Hang Tiền nằm trên một đảo đá thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong những hang động chính cấu tạo đặc biệt đa dạng của hệ thống núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên, đã tạo cho hang Tiền một sức hấp dẫn đặc biệt.
Từ ấp Ba Hòn, người muốn đến hang Tiền phải đi bằng thuyền. Theo anh H. (SN 1995, ngụ ấp Ba Hòn) chỉ có dân ở đây mới nhận ra được hang Tiền, bởi nó nằm khuất lấp sau những ghềnh đá lớn. Bên cạnh đó, hệ thống núi đá vôi tại Kiên Lương khá lớn, hiện khoảng 21 hòn núi nhỏ nằm rải rác. "Nếu không quen, người ta sẽ khó nhận ra được vị trí cửa hang Tiền", anh T. nói.
Núi đá vôi tại huyện Kiên Lương
Ông T. (ngụ ấp Ba Hòn) là một ngư dân lâu năm tại vùng biển Kiên Lương cho biết: "Cách đây rất lâu, người ta đã nhặt được tiền cổ thời vua Gia Long bên trong hang động này. Từ đó, nhiều lời đồn đại cũng râm ran. Một số người cho rằng đó là tiền vua Gia Long cất giấu trong lúc chạy trốn ngang Kiên Giang. Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra giả thiết nơi đây từng là xưởng đúc tiền. Họ tin rằng bên trong hang vẫn còn nhiều 'kho báu' chưa được khai quật nên đã thi nhau đến đục trộm".
Theo ông T., số tiền cổ mà nhiều người nhặt được đều đã hư hỏng, bị xói mòn do nước biển mặn. Vì thế, những vật được nhặt trong hang Tiền không mang lại giá trị về kinh tế. "Đó là câu chuyện của ngày xưa. Hiện tại, tôi thấy hang Tiền là nơi dừng nghỉ ngơi của nhiều ngư dân. Càng vào sâu, hang động càng mát", ông T. nói.
Phía miệng hang Tiền, người dân lập bàn thờ để cúng kiếng. Hằng năm, một số người vẫn đi thuyền đến hang Tiền để thắp hương
Cây thánh giá cổ trong hang Tiền
Càng vào sâu, lòng hang càng rộng
Người dân dựng tạm một chiếc cầu cây để khách ghé thăm có thể tiện di chuyển tham quan
Hiện tại, vì một số yếu tố, hang Tiền và nhiều khu vực biển tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang chưa được phép khai thác du lịch. Tuy nhiên, người dân quanh khu vực này đều biết đến hang Tiền qua nhiều câu chuyện truyền miệng.
"Chưa ai đứng ra 'kiểm chứng' việc hang Tiền có kho báu hay không. Nguồn gốc của mớ tiền cổ này là từ đâu. Tuy nhiên, lâu lâu chúng tôi vẫn bắt gặp những vết đục khoét bên trong hang", ông T. nói.
Núi đá vôi tại huyện Kiên Lương đa dạng sinh học. Đồng thời, đây còn là nơi cư ngụ của nhiều bầy khỉ
Hiện tại, nhiều ngư dân tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang vẫn lui tới khu vực xung quanh hang Tiền để đặt bẫy bắt cua đá. Mỗi tối, vợ chồng chị N.T.D (ngụ ấp Ba Hòn) đã đi đặt và gỡ gần 100 lưới bắt cua đá.
Người dân bắt cua đá quanh hang Tiền
"Đêm khá nhất, chúng tôi bắt được khoảng 6 kg cua. Mỗi kg, chúng tôi được thương lái trả 110.000 đồng. Tiền mồi, tiền xăng dầu đã là 100.000 đồng rồi. Đêm nào thất, hai vợ chồng chỉ được khoảng 1, 2 kg thì sẽ bị lỗ vốn", chị D. chia sẻ.