Họ từng chán nản. Hoặc từng lo lắng không ngừng về nguy cơ bị cắt giảm. Hoặc từng mệt mỏi khi phải làm việc quần quật cả năm mà chỉ kiếm được khoản lương ít ỏi. Họ bất ngờ nhận được một offer công việc khác.
Và hiện tại, rất nhiều người trong số họ đã có một bí mật.
Có một nhóm nhân viên công sở, đến từ các ngành như công nghệ, ngân hàng, bảo hiểm... tiết lộ họ đã tìm ra cách để tăng gấp đôi lương: Làm hai công việc từ xa toàn thời gian, không nói với ai và phần lớn là cũng không cần làm quá nhiều việc.
Khi làm việc một mình giữa văn phòng tại gia, họ tự do di chuyển giữa 2 chiếc máy tính. Họ chơi trò xếp hình với chính lịch trình của mình, cố gắng né tránh các cuộc họp bất tận. Đôi khi họ đăng nhập vào hai cuộc họp cùng một lúc. Họ sử dụng thời gian nghỉ phép có lương - trong một vài trường hợp, số ngày này là không giới hạn - để thực hiện các dự án lớn không thường xuyên hoặc tập trung hết công suất cho hợp đồng mới. Nhiều người cho biết họ chẳng cần làm việc tới 40 tiếng/ tuần dù họ làm 2 công việc cùng lúc. Và họ đương nhiên, cũng không việc gì phải xin lỗi vì đã lợi dụng hệ thống mà họ nghĩ đã từng vắt kiệt chính họ.
"Hai công việc thực ra như một thôi", một kỹ sư phần mềm 29 tuổi - người đã làm việc đồng thời cho một công ty truyền thông và một công ty tổ chức sự kiện kể từ tháng 6 đến nay cho hay. Anh ta ước tính bản thân chỉ dành 3 - 10 tiếng làm việc thực tế mỗi tuần trong khi vẫn duy trì một công việc khác: "Phần còn lại đơn giản là tham gia các cuộc họp và ra vẻ bận rộn thôi".
Anh ấy đã nảy ra suy nghĩ này trong một lần vô tình lạc vào một website lạ. Trang web được sáng lập bởi hai kỹ sư công nghệ thông tin vào đầu năm nay nhằm mục đích tập hợp những người đang "lén lút" làm đồng thời nhiều công việc cùng một lúc. Tôn chỉ của website là khuyến khích mọi người giành lại quyền kiểm soát sau nhiều thập kỷ lương lậu bị đình trệ và nguy cơ bị cắt giảm nhân sự không báo trước chỉ vì dịch bệnh xảy ra.
Lạm phát gia tăng làm giảm sức mạnh tiêu dùng cùng các yếu tố bất ngờ do dịch bệnh mang đến khiến nhiều người thay đổi thứ tự ưu tiên của mình. Không ít nhân viên công sở bắt đầu đặt ra câu hỏi cho mình lý do vì sao họ phải bận tâm dành quá nhiều thời gian cho việc xây dựng sự nghiệp.
"Hình như càng làm việc chăm chỉ thì càng kiếm được ít hơn hay sao ấy", một trong những người trẻ đang làm 2 công việc cùng lúc cảm khái: "Mọi người phụ thuộc vào bạn nhiều hơn trong khi tiền lương của bạn vẫn vậy".
Trang web đã đưa luôn ra giải pháp.
Một trong những người đồng sáng lập trang web, 38 tuổi, đang làm việc cho hai công ty công nghệ ở Khu vực Vịnh San Francisco, viết trên đó: "Không còn tồn tại khái niệm việc làm trọn đời nữa, thậm chí ở IBM (một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ - PV) cũng không". Cùng lúc đó, trang web đã cung cấp hàng loạt các mẹo vặt như cách đặt kỳ vọng thấp với sếp, cách giúp mình vẫn có độ nhận diện trong các cuộc họp và giữ cho hồ sơ công việc không bị đánh giá xấu. Thậm chí, trong diễn đàn trò chuyện cũng thuộc trang web, các thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới còn cho nhau lời khuyên về việc check các công việc cũng như thời gian xuống dốc của đủ công ty.
"Hãy tránh những nấc thang trơn trượt trong sự nghiệp của bạn bằng cách đi qua cửa hông" là nội dung của một bài đăng gây chú ý khác trên trang web.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, giữa dịch bệnh, có nhiều xu hướng mới xuất hiện. Một số người chọn nghỉ việc bất chấp, một số khác từ chối yêu cầu trở lại văn phòng và một số khác nữa bí mật làm nhiều công việc cùng một lúc. Làm việc từ xa đối với họ không phải khó khăn hay thách thức, ngược lại, lại là cơ hội để bí mật của họ được bảo vệ một cách an toàn và bản thân họ thì thu về những điểm lợi không ngờ: trả hết nợ, tích lũy tài khoản tiết kiệm, nâng cấp chất lượng cuộc sống...
Nam kỹ sư 29 tuổi chúng ta nhắc đến ở trên khẳng định số tiền kiếm được đã khiến chính anh ta phải kinh ngạc. Đương nhiên, sự áp lực kèm theo cũng không ít: "Mỗi lần thức dậy vào buổi sáng, suy nghĩ đầu tiên ập đến trong đầu tôi luôn là: Lạy trời, hôm nay sẽ không phải ngày mình bị 'tóm' chứ?".
Hành trình đến với hai công việc của người đồng sáng lập trang web trong bài bắt đầu bằng tình cảnh sự nghiệp của anh bị tụt dốc không phanh. Vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực vào năm ngoái, anh ấy đã nghĩ việc thăng chức nằm gọn trong lòng bàn tay mình. Nhưng không, tất cả những gì anh ấy thấy là một nửa team mình đang làm việc cùng được thăng chức và kỳ cắt giảm nhân sự tiếp theo chuẩn bị tới. Sự cố bất ngờ khiến anh ấy buộc phải lao vào công cuộc tìm kiếm một công việc mới, với hy vọng sẽ giúp thu nhập của anh ấy tăng lên.
Khi nhận được lời đề nghị từ một công ty công nghệ cách nơi đang làm chưa đầy 10 km, anh ấy đã tính đến việc sẽ bỏ luôn công việc hiện tại. Sau đó, anh ấy chợt nghĩ: "Nếu mình không làm vậy thì sao?".
Và rồi mọi thứ xảy ra đúng như diễn biến. Anh ấy ra mắt website vào đầu mùa xuân năm nay, 5 tháng sau khi có thêm nghề tay trái với mục đích lớn nhất là nói cho những người thuộc hội làm công ăn lương khác biết về khả năng đa dạng hóa nguồn thu nhập và phúc lợi họ có thể nhận được: "Họ nói rằng đó là thị trường tự do. Vậy thì tôi cứ thế mà làm và lấy những thứ tôi đáng được nhận thôi".
Dịch bệnh về một khía cạnh nào đó đã cho chúng ta cơ hội để trốn tránh và lừa phỉnh. Bất kể những lượt check-in, check-out vẫn đều đặn, các sếp cũng không thể ngồi theo dõi chằm chằm nhân sự làm việc tại nhà như khi ở văn phòng.
Nhân viên cảm thấy tự do. Sự thay đổi đến từ cả lý trí và cảm xúc. Họ có thể đi ăn, đi chơi, đi lang thang giữa giờ làm mà chẳng ai hay biết. Vanessa Burbano - Giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Columbia, người đã nghiên cứu về hành vi sai lệch của nhân viên, cho biết sau nhiều tháng xa văn phòng, người lao động tạo dựng được mối quan hệ sâu sắc hơn với đồng nghiệp và công ty trong khi mất đi cảm giác kết nối với lãnh đạo.
Chắc chắn, nhiều nhân viên đã lấp đầy những ngày ở nhà với nhiều công việc hơn, dùng áp lực để chứng minh bản thân. Một số khác chọn cách rời bỏ guồng quay chung. Nhiều nhân viên bắt đầu phớt lờ những dòng noti nhắc nhở cuộc họp sắp tới trên Lịch. Và chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Giáo sư nói thêm: "Cái hay của làm việc từ xa là bạn thực sự có quyền lựa chọn". Các vị sếp trở nên loay hoay với việc quản lý nhân viên, trong khi nhân viên học được cách lách luật.
Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhân viên mới - những người còn đang hừng hực ý chí chiến đấu. Họ tận dụng tối đa chính sách nghỉ phép có lương của công ty. Họ hoàn thiện nghệ thuật từ chối của mình bằng đủ các nguyên do nghe thôi đã thấy hợp lý.
Và sau đó, họ dành cả ngày để xoay vòng giữa ít nhất 3 chiếc máy tính - một cho công việc chính, một cho cá nhân và một cho công việc thứ 2. Đương nhiên, việc xoay vòng này không chỉ nằm ở mặt vật lý mà còn ở não bộ, vì khi đó não của bạn sẽ phải hoạt động không ngừng để phân biệt đây là job 1 hay job 2.
Để duy trì sự tách biệt và bí mật, nhiều nhân viên sử dụng các trình duyệt khác nhau với màu sắc khác nhau, hoặc sử dụng micro ngoài để có thể tắt tiếng mà không hiện thông báo cho những người khác cũng trong cuộc họp. Một vài người thủ công hơn thì chọn cách tham dự một cuộc họp qua máy tính và một cuộc họp qua điện thoại.
"Kỹ năng nghe và xử lý 2 dữ liệu cùng lúc của tôi trở nên tốt hơn hẳn", vẫn là kỹ sư 29 tuổi kể trên khẳng định.
Vậy chuyện sẽ xảy ra khi nhân viên này đồng thời được gọi tên ở cả hai cuộc họp? Câu trả lời là chọn trả lời một bên và cúp một bên rồi sau đó: "Xin lỗi, mạng nhà tôi vừa có vấn đề. Câu hỏi là gì thế ạ?", vậy là xong.
Thậm chí tốt hơn: Tránh mặt hoàn toàn các buổi họp. Trừ các buổi họp trực tiếp với sếp còn bình thường, bạn có thể nói với đồng nghiệp rằng bạn cảm thấy vấn đề của cả nhóm không cần thiết phải giải quyết qua họp online. Trên thực tế, không ai muốn lãng phí thời gian của mình cho những cuộc họp lan man kéo dài này cả.
Bất kỳ ai sống 2 cuộc đời đủ lâu đều sẽ phải trải qua nguy cơ bị lật mặt ít nhất một lần. Một anh chàng tôi quen từng gặp thắc mắc với khoản thưởng cuối tháng của mình và chụp lại lịch sử giao dịch gửi cho quản lý trực tiếp với mục đích hỏi han ra nhẽ. Nhưng bất cẩn làm sao, trong hình ảnh ghi lại sao kê ấy hiển thị luôn cả chi tiết về một công việc khác anh ta đang làm. Kết quả là anh ta phải nhanh chóng thu hồi tin nhắn và lấp liếm khi người quản lý hỏi rằng anh ta cảm thấy không thoải mái khi công khai thu nhập của mình.
Một chuyên viên phân tích dữ liệu khác lại từng kể anh ta đã giật nảy mình ra sao khi sếp đột nhiên gọi video - điều mà trước đó ông chưa bao giờ làm - trong khi anh ta đang đứng lớp dạy code, công việc thứ 2 của anh ta. Rất nhanh chóng, anh ta cho các học sinh nghỉ 10 phút và đăng nhập gấp gáp vào một máy tính khác của mình để tiếp chuyện sếp. Anh ấy bảo các học sinh nghỉ 10 phút và nhảy vào máy tính khác của anh ấy.
Anh này cho biết bản thân đã thất vọng với công việc tại ngân hàng từ lâu. "Tôi cảm giác mình chẳng làm gì hết luôn", anh ta nói. Anh ta muốn những công việc năng động hơn nhưng lại mắc kẹt giữa chốn văn phòng. Và rồi đại dịch tới, những đợt giãn cách đầu tiên xuất hiện và anh ấy bắt đầu làm việc tại nhà. Chính lúc này, anh ấy tìm ra cơ hội mới cho mình và làm việc đồng thời ở 3 công ty khác nhau.
"Tôi không có gì để làm và đó là thời điểm hoàn hảo để thử một cái gì đó mới mẻ hơn", anh ấy nói về những tháng đầu tiên lockdown.
Chẳng bao lâu sau, anh ấy đã làm việc với cường độ 100 giờ mỗi tuần và chỉ một phần nhỏ trong số đó dành cho công việc ban đầu của anh ấy. Cuối cùng, sếp của anh ấy đã chất vấn trực tiếp và yêu cầu anh ấy chăm chỉ hơn.
"Phản ứng ban đầu của tôi là 'Tôi đang làm việc rất chăm chỉ mà, sao bạn có thể nói ra điều đó cơ chứ?'. Tôi đoán là từ quan điểm của anh ấy, trông tôi có vẻ như hơi nhàn rỗi thật", anh ấy nghĩ thầm.
Cuối cùng, anh ấy đã rời bỏ công việc chính của mình và nhận một công việc toàn thời gian với đầy đủ quyền lợi tại một trong những công ty khác anh ấy từng cộng tác, không quên thương lượng một hợp đồng với những điều khoản giúp anh ấy có khả năng tiếp tục duy trì các công việc ngoài lề.
"Bây giờ tôi cảm thấy hoàn toàn tự do", anh ta nói.
Các nhân viên đang theo trend này cho biết họ thường xuyên lo lắng về việc bị "tóm". Nhưng đồng thời, họ cũng cảm thấy sở hữu 2 công việc mang đến cho họ cảm giác kiểm soát tốt hơn. Ngay cả khi các công ty bắt đầu kêu gọi mọi người trở lại văn phòng - dù là thời điểm này hay xa hơn - thì những người có 2 công việc đều tự tin nói rằng thế giới làm việc từ xa đã trở nên đủ lớn mạnh để cung cấp cho họ những lựa chọn khác nhau.
Một nữ nhân viên văn phòng đang làm việc cho một công ty bảo hiểm và một công ty viễn thông đã cười lớn khi một trong những vị sếp của cô gửi email kèm hẳn phác thảo kế hoạch trở lại làm việc. Tiếp đó, đồng nghiệp của cô cũng bắt đầu theo chân cô ấy làm những dự án riêng.
"Giờ tôi có đòn bẩy cho riêng mình rồi", cô ấy nói.
Gần đây, cô đã thuê một trợ lý cá nhân. Người này phụ trách trực các cuộc họp cô cần tham gia và sẽ thông báo cho cô nếu cô cần lộ diện trong bất kì cuộc họp nào.
"Các bạn thắc mắc có phải tôi đang cố gắng để mình trông như thử một nhân viên 5 tốt không à? Không phải đâu, tôi chỉ đang cố gắng làm những thứ cần làm để không bị đuổi việc thôi".
Trên thực tế, làm 2 hay 3, thậm chí 4-5 công việc cùng lúc không phải hành động vi phạm pháp luật. Nó đơn giản là vấn đề liên quan đến hợp đồng nhiều hơn. Nếu các điều khoản trong hợp đồng quy định rõ ràng rằng nhân viên không được làm việc cho một công ty khác thì nếu một nhân viên làm vây, chủ lao động hoàn toàn có thể kiện anh ta. Ngoài ra thì về mặt lý thuyết, một công ty cũng có thể kiện các nhân viên "2 mang" vì các nghi ngờ như tiết lộ thông tin mật hoặc xuyên tạc về tổ chức.
Tuy nhiên, phần lớn thời gian thì chuyện này không xảy ra. Bởi thành thật mà nói, trừ khi bạn quá lộ liễu, còn không sẽ rất khó có khả năng bạn bị người khác phát hiện.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo đôi khi không quá quan tâm đến chuyện này, miễn là bạn vẫn hoàn thành tốt công việc. Không vị sếp nào muốn tình trạng thiếu nhân sự xảy ra ở công ty mình. Giữa thực trạng thị trường lao động eo hẹp như hiện nay, người lao động thậm chí đang chiếm thế thượng phong.
Quan hệ sếp - nhân viên nhìn chung cũng chỉ là quan hệ win - win. Rất khó có thể đòi hỏi cái gọi là lòng trung thành ở thời điểm hiện tại, khi mà mọi thứ đều biến chuyển quá nhanh. Sẽ có những công ty không chấp nhận được hành vi "chân đạp hai thuyền" này và cũng có những công ty khác nhắm mắt làm ngơ.
Một kỹ sư máy tính đã làm việc quần quật nhiều năm và trở thành một trong những kỹ sư cao cấp nhất trong công ty. Ban ngày anh ấy dành thời gian cho các cuộc họp chiến lược liên tục còn ban đêm và cuối tuần, anh ấy dành trọn để viết code. Những trải nghiệm này khiến anh ấy cảm thấy mình như một freelancer.
Được biết anh ấy nhận công việc thứ 2 này vào cuối năm ngoái. Theo dự tính, anh ấy sẽ chỉ làm vậy cho đến khi vợ nghỉ sinh xong và kỳ nghỉ thai sản chăm vợ ở cả hai công ty kết thúc rồi tập trung làm một công việc duy nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi đứa trẻ đã được vài tháng tuổi, anh ấy vẫn không thể từ bỏ cuộc chơi này. Anh ấy làm việc 100 tiếng/ tuần nhưng số tiền kiếm được cũng nhiều hơn gấp 2 - 3 lần người bình thường.
"Chắc chắn là quá tải rồi. Chính vợ tôi cũng thường xuyên thắc mắc: 'Để xem anh có thể làm thế này được bao lâu'. Nhưng rồi cứ ngày cuối cùng mỗi tháng khi các khoản lương khác nhau liên tục đổ về, tôi lại thấy mình như được hồi sinh", anh ấy thú nhận.
Lược dịch từ The Wall Street Journal