Đa phần mọi người luôn nghĩ những ai có thu nhập cao sẽ có cuộc sống ổn định và dư dả. Thế nhưng thực tế vẫn có những người mức lương cao chót vót nhưng chưa hết tháng đã hết tiền, nợ nần chồng chất. Lý do cho tình trạng tài chính đó có thể đến từ những cơn mua sắm bốc đồng, chi tiêu vượt quá số tiền kiếm được, gây ra cảnh thiếu trước hụt sau, phải vay mượn khắp nơi.
Để tránh được sai lầm tài chính nghiêm trọng này, đây là 5 tuyệt chiêu mua sắm bạn cần phải nắm rõ!
1. Không tự thưởng bằng mua sắm
Nhiều người thường lấy việc mua sắm đồ đắt tiền ra làm món quà, phần thưởng cho những cột mốc đáng nhớ hay nỗ lực của bản thân. Song, đây là một hành động không mấy cần thiết nếu tài chính của bạn đang eo hẹp, không dư dả gì cho lắm.
Thay vào đó, hãy tìm những cách khác để tự thưởng cho bản thân với chi phí ít tốn kém hơn. Bạn có thể ăn một bữa cơm ngon, đi cà phê cùng bạn bè, xem một bộ phim… hay chỉ đơn giản là một ngày nghỉ ngơi, không làm gì cả.
2. Biết điểm yếu khi mua hàng
Có 2 dạng điểm yếu tâm lý khi mua hàng khiến dân tình sắm sanh điên cuồng, không kiểm soát được bản thân là:
- Mua quá nhiều thứ mình thích để thỏa mãn bản thân, giải tỏa tâm lý căng thẳng, mệt mỏi.
- Chi tiền cho những thứ không cần vì sợ tâm lý bị bỏ lỡ, áp lực khi những người xung quanh có thứ mà mình không có.
Dù bạn vướng phải điểm yếu nào trong 2 loại này, sớm thôi ví tiền của bạn cũng sẽ bị bào mòn, thậm chí phải vay mượn để có thể chi trả.
Để vượt qua 2 điểm yếu mua hàng này, hãy lên kế hoạch chi tiêu chi tiết cho từng tuần - từng tháng hoặc cụ thể từng lần đi mua sắm. Cho dù món đồ đó có hot trend hay bạn mê đắm đến đâu mà không có trong danh sách cần mua ban đầu, hãy bỏ qua nó. Bám sát kế hoạch và ngân sách chi tiêu sẽ giúp bạn tránh lãng phí tiền bạc, tiết kiệm được đáng kể.
3. Hủy các đăng ký dịch vụ không cần thiết
Có bao giờ bạn "xỉu up xỉu down" khi tài khoản bất ngờ trừ đến vài triệu gia hạn tài khoản VIP của một cái app nào đấy trên điện thoại mà bạn đã quên từ lâu chưa? Đây là chuyện thường ngày như cơm bữa với rất nhiều người.
Chi phí dịch vụ là một trong những khoản chi ít ai để ý nhưng lại tiêu tốn rất nhiều. Chúng giống hệt như một tên trộm, từ từ lấy hết đi tiền trong ví của bạn nhưng bạn lại không hề hay biết.
Việc bạn cần làm là rà soát lại các dịch vụ đã đăng ký tài khoản như phim ảnh, game, app hẹn hò, học ngoại ngữ, lưu trữ dữ liệu, nghe nhạc… xem tài khoản nào không cần thiết và mau chóng hủy nó trước khi bị trừ tiền gia hạn oan.
4. Giảm thời gian, tần suất đi mua sắm
Cho dù có tránh né cỡ nào, bạn vẫn sẽ phải bước vào trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… cho những nhu cầu mua sắm thiết yếu của cuộc sống. Ngoài việc lập danh sách những món đồ cần mua, hãy giảm luôn thời gian dạo quanh và tần suất đi mua sắm của bản thân.
Đa phần các cửa hàng, siêu thị thường có rất nhiều "chiêu trò" để thu hút khách hàng phải rút ví cho những thứ không cần thiết… Bằng cách đến các cửa hàng ít hơn, dành ít thời gian hơn để mua sắm trực tuyến, chúng ta sẽ ít bị cám dỗ hơn.
5. Lập mục tiêu tiết kiệm cụ thể
Nếu bạn không có một mục tiêu tài chính nào cụ thể, bạn sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện phải tiết kiệm tiền bạc và liên tục đốt tiền cho những thú vui, sở thích cá nhân. Sau cùng, khi có một dự định nào đó gấp gáp, bạn lại phải hối hận vì đã phung phí tiền bạc.
Chúng ta có xu hướng mua hàng theo cảm tính và chặc lưỡi cho qua, lấy lý do cho những khoản thâm hụt. Đặt ra mục tiêu và kế hoạch cụ thể cho những đồng tiền của mình là cách để bạn định hướng chi tiêu của mình. Suy nghĩ về một căn nhà, chuyến du lịch cho bố mẹ, xe mới, điện thoại hay laptop mới… đều là yếu tố giúp bạn chống lại cảm xúc của việc mua sắm bốc đồng.
Ảnh: Tổng hợp