"Cha không thương con"
12h30 trưa, sau khi phụ mẹ làm công việc nhà và chăm sóc các em, Nguyễn Lê Hạnh Tuyền vội gấp gọn sách vở để kịp đến trường. Dù chỉ mới 15 tuổi nhưng từ nhiều năm nay, Tuyền đã phải cáng đáng, vừa học vừa làm thêm để phụ mẹ lo cho 2 đứa em gái thơ dại.
Đôi mắt đượm buồn của cô bé 15 tuổi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình
"Từ nhỏ đến giờ con không có gặp cha, mẹ bán vé số để nuôi tụi con, lúc trước con đi làm thêm ở tiệm photo mà từ hôm bùng dịch đến giờ con không làm, con ở nhà lột hột điều phụ mẹ…", Tuyền ngậm ngùi nói.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, chị Trần Phước Diệu (39 tuổi) ngụ ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết suốt 10 năm qua, 4 mẹ con chị phải sống lay lắt nhờ tình thương của những người chòm xóm.
Chị Diệu bật khóc vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, phải đưa các con ra tòa...
"Ảnh với chị không hợp nhau, ly hôn xong rồi chị mới biết có bầu bé Thịnh (9 tuổi), 4 mẹ con cứ sống ở chợ, nhờ các anh chị thương, có gì cho đó mà mới sống được đến hôm nay", chị Diệu bật khóc.
Theo lời kể của chị Diệu, vì sinh toàn con gái nên phía gia đình nội cũng không xem trọng, hơn nữa hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó cũng là một phần dẫn đến sự tan vỡ của hai vợ chồng. Dù phía gia đình nội chỉ cách nơi 4 mẹ con sống vài km nhưng suốt gần 10 năm nay, cả 2 bên đều không qua lại, không một lời thăm hỏi, động viên…
Ngọc Thịnh ôm chầm lấy mẹ, cuộc sống của 4 mẹ con chưa một ngày hết khổ
"Người ta nói đẻ gì toàn con gái không nên người ta cũng không đốc thúc chồng làm phụ chị nuôi con. Sau khi ly dị, ảnh không phụ chị gì cả, chị mới thưa kiện 7 tháng nay thì mới được phụ cấp 750 ngàn một đứa.
Mỗi ngày chị bán vé số có lời bao nhiêu đâu, khổ lắm, nhiều lúc chị muốn bỏ xứ mà đi. Nhưng đi rồi mình bỏ 3 đứa con sao, ở đây có sổ hộ nghèo con mình còn được đi học. Dù cha nó không thương nhưng tụi nó vẫn còn mẹ, chị không bỏ được", chị Diệu quệt nước mắt.
Công việc mưu sinh từ những tấm vé số của chị Diệu, cáng đáng để nuôi cả gia đình
Với thu nhập ít ỏi từ những tấm vé số, bữa cơm trưa của mấy mẹ con chị Diệu cũng chỉ là cơm trắng trộn nước tương. Sống trong cái khổ riết rồi thành quen, 3 đứa trẻ cứ thế lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương, sự bao bọc của người cha.
"Hôm trước mẹ bị tai nạn, con sợ mẹ có gì mẹ bỏ con, mẹ không nuôi con nữa", Ngọc Thịnh (9 tuổi) ôm chầm lấy mẹ, nức nở.
Ngọc Thịnh bật khóc khi con lớn lên thiếu vắng tình thương của cha, không được đủ đầy như các bạn cùng trang lứa
"Cha con giờ có cuộc sống mới, có vợ mới rồi…"
Kể từ lúc cha mẹ ly hôn, 3 chị em Hạnh Tuyền (15 tuổi), Hồng Lãm (13 tuổi) và Ngọc Thịnh (9 tuổi) chỉ biết trông chờ vào những tấm vé số của mẹ. Nhiều lúc nhìn thấy các bạn đồng trang lứa có cha mẹ đầy đủ, 3 chị em gái chỉ biết ôm nhau mà khóc.
"Từ nhỏ đến giờ con không gặp cha, phía nội cũng không tới thăm luôn. Hôm con gặp cha ở ngoài đường, cha chạy qua con chứ không gặp để nói chuyện. Con buồn, con giận cha vì cha tạo ra con mà không nuôi. Cha con giờ có cuộc sống mới, có vợ mới rồi…", Hạnh Tuyền bật khóc.
Sổ vay nợ ngân hàng và căn nhà lá xập xệ được nhà nước hỗ trợ cấp đất là tất cả những gì chị Diệu có được
15 tuổi, Hạnh Tuyền đủ nhận thức để hiểu được sự tổn thương, mất mát mà 3 chị em phải chịu đựng. Mặc dù khoảng cách từ nhà đến nơi cha sinh sống và gia đình nội không xa, nhưng suốt gần 10 năm qua, em vẫn chưa bao giờ gặp và cảm nhận được tình thương mà người cha dành cho mình.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, Tuyền thỏ thẻ: "Sau này con muốn đi ra nước ngoài làm, tại con nghe người ta nói đi xuất khẩu lao động có nhiều tiền, con muốn kiếm tiền để nuôi lại mẹ".
Có lẽ trong tâm thức của Tuyền, sau chuỗi ngày cùng mẹ và các em chật vật cho cuộc sống mưu sinh, ước mơ của một đứa trẻ chỉ đơn giản là có một gia đình trọn vẹn hơn, không còn cảnh chạy vạy cho từng bữa ăn, thiếu trước hụt sau nữa.
Ước mơ của cô bé 15 tuổi là có thể đi xuất khẩu lao động, đó là hi vọng lớn nhất của em để giúp cả gia đình thoát nghèo
Cuộc sống khó khăn, chật vật của 4 mẹ con...
Ngồi cạnh Tuyền, Ngọc Thịnh (9 tuổi) chỉ nhớ lần đầu tiên con gặp cha là lúc cha mẹ lên tòa để giải quyết vụ án ly hôn, cấp dưỡng cho 3 chị em. Trong ánh mắt của cô bé 9 tuổi, ký ức về cha mờ nhạt khi cả hai cha con không có sự tương tác, nói chuyện với nhau.
"Mỗi lần nhớ cha con chỉ chịu đựng vậy thôi, cha không có nuôi con, không thương con. Nhiều lúc con cũng ước con có cha mẹ như các bạn khác mà không được. Ước gì con có cha mẹ đầy đủ, cha mẹ không cãi nhau, sống hạnh phúc", nói đoạn, Ngọc Thịnh chỉ vào bức tranh vẽ 3 chị em gái, buồn bã.
3 chị em gái qua nét vẽ ngây thơ của Ngọc Thịnh
Giống như chị 2, Ngọc Thịnh cũng muốn sau này có công việc làm để kiếm tiền nuôi mẹ
Trong khi đó, Hồng Lãm (13 tuổi) lại tỏ ra vô cùng mạnh mẽ. Câu nói: "Con quen cảnh không có cha lâu rồi…" của Lãm khiến chúng tôi nghẹn lòng. Có lẽ, ngay từ lúc sinh ra, tụi nhỏ đã chưa từng có một gia đình thật sự trọn vẹn. Niềm ao ước có cha, có mẹ đủ đầy như bao đứa trẻ bình thường khác vẫn còn là khát vọng xa xôi…
"Con thấy mẹ con khổ quá chú, con chỉ mong sau này đi làm, có tiền để nuôi mẹ thôi", Lãm xúc động.
Trong căn nhà trống, chị Diệu ôm chầm lấy 3 đứa con gái nhỏ, bật khóc. Dù đã quen với cảnh chạy từng bữa cơm nhưng với tình cảnh hiện tại, tiền học tập, sách vở của tụi nhỏ, tiền ăn uống sau những ngày bán vé số ế ẩm vẫn còn là gánh nặng với chị Diệu.
Mong rằng chuỗi ngày phía trước, cuộc sống của 3 đứa trẻ sẽ đỡ chông chênh hơn...
Hi vọng thông qua bài viết này, quý độc giả gần xa có thể quan tâm hỗ trợ để giúp đỡ cho 3 đứa trẻ không có cha bên cạnh có cơ hội tiếp tục được đến trường.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Diệu: 0357488549.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1025782359.
Chủ tài khoản: Trần Phước Diệu, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!