Không đơn thuần là một bộ phim rom-com với những miếng hài tình cảm của đôi nam chính, Hometown Cha-Cha-Cha đã biến người xem trở thành những đứa trẻ cô đơn nhất tinh cầu. Một phần nào đó, những mất mát - thiếu thốn về tình cảm gia đình, người xem đều có thể nhìn thấy mình trong nhân vật nam chính có cái tên rất "ngớ ngẩn" Hong Doo Sik; hay còn được gọi là Tổ trưởng Hong.
Nhưng may mắn làm sao, một đứa trẻ cô đơn như Tổ trưởng Hong lại có được món quà là người bà Gam Ri. Trong làng chài nghèo ấy, cậu bé Doo Sik mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lên 10 tuổi thì ông nội qua đời. Người duy nhất chăm sóc, lo lắng và cũng là điểm tựa tinh thần cho Doo Sik lại là bà Gam Ri.
"Người bà quốc dân" Gam Ri của Hometown Cha-Cha-Cha
Điều khiến bà Gam Ri trở nên đặc biệt đó chính là, bà không có máu mủ ruột thịt với Doo Sik, bà cũng chỉ là một nhân vật phụ trong Hometown Cha-Cha-Cha. Nhưng bà Gam Ri đã giúp không chỉ Doo Sik mà cả những người xem phim được chữa lành. Nói không ngoa khi cho rằng, bà Gam Ri chính là người bà quốc dân mà ai cũng từng có kỷ niệm với ông bà mình.
1. Khổ cực đến mấy cũng được, nhưng con cháu ăn phải no, phải ngon nhất!
Không phải những món cực ngon - đắt tiền ở những nhà hàng nổi tiếng hay buffet ở khách sạn 5 sao, bữa cơm quê nhà do chính tay ông bà nấu lúc nào cũng là ngon nhất. Trong phim, cô Hye Jin tưởng chừng là người thành phố đỏng đảnh, về Gongjin những ngày đầu cứ bĩu môi chê đồ ăn và nói nhớ mấy món pizza - beefsteak ở Seoul; vậy mà khi ăn bữa cơm của bà Gam Ri nấu cũng phải thốt lên: Ngon lắm bà ơi!
Bữa ăn bà Gam Ri nấu cho Hye Jin - một đứa cháu xa lạ mới về làng
Cái tính của người già là lúc nào cũng sợ con cháu đói, sợ "tụi nhỏ" ăn không ngon. Vậy nên bà chăm Tổ trưởng Hong rất kĩ, không thể nào chịu được việc cháu mình đói, mỗi lần gặp đều hỏi "ăn gì chưa, để bà nấu cho nhé". Không những thế, ở Gongjin xa xôi, bà vẫn tranh thủ làm những hũ cua ngâm tương tươi ngon, tận tay ôm lên thành phố để cho đứa con trai ruột thịt và cháu của mình ở Seoul được ăn ngon.
Tự tay ngâm cua mang lên thành phố cho đứa con trai của mình
Bà Gam Ri chính là nhân vật đại diện cho tấm lòng của những người ông - người bà, cả đời chỉ biết nghĩ cho con cháu.
2. "Giấu bệnh" không dám nói vì sợ con cái phiền phức
Một trong những chi tiết khiến người xem đồng cảm và đau lòng nhất khi xem Hometown Cha-Cha-Cha đó là việc bà Gam Ri chịu đựng cơn đau răng suốt nhiều năm. Bản thân bà là người sống ở làng chài biển, quanh năm suốt tháng luôn có hải sản, mực tươi ngon để ăn. Bà Gam Ri cũng rất thích ăn mực, nhưng vì cơn đau răng kéo dài mà món ngon cũng không dám thưởng thức.
Những người hàng xóm tình cảm ở làng chài nghèo
Mãi đến khi Hye Jin (cô nha khoa) khuyên, Tổ trưởng Hong nói ra nói vào, bà mới dám gọi điện cho cậu con trai đang ở Seoul. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự vô tâm của con trai bà Gam Ri khi cho rằng đang khó khăn chuyện tiền nong và nói mẹ mình đợi thêm 1 thời gian.
Chúng ta còn trẻ nên chúng ta có thể đợi, nhưng ông bà mình thì không. May mắn là sau đó, Hye Jin đã quyết định giảm giá, bà Gam Ri cũng lấy được dũng khí để "làm răng ăn mực".
3. Ngoài lạnh trong nóng, ánh mắt thấu hiểu hồng trần
Không riêng gì bà Gam Ri, hầu như phận làm con - làm cháu, chúng ta dường như không thể nào nói dối được trước ông bà của mình. Khi thấy Tổ trưởng Hong mãi cứ chần chừ chuyện tình cảm với cô nha khoa, bà Gam Ri đã nhìn ra "cháu" mình có tâm tư. Câu thoại khiến nhiều người xem như được trúng tim đen và được chữa lành nhiều nhất cũng từ đây mà ra:
"Doo Sik à, cuộc đời tưởng chừng rất dài, nhưng sống rồi mới biết nó ngắn lắm. Phải vứt hết những suy nghĩ thừa thãi và sống với chính mình" - bà Gam Ri (Hometown Cha-Cha-Cha).
Câu chuyện này cũng giống như chúng ta khi nhỏ, ở trường có bị ai bắt nạt, có khó khăn gì trong cuộc sống... Tất tần tật đều không thể qua mặt được ông bà trong nhà. Với nhiều người, ông bà chính là những chiếc hộp bí mật, chứa đựng rất nhiều điều thầm kín mà con cháu không thể nào tâm sự được với bố mẹ, ông bà chính là nơi mà họ đặt trọn niềm tin để tâm sự.
4. Phải làm một người thật tốt để thấy cuối đời, hoàng hôn vẫn đẹp như tranh vẽ
Một trong những phân cảnh cảm động nhất của Hometown Cha-Cha-Cha đó chính là cuộc nói chuyện của 3 người bạn già trước khi bà Gam Ri qua đời. Nếu như nhìn vào, trừ ngoại hình nhăn nheo, tóc bạc đi theo thời gian, thì cả ba người họ vẫn giữ được trọn vẹn một tâm hồn trẻ trung. Một bà cụ đang nằm đã phải thốt lên: Ai cũng có lúc cảm thấy thế này nhỉ, rõ ràng là cơ thể đã già, tay chân lộm cộm, nhưng tâm hồn vẫn cứ trẻ nên cứ thấy tủi thân thế nào đó.
Cuộc nói chuyện của ba người bạn già trong Hometown Cha-Cha-Cha
Bà Gam Ri đã trả lời lại rằng: Tôi thấy mình già đi cũng có cái hay, thêm nhiều tuổi, ăn nhiều món ngon, ngắm được nhiều cảnh đẹp, gặp được nhiều người tử tế. Tôi còn mong gì hơn ở đời này nữa?
Sau đó là phân cảnh khiến người ta đau lòng nhất và cũng đồng cảm nhất khi xem đó là khoảnh khắc bà Gam Ri nhắm mắt kể lại những điều tốt đẹp mà bản thân đã trải qua. Suốt cuộc đời mình, bà sống vì con cháu, thậm chí là chăm lo cho cả một đứa trẻ đáng thương không nơi nương tựa như Tổ trưởng Hong. Một người đã làm thật nhiều việc tốt như vậy, đến cuối cuộc đời của mình bà chẳng có gì để hối tiếc. Bà kể lại:
Tôi đang hạnh phúc lắm, tôi được lên TV này, còn thi hát ở đại nhạc hội, tíu tít với các cô cả ngày nữa thật sung sướng biết bao nhiêu. Mà nào đã hết, hoàng hôn hôm nay đẹp như tranh vẽ vậy. Món mực tối nay cũng ngon. Để ý kỹ xung quanh mới thấy, cuộc đời có quá nhiều điều quý giá. Tôi thấy mỗi ngày trong đời, cũng như hôm trước khi đi dã ngoại.
Bà Gam Ri không có gì để hối tiếc
Có một sự thật khá phũ phàng là cả phần đời hạnh phúc mà bà Gam Ri nhắc tới ở đêm cuối cùng nói chuyện với 2 người bạn của mình, lại hoàn toàn không thấy chút bóng dáng của con cháu. Xuyên suốt Hometown Cha-Cha-Cha, chỉ có đúng hai lần bà Gam Ri nói chuyện với người thân, con cháu ruột rà của mình qua điện thoại. Phải đến tập cuối cùng, người xem mới biết mặt gia đình của bà Gam Ri. Đó chính là hiện thực đau xót của không ít gia đình ngoài kia, họ đối xử vô tâm với những người lớn tuổi trong gia đình.
Thời gian của chúng ta còn nhiều, nhưng với người già thì không là bao nhiêu... Mỗi ngày, mỗi ngày, chỉ mong họ có những hoàng hôn đẹp như tranh vẽ, được ăn món ngon và luôn háo hức như ngày trước khi đi dã ngoại. Sự an vui của ông bà chính là món quà tặng cháu con. Để được vậy, chẳng phải ngay từ lúc này chúng ta hãy sống khác đi sao!
Với cùng thông điệp như trên, chuyên đề đặc biệt mang tên "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hợp tác với Công ty Truyền thông VCCorp và Mạng xã hội Lotus thực hiện đã ra đời. Đây là chuỗi hoạt động trọng điểm trong vòng 3 tháng được triển khai ngay từ tháng 10/2021 giúp cho người cao tuổi có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân một cách dễ dàng thông qua nhiều hình thức thông tin và tư vấn. Bên cạnh đó, chuyên đề cũng kỳ vọng góp một phần nhỏ bé vào sứ mệnh thức tỉnh giới trẻ, giúp họ bớt mải mê vùng vẫy với vùng trời của riêng mình mà quên đi ông bà, cha mẹ.
Không bó hẹp trong một chủ đề hay một tuyến nội dung nhất định nào, chuyên đề "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" sẽ được thể hiện đa dạng dưới mọi hình thức và triển khai đồng loạt trên nhiều nền tảng. Tất cả đều hướng tới một mục đích duy nhất là giúp người cao tuổi tự tin sống vui - khỏe - có ích, để những nguồn cảm hứng tích cực không ngừng được truyền tải từ thế hệ trước đến thế hệ sau, để từng gia đình nhỏ thêm hạnh phúc và sau cuối là để một Việt Nam an vui, khỏe mạnh.