mẹ bù thêm mấy trăm nữa thì mình mua được 1 cái lò nướng 1 triệu 3. Khi đã đủ "đồ chơi" thì mình bắt đầu quẩy tưng bừng", bà mẹ 1 con hạnh phúc chia sẻ.
Về sau, có một quãng thời gian 10 năm vào Sài Gòn học và làm việc, cô gái Đà Lạt ngày ấy không làm bánh nữa mà tập trung cho công việc thiết kế. Thế nhưng đó chỉ là tạm gác lại, cho đến về sau, mọi thứ bắt đầu ổn định, đam mê cũ giống như ngọn lửa cháy âm ỉ lại một lần nữa bùng lên. Lần này, Phương Thảo lại đón nhận sở thích giống như một công việc thứ 2 của mình.
"Ngày đi lấy chồng, mẹ đã gom hết tất cả đồ làm bánh vào trong 1 cái thùng rất to và kêu mình ôm theo về nhà chồng. Đến bây giờ tất cả những thứ đó mặc dù là mình không dùng tới nữa nhưng với mình nó là vô giá", 8X nói.
Không muốn chỉ là một thợ bánh, ước mơ là nghệ sĩ làm bánh
Bản thân là một kiến trúc sư nội thất cũng rất bận bịu nhưng khi chuyển về Vũng Tàu sống cùng ông xã và con trai 6 tuổi, chuyển công việc sang chế độ "freelancer" nên Thảo dễ dàng sắp xếp thời gian cho cả 2 công việc. Tuy nhiên cô cho biết, sắp tới mình sẽ dành toàn bộ thời gian cho công việc bánh trái vì cô đang trong quá trình xây dựng 1 dự án về chuỗi bánh.
Kiến trúc sư và làm bánh có vỏ bề ngoài là 2 nghề hoàn toàn tách biệt thế nhưng với Phương Thảo, bản chất bên trong chúng lại có một sợi dây liên kết vô hình. Thảo tâm sự, nghề kiến trúc luôn đòi hỏi cao về sự sáng tạo và 8X đã quen với phong cách làm việc như vậy nên khi chuyển qua làm bánh cô cũng tự đòi hỏi ở bản thân phải sáng tạo. Thảo hay tìm hiểu những phong cách, xu hướng làm bánh mới và thích làm ra những sản phẩm khác biệt, độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.
"Mình có được một lượng kiến thức tương đối ổn về hội họa, kỹ năng sử dụng màu sắc, và có được tư duy thẩm mỹ của nghề thiết kế, chính những điều đó giúp ích cho mình rất nhiều khi làm bánh, đặc biệt là bánh nghệ thuật", Thảo nói.
8X còn cho biết, khi đã làm nghề thiết kế chắc chắn phải học về nhiếp ảnh (vì đây là một môn học bắt buộc trong trường) đồng thời phải sử dụng thành thạo các phần mềm về hình ảnh như photoshop, AI… Đó là một lợi thế rất lớn cho Thảo trong công việc bánh trái. Tất cả các loại bánh mình làm ra cô đều ghi lại bằng hình ảnh và truyền tải đến mọi người rất dễ dàng. Chưa biết là bánh ngon hay dở nhưng hình ảnh chỉnh chu bắt mắt, mang hơi hướng nghệ thuật chắc chắn sẽ kích thích người xem và họ sẽ quan tâm đến sản phẩm của cô.
Thảo nhấn mạnh, cũng làm bánh như nhiều người khác nhưng cô không muốn dừng lại là một thợ bánh mà muốn trở thành 1 nghệ sĩ làm bánh, luôn luôn sáng tạo.
Mẹ chồng là fan cuồng của bánh con dâu làm
Phương Thảo luôn cảm thấy bản thân may mắn khi từ ngày bắt đầu làm bánh đến giờ cô đều được gia đình hai bên ủng hộ. Đôi khi cũng có vài người bà con nói ra nói vào về cô như “Kiến trúc sư mà giờ lại đi làm bánh” hoặc “Chồng làm bác sĩ mà vợ lại làm bánh”…
Những lúc như vậy 8X cũng không rảnh đi giải thích, cô chỉ chứng tỏ mình bằng hành động và tài năng của bản thân. Đặc biệt, hiện tại, mẹ chồng rất tự hào về cô, đi đâu cũng khoe là có con dâu làm bánh nổi tiếng. Bà chính là “fan cuồng” bánh của con dâu. Các anh chị em trong gia đình ai cũng sẵn sàng “hiến thân” làm chuột bạch cho những lần Thảo thử nghiệm bánh mới.
Làm ra được rất nhiều những chiếc bánh đẹp, mới mẻ thế nhưng Thảo rất ít khi đi học bánh. Cô cho biết, nếu không tính giai đoạn cấp 2 học lớp nữ công gia chánh thì sau này 8X đi học hông quá 3 lần. Đa số cô tự nghiên cứu tài liệu của nước ngoài, tham dự các talk show về bánh. Cô cũng có và một số bạn bè là những chuyên gia bên lĩnh vực này nên 8X học hỏi ở họ rất nhiều.
Riêng dòng bánh fondant, nàng kiến trúc sư đã rất may mắn khi có được một người thầy rất giỏi hướng dẫn. Thầy là nghệ nhân số 1 Việt Nam ở dòng bánh này, đã truyền cho cô được ngọn lửa đam mê, một tình yêu chân chính với nghề và tư duy của một người nghệ sĩ bánh thật thụ. 8X luôn biết ơn thầy về điều đó.
Tuy đã làm bánh nhiều năm nhưng Phương Thảo cũng phải công nhận mỗi loại bánh có độ khó khác nhau. 8X lý giải, "Chẳng hạn như bánh fondant, đây là dòng bánh theo mình đánh giá là khó. Nếu muốn đi sâu vào dòng bánh này ở khía cạnh nghệ thuật thì càng khó hơn bởi vì ngoài đôi bàn tay khéo léo thì phải có một lượng kiến thức tương đối về hội họa, về điêu khắc, về màu sắc, về giải phẩu hình học cơ thể người… Và đặc biệt là phải có tư duy thẩm mỹ tốt. Có lúc mình làm 1 ổ bánh fondant mất 3 tuần thì 2,5 tuần là dành để tìm ý tưởng, vẽ phát thảo, nghiên cứu cách tạo hình, còn thực hiện thì chỉ mất vài ngày.
Hoặc đối với dòng bánh mì thì theo mình khó nhất là phải tìm ra được 1 công thức bánh ngon, mang hương vị đặc trưng riêng, còn kỹ thuật thì làm theo năm tháng sẽ đúc kết được".
Có lẽ vì nắm rõ được bản chất của từng dòng bánh mà mỗi chiếc bánh Thảo làm ra đều mang rất nhiều tâm huyết của cô cũng như ước mơ, hoài bão trở thành nghệ sĩ bánh, luôn sáng tạo đầy sự mới mẻ, hấp dẫn.
Lúc ban đầu, Thảo nghĩ là mình chỉ theo đuổi 1 dòng bánh nhưng thời gian sau, 8X lại thích trải nghiệm với nhiều dòng bánh bởi cô nhận ra rằng tất cả các dòng bánh đều có cái hay riêng. Việc "chinh chiến" qua nhiều dòng bánh, đã mang lại cho cô một loạt kỹ năng, kiến thức phong phú và cái nhìn tổng quan về bánh.
"Sau khi trải nghiệm hết rồi mình sẽ biết được mình thuộc về dòng bánh gì. Hiện tại 2 dòng bánh mình thích nhất là fondant và bánh mì vì fondant giúp cho mình được cháy với đam mê, được sống trong nghệ thuật còn bánh mì giúp mình đảm bảo về kinh tế", nàng kiến trúc nhận định.
8X nhận thấy, trên con đường sự nghiệp bánh trái, cô đã gặp được nhiều may mắn và cảm thấy nghề đã chọn mình, đi đâu thì đi, làm gì thì làm cuối cùng cũng về làm bánh.
Hiện tại, nhờ có tài năng và tâm huyết mà Thảo đã có được một lượng khách hàng trung thành khá đông. Với Thảo, họ giống như khán giả vậy, luôn háo hức chờ đón những loại bánh mới hoặc những tác phẩm bánh nghệ thuật của cô.
"Mình cảm giác họ yêu bánh của mình và họ thích phong cách làm việc của mình. Có 1 khách hàng nói với mình như thế này, “chỉ cần nghe là bánh Thảo làm thì mọi người sẽ tự mặc định là nó ngon và đẹp”, đó chính là động lực để mình cố gắng hơn nữa", bà mẹ 1 con tâm sự.
Hiện tại, Phương Thảo đang nghỉ làm bánh vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Trước khi có chỉ thị 16 của chính phủ, 8X bán online mỗi tuần chỉ 1 lần, khi nào bận với dự án thiết kế thì lúc ấy, 2 tuần Thảo mới làm bánh 1 lần. Chính vì ra ít bánh nên mọi người đặt rất đông, chưa khi nào cô lâm vào cảnh ế hàng.
Tuy hiện tại làm bánh chỉ là nghề thứ 2 và bán không thường xuyên nhưng vẫn đem về thu nhập ổn định cho Phương Thảo. Cô cho biết, thu nhập từ bánh trung bình từ 50-80 triệu/tháng, tuỳ vào độ chăm chỉ. Mặc dù vậy, cũng có tháng không thu nhập được đồng nào vì tháng đó Thảo muốn tập trung sức lực cho nghiên cứu bánh mới hoặc tập trung sáng tác, đơn tới cũng không nhận.
"Mình thường không đặt vấn đề doanh thu lên hàng đầu, trước khi nghĩ bánh này sẽ lời được bao nhiêu thì mình nghĩ bánh này nó phải ngon như thế nào trước đã. Khi có bánh ngon thì khách hàng mua giá cao họ vẫn vui vẻ. Tạo được uy tín thì khách hàng tự tới và kinh tế tự tăng", Thảo hãnh diện nói.
Cô cũng rất tự hào về nghề bánh mình đang theo đuổi. Sắp tới 8X sẽ theo đuổi chuyên nghiệp hơn nữa. Với Phương Thảo, không có gì hạnh phúc hơn khi được sống và làm việc bằng chính đam mê của mình. Ngoài việc làm bánh để thỏa mãn đam mê và để kiếm tiền thì 8X còn muốn truyền cảm hứng về nghề bánh đến với mọi người.
"Nghề bánh khó hay dễ còn tùy thuộc vào tính cách và năng khiếu mỗi người. Đối với các bạn mới vào nghề trước tiên các bạn nên tập được tính kiên nhẫn, chỉnh chu và luôn giữ cho mình một trái tim yêu nghề một cách chân chính. Các bạn đừng vội, hãy trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cơ bản thật tốt, xây được một nền móng vững chắc thì sau này các bạn tiến lên rất nhanh.
Các bạn đừng nản lòng khi gặp thất bại trong làm bánh mà hãy đào sâu tận gốc rễ của vấn đề, mình phải biết mình sai ở quy trình nào? Vì sao sai? Chỉ có như thế bạn mới giỏi lên từng ngày. Bản thân mình đến bây giờ vẫn chưa giỏi, mình còn học và trải nghiệm nhiều lắm nhưng mình tin chắc rằng khi mình yêu nghề bằng cả trái tim thì nghề sẽ mang đến cho mình những quả ngọt rất bất ngờ", Thảo tâm huyết chia sẻ.