Như đã đưa tin, David Bennett (57 tuổi) đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trong lịch sử được cấy ghép trái tim của lợn. Đó là một trái tim đã được chuyển đổi gene và nuôi cấy để phục vụ mục đích hiến tạng. Và ông đã sống sót.
Cuộc phẫu thuật do các chuyên gia tại Trung tâm Y tế ĐH Maryland (Mỹ) thực hiện. Bennett đã chấp nhận là người đầu tiên đánh cược với cuộc thử nghiệm này, để ông có cơ hội được trở về nhà với chú chó Lucky thân thương của mình.
David Bennett - bệnh nhân đầu tiên được ghép một quả tim lợn
Các bác sĩ đã thay thế trái tim của ông bằng tim của con lợn 1 năm tuổi, nặng hơn 100kg, với trái tim được chuyển đổi gene. Cuộc phẫu thuật kéo dài 9h đồng hồ và đã thành công. Trái tim mới của ông Bennett hoạt động hiệu quả, giúp ông có thể tự thở mà không cần máy dù vẫn cần can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) để lọc máu.
Đánh cược vận mệnh
Bennett vốn là một người đàn ông khỏe mạnh, cho đến tháng 10/2021. Ông bắt đầu cảm nhận được những cơn đau nhói trong lồng ngực, buộc phải nhập viện tại Trung tâm Y tế ĐH Maryland trong tình trạng kiệt sức và khó thở.
"Ông ấy thậm chí không thể leo nổi quá 3 bậc cầu thang" - con trai ông, người cũng tên là David và là một bác sĩ cho biết. Anh hiểu được tình trạng của bố mình nghiêm trọng đến mức nào.
Suốt 2 tháng trời, các nỗ lực để hồi phục trái tim cho Bennett không có hiệu quả. Các chương trình hiến tim đều từ chối đưa Bennett vào danh sách chờ. Thể trạng của ông cũng không thể tiếp nhận tim nhân tạo, vì chứng rối loạn nhịp tim.
Nhìn chung thì tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 3.000 người may mắn được cấy ghép tim mới, và 20% trong số những người may mắn được vào danh sách chờ đã chết hoặc trở nên quá yếu để được cấy ghép.
Việc Bennett không được đưa vào danh sách một phần bởi ông không tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, sai hẹn lịch khám và không sử dụng thuốc được kê. Lịch sử cho thấy những người như vậy thường khó mà trụ qua được một cuộc cấy ghép nội tạng.
Ban đầu, Bennett cũng không muốn tham gia ca phẫu thuật thử nghiệm (ghép tim lợn) này. Ông vốn đã làm rất nhiều công việc trong đời, từ bảo trì xe hơi cho đến đi sửa bể bơi. Nhưng 2 tháng nằm viện khiến mọi cuộc phẫu thuật đều trở nên rủi ro. Ông muốn nơi mình trút hơi thở cuối cùng không phải là bàn mổ.
Nhưng rồi ông buộc phải lựa chọn, bởi nếu không có một quả tim mới, ông sẽ chẳng bao giờ được rời khỏi bệnh viện.
"Cha tôi biết đây (ca phẫu thuật) là lựa chọn tốt nhất. Ông ấy là một chiến binh và ông muốn sống" - con trai ông chia sẻ.
Cũng theo David thì ngay cả khi ca phẫu thuật không có tiến triển tốt, những gì Bennett để lại vẫn là một di sản. "Dù chuyện gì xảy ra, bố cũng muốn giúp đỡ mọi người" - Bennett nói vậy trước ca phẫu thuật.
Trái tim cấy ghép cho Bennett là của một con lợn 1 năm tuổi, được nuôi chỉ vì mục đích hiến tạng
Bennett vốn từng được ghép van từ một con lợn cách đây 10 năm, nên việc nhận thêm một phần nội tạng của lợn không khiến ông bận tâm. Chỉ là, theo David thì nếu có thể, ông muốn được cấy ghép tim của người hơn. Giả như 6 tháng trước đó ông tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, ông hẳn sẽ được vào danh sách ghép tạng rồi.
Theo Bác sĩ Bartley Griffith, phần khó nhất của ca phẫu thuật là thông báo trước cho Bennett. "Tôi nghĩ bệnh nhân sẽ sợ" - ông bộc bạch, bởi đây là một ca phẫu thuật thử nghiệm với kết quả chẳng có gì chắc chắn.
Tại sao lại là tim lợn?
Các nhà khoa học đã làm việc suốt nhiều thập kỷ để tìm ra cách cứu con người bằng ghép tạng từ động vật. Danh sách chờ ghép tạng có hơn 100.000 người, chịu đựng các triệu chứng kinh khủng mỗi ngày. 6.000 người phải chết mỗi năm trong lúc chờ đợi trong tuyệt vọng một nội tạng phù hợp để ghép - chủ yếu đến từ bi kịch của một ai đó khiến họ không thể sống nổi nữa.
Trong khi đó, lợn có nội tạng gần như tương tự với người. Nếu nội tạng của lợn có thể sử dụng để cấy ghép, quá trình chờ đợi đầy bi kịch này sẽ chấm dứt. Những người không đủ tiêu chuẩn để vào danh sách chờ sẽ có hy vọng lớn hơn, về việc được trở về dùng bữa với gia đình, quây quần cùng con cháu, và trở lại cuộc sống bình thường.
Giới y khoa cho rằng nội tạng của lợn tương đồng với con người ở rất nhiều điểm
Đó là một viễn cảnh đầy hứa hẹn cho lĩnh vực "cấy ghép nội tạng khác loài" (xenotransplantation). Và lĩnh vực này đã có một bước tiến lớn, với ca phẫu thuật của Bennett.
"Đây là một bước tiến lớn" - Robert Montgomery, bác sĩ phẫu thuật tại ĐH New York cho biết. "Tôi phấn khích vì tin này, và mong nó sẽ cứu giúp nhiều bệnh nhân hơn nữa".
Hồi tháng 9/2021, Montgomery đã trở thành người đầu tiên thực hiện phẫu thuật ghép thận lợn cho người, theo sau là một ca phẫu thuật tương tự vào tháng 12. Tuy nhiên khi đó, các bệnh nhân đều đã chết não. Montgomery giữ cơ thể họ vận hành nhờ máy móc trong vòng 2 ngày để quan sát phản ứng đào thải của hệ miễn dịch với nội tạng lợn đã được chuyển đổi gene.
"Ca phẫu thuật của ĐH Maryland đã tiếp nối những gì chúng tôi làm vào tháng 9/2021 lên một đẳng cấp khác".