Bị bố mẹ cấm lên mạng, cấm yêu, cấm đi chơi sau giờ cơm tối, ám ảnh bạn bè giỏi giang: Đây là cách tôi đã vượt qua muôn trùng áp lực!

Với muôn kiểu áp lực trong cuộc sống, người trẻ chọn cách đối diện thế nào?

Áp lực là thứ luôn tồn tại trong cuộc sống. Ai cũng có những câu chuyện riêng, áp lực riêng đến gia đình, xã hội và thậm chí là từ chính bản thân mình. Ngày còn bé, chúng ta bị áp lực bởi chuyện học hành, thi cử, điểm số. Lớn lên, áp lực cuộc sống, công việc, tiền bạc vẫn cứ đè nặng trên vai. Bạn không thể tránh được áp lực, nhưng có thể lựa chọn cách đối mặt và giải tỏa nó mà. Đúng không?

Cấm lên mạng, cấm yêu đương, cấm đi chơi sau giờ ăn cơm tối… 

Phương Thảo (25 tuổi) thừa nhận mình là người chịu được áp lực cao vì ngay từ nhỏ, Thảo đã được gia đình đặt nhiều kỳ vọng nên rất áp lực. "Nhà mình bố bộ đội - mẹ giáo viên, từ nhỏ mình đã được rèn giũa học hành, nề nếp, là người có năng khiếu, mình được gia đình đặt trên vai nhiều kỳ vọng. Khi mình còn nhỏ, đôi khi, một lời động viên, kỳ vọng thôi cũng đủ để khiến mình áp lực rất nhiều".

Bị bố mẹ cấm lên mạng, cấm yêu, cấm đi chơi sau giờ cơm tối, ám ảnh bạn bè giỏi giang: Đây là cách tôi đã vượt qua muôn trùng áp lực! - Ảnh 1.

Phương Thảo (25 tuổi) hiện đang là MC, cô nàng từng trải qua nhiều áp lực từ gia đình thời còn đi học.

"Khi mình xin phép bất cứ thứ gì, bố mẹ cũng không đồng ý ngay, luôn lo lắng và có phần cấm cản. Lên cấp 3, bố mẹ vẫn cấm mình lên mạng, cấm mình yêu đương, cấm đi chơi sau giờ ăn cơm tối… Mình có lúc thấy bất bình và buồn lắm, hồi đó nghĩ  'Tại sao mình phải như thế? Tại sao nhiều bạn khác được thoải mái hơn?'. Thậm chí mình đã giấu bố mẹ tự bán hàng online trên mạng và mua được chiếc iPhone 5 đầu tiên trong cuộc đời và vẫn phải dùng dấu giếm".

"Sau này lớn lên mình mới hiểu, thương bố mẹ nhiều lắm. Trong quá khứ bố mẹ đã quá khổ, nên muốn con mình mạnh mẽ và có cuộc sống sướng hơn nhờ kinh nghiệm của thế hệ trước. Mình nghĩ tâm lý chung của bố mẹ là muốn mình toàn diện cả văn hoá và nhân cách nên đôi khi gây áp lực lên các con từ nhỏ. Nhưng khoảng cách 2 thế hệ là quá lớn nên rất khó để "làm bạn" với con", Phương Thảo chia sẻ.

Chừng nào vẫn còn so sánh mình với người khác, mình vẫn phải chịu áp lực rất lớn

Cũng như phần lớn các bạn trẻ hiện nay, Trương Hằng (23 tuổi), từng trải qua áp lực đồng trang lứa nặng nề. "Ngày xưa đi học mình bị peer pressure nhiều lắm. Cấp 3, mình học lớp chuyên Anh, các bạn trong lớp đều rất giỏi. Đến thời điểm thi Đại học, các bạn lần lượt đi du học còn mình lựa chọn học trong nước. Trong 4 năm Đại học, mình cũng rất cố gắng để học cho tốt. Rồi 4 năm ĐH cũng trôi qua, tưởng rằng đi làm rồi sẽ thoát khỏi áp lực đồng trang lứa, nhưng khi đi làm mình vẫn phải đối diện với thứ áp lực này. Mình thấy, trong công ty có những em còn kém tuổi mình mà làm việc rất tốt nên áp lực đồng trang lứa lại càng lớn hơn".

"Và mình nhận ra là chừng nào vẫn còn so sánh mình với người khác, mình vẫn sẽ luôn phải chịu áp lực rất lớn. Nên thay vì so sánh với người khác, mình chỉ so sánh mình với mình thôi. Mình của hôm nay tốt hơn hôm qua đã là một sự nỗ lực rất đáng tự hào rồi", Hằng tâm sự.

Giống với Trương Hằng, Trúc Linh (26 tuổi) cũng từng gặp phải áp lực đồng trang lứa: "Khi còn đi học thì có kiểu áp lực của thành tích học tập, các kì thi, khi đi làm thì có kiểu áp lực cơm áo gạo tiền của người đi làm, những vấn đề của cuộc sống. Mình cũng bị "peer pressure" khi nhìn bạn bè xung quanh đã vượt xa thành công của mình".

Áp lực từng làm mình chật vật nhất chính là giai đoạn vừa tốt nghiệp Đại học và làm nhiều công việc cùng lúc, ngày nào cũng làm việc hơn 16 tiếng, liên tục 7 ngày trong tuần. Lúc ấy, mình cho rằng phải làm thật nhiều để tích luỹ kinh nghiệm và không muốn "đặt hết trứng vào một giỏ", cứ hoàn thành xong việc thứ nhất lại đến chỗ làm thứ hai, còn không kịp thời gian để ăn một bữa cơm đúng nghĩa", Trúc Linh bộc bạch.

Bị bố mẹ cấm lên mạng, cấm yêu, cấm đi chơi sau giờ cơm tối, ám ảnh bạn bè giỏi giang: Đây là cách tôi đã vượt qua muôn trùng áp lực! - Ảnh 2.

Trúc Linh (26 tuổi) từng chật vật với áp lực khi mới ra trường

Không giống với số đông, P.T.U 19 tuổi, chia sẻ rằng cô nàng hiện tại không cảm thấy áp lực với bất kỳ điều gì cả. "Ngày trước, mình cứ nghĩ mình có nhiều áp lực từ bố mẹ gia đình lắm nhưng hoá ra đấy là do mình không nói chuyện nhiều với bố mẹ, với gia đình. Từ khi mình chịu mở lòng nói hết ra những suy nghĩ của mình cho bố mẹ thì những cuộc cãi vã giữa mình với mẹ cũng giảm đi đáng kể và dần dần là không còn xảy ra nữa. Mình cũng không còn bị áp lực gì nữa" , cô nàng tâm sự.

Đâu là liều thuốc để chữa lành, giải tỏa áp lực?

Một trong những cách giải tỏa áp lực thời học sinh và ngay cả trong cuộc sống hiện tại của Phương Thảo là tâm sự và chia sẻ nhiều hơn. Thảo cho rằng, nếu để những bức bối ở trong lòng thì sẽ rất khó để giải quyết, nên điều tiên quyết để vượt qua khó khăn về tâm lý là sẻ chia.

"Nếu không thể 'làm bạn' được với ba mẹ, hãy để những đau đớn, suy nghĩ trong bạn được giải toả cùng với bạn bè cùng trang lứa. Chúng mình sinh ra để cùng nhau sống, kể cho nhau nghe những ước mơ và cùng đồng hành để thực hiện nó. Mình may mắn khi có bạn bè, thậm chí vài mối tình học trò của mình, cũng đều là những người ở cạnh sẵn sàng lắng nghe chia sẻ khi mình không thể nói chuyện tự nhiên được với bố mẹ".

"Hãy có 1 kế hoạch học tập, đi kèm giải trí, thư giãn phù hợp. Nếu một ngày nào đó cảm thấy cần nghỉ ngơi, hãy cứ gấp sách vở lại, uống 1 ly trà sữa thật ngon và nghe 1 bản nhạc Kpop mình thích. Hãy chơi 1 môn thể thao mình thích, hay đơn giản là đi dạo chút bên ngoài thôi, cũng giải tỏa được căng thẳng hơn rồi" , Phương Thảo nói thêm.

Dù trải qua áp lực khi làm nhiều việc cùng một lúc, ngày làm 16 tiếng khi mới ra trường, đôi lúc cảm thấy kiệt sức, tủi thân nhưng Trúc Linh chưa từng có ý định sẽ bỏ cuộc. Với Linh, áp lực cũng là một phần của cuộc sống, nếu phải đối mặt với nó, thì cách duy nhất chính là mạnh dạn tìm cách thấu hiểu, hoà hợp rồi vượt qua.

Trúc Linh chia sẻ thêm: "Mình dần quen với áp lực và dần biết cách sắp xếp công việc, tối ưu hoá được công việc và quản lí thời gian tốt hơn. Mình thường chọn "giải toả" áp lực bằng cách dành một khoảng thời gian nhỏ trong tuần để làm điều mình thích, hay đi ăn một món ăn ngon, về nhà thăm gia đình, cà phê dạo phố,... Một khoảng thời gian nhỏ cho bản thân như thế giúp mình "sạn pin" sau 1 tuần miệt mài rất hiệu quả".

Trương Hằng cũng chọn cách tâm sự, chia sẻ với bạn bè để giải tỏa những áp lực dồn nén trong lòng. "Trước kia, mình giấu nhẹm đi những áp lực của mình, vì mình xấu hổ mà. Nhưng nghĩ lại thì cá nhân mình thường cũng sẽ rất đau lòng khi biết bạn thân mình đã phải trải qua những nỗi đau, áp lực một mình. Giờ mình và các bạn mình chọn cách chia sẻ với nhau. Tuổi trẻ đầy những áp lực và biến cố. Nhưng thật may vì hành trình đi qua những điều không may đó, chúng ta luôn có nhau".

"Ngoài ra thì âm nhạc đã giúp đỡ mình rất nhiều. Âm nhạc thật sự có một khả năng chữa lành rất tốt. Với mình thì việc nghe nhạc là một hoạt động chánh niệm, giúp mình nhìn nhận thế giới một cách rất khác cũng như lắng nghe và kết nối với phần bên trong mình", Hằng chia sẻ.

Bị bố mẹ cấm lên mạng, cấm yêu, cấm đi chơi sau giờ cơm tối, ám ảnh bạn bè giỏi giang: Đây là cách tôi đã vượt qua muôn trùng áp lực! - Ảnh 3.

Chia sẻ với bạn bè và nghe nhạc là cách giúp Trương Hằng (23 tuổi) giải tỏa áp lực.

Áp lực như một mớ hỗn độn của đầm lầy, càng vùng vẫy, chân bạn càng lún sâu, nên hãy bình tĩnh đối mặt

Cuộc sống vẫn luôn có những áp lực chất chồng lên nhau. Nếu quá khó để hóa giải được nó, mình nên bình tĩnh đối mặt.

Trúc Linh chia sẻ cách nghĩ của mình mỗi khi phải đối diện với áp lực: "Khi bị áp lực, chúng ta không nên cố vùng vẫy để thoát ra, vì nó như một mớ hỗn độn của đầm lầy, bạn càng vùng vẫy, chân bạn càng lún sâu hơn. Dù phải đối diện với bao nhiêu áp lực bủa vây, miễn chúng ta còn yêu thương bản thân, trân quý cuộc sống mình đang có, bình tâm nhìn nhận từng vấn đề thì chúng ta còn có rất nhiều cơ hội để vượt qua và sống hạnh phúc hơn.

Còn Trương Hằng cho rằng, tại sao thay vì đau đầu, áp lực về một "thành tựu" hay một hạnh phúc ở tương lai, sao mình không nhẹ nhàng mà sống.

"Mình xin phép mượn câu nói của Khaled Hosseini trong Người đua diều: "Luôn có một con đường để tốt lành trở lại." Mình tin là mỗi một ngày tồi tệ trôi qua là một lần chúng mình tiệm cận với hạnh phúc. Mình đã luôn suy nghĩ như thế để cố gắng đến ngày hôm nay đó".

"Mình biết cuộc sống rất khó khăn, nhưng chúng ta hãy trải qua nó cùng nhau nhé. Không có gì sai hay xấu hổ khi hôm nay chúng mình mệt mỏi hơn một chút, tiêu cực hơn một chút, xấu xí hơn một chút. Cuộc sống có đủ cả những hỉ nộ ái ố mà. Nhưng mà mỗi khi như thế chúng mình hãy kiên nhẫn thêm một chút nhé, vì "luôn có một con đường để tốt lành trở lại", Hằng chia sẻ.

Ảnh: NVCC

https://ahadep.com/bi-bo-me-cam-len-mang-cam-yeu-cam-di-choi-sau-gio-com-toi-am-anh-ban-be-gioi-giang-day-la-cach-toi-da-vuot-qua-muon-trung-ap-luc-20220404171055381.chn