Câu chuyện về chiếc gương kỳ lạ bị "nguyền rủa" trong thời hiện đại đều sẽ được coi là do thêu dệt nên bởi người xưa. Nhưng với chiếc gương Louis Alvarez 1743 thì khác, nó đã được chứng minh thực sự có khả năng "giết người", nhưng theo một cách vô cùng bất ngờ.
"Chiếc gương sát nhân" tước đoạt 38 mạng người
Theo sử sách ghi lại, chiếc gương này là một tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Louis Alvarez người Pháp, làm ra vào năm 1743. Đúng 2 ngày sau khi Louis Alvarez 1743 được hoàn thành, nghệ nhân Louise đang khỏe mạnh bỗng nhiên qua đời đột ngột vì xuất huyết não. Lúc này, mọi người chưa hề nghi ngờ gì và vẫn chỉ coi đó là sự trùng hợp không may.
Ảnh minh họa
Chủ nhân đầu tiên mua chiếc gương về là một chủ tiệm bánh ở thành phố Marseille. Vừa đem gương về nhà, còn chưa kịp treo lên, ông đã thấy ớn lạnh trong người, chóng mặt và phải nhập viện. Người này cũng qua đời ngay sau đó vì xuất huyết não. Vợ của ông đau buồn, đã đem hết đồ đạc của chồng đi bán, bao gồm cả chiếc gương Louis Alvarez 1743.
Sau đó, chiếc gương đã "lưu lạc" không rõ tung tích. Mãi đến 22 năm, một biên tập viên tên Arnold đã mua nó ở một cửa hàng vỉa hè tại thủ đô Paris (Pháp) và đem về nhà treo cạnh giường ngủ. Vài ngày sau, cảnh sát phát hiện anh ấy đã qua đời tại nhà vì chứng xuất huyết não.
Nạn nhân thứ tư của chiếc gương là Henry – chủ một cửa hàng đồ cổ. Khi đi dạo chợ cũ, ông thấy chiếc gương Louis Alvarez 1743 có vẻ hấp dẫn nên đã mua nó về trưng bày tại quán của mình. Nhưng thật không may, sau 3 ngày thì Henry cũng đột tử vì xuất huyết não khi đang làm việc.
Đến lúc này, sự kỳ quái của chiếc gương mới được phát giác. Một người bạn của Henry đi dự đám tang tình cờ cũng quen biết nạn nhân thứ ba – Arnold. Ông lên tiếng cảnh báo Louis Alvarez 1743 có "điềm gở" và gia đình nên vứt ngay đi.
Dẫu vậy, không ai có bằng chứng thuyết phục nào để cho rằng chiếc gương đã giết người. Nhưng cũng kể từ đó, tin đồn về Louis Alvarez 1743 được râm ran lan truyền. Chủ nhân tiếp theo của gương là vợ chồng nhà Hanmer cũng chết theo cách tương tự khi đem món đồ về không lâu. Liên tiếp trong 100 năm sau đó, có khoảng hơn 20 người đã chết vì có liên quan đến Louis Alvarez 1743. Hầu hết các nạn nhân trước đó đều khỏe mạnh nhưng đột ngột qua đời vì xuất huyết não trong vòng 3 ngày mua hoặc tiếp xúc với gương.
Thời bấy giờ, câu chuyện về Louis Alvarez 1743 ngày càng được thêu dệt một cách đầy ma mị, bí ẩn. Các tin đồn như gương bị yểm bùa, bị ma ám,... lan truyền và tất cả đều vừa sợ hãi, vừa tò mò về nó.
Sự thật đơn giản không ngờ về cách thức "giết người" của chiếc gương
Nỗi ám ảnh về Louis Alvarez 1743 bị đẩy lên đỉnh điểm khi nạn nhân thứ 38, đồng thời là nạn nhân cuối cùng của chiếc gương xuất hiện. Đó là một nhà khoa học, bác sĩ tên Smith. Là người nghiên cứu khoa học nên Smith tuyệt đối không tin tâm linh, ma quỷ. Vậy nên ông đã đem chiếc gương về nghiên cứu để xem 38 cái chết là sự trùng hợp kỳ quái hay do còn bí mật ẩn bên trong nào khác.
Đáng tiếc là khi chưa kịp khám phá ra bất cứ điều gì, bác sĩ Smith đã xuất huyết não qua đời y như những người trước đó. Cái chết của ông đã khiến Hiệp hội Sưu tập đồ cổ của Pháp phải tổ chức họp báo nhằm công bố cho toàn thế giới biết về sự nguy hiểm của chiếc gương. Nhiều nhà khoa học tuy rất quan tâm về chiếc gương này nhưng chẳng ai dám giữ nó để nghiên cứu vì sợ cái kết giống Smith.
300 năm trước, Louis Alvarez 1743 xuất hiện như 1 truyền thuyết huyền ảo nhưng người hiện đại không tin vào nó nữa (Ảnh minh họa)
Thời gian trôi qua, mãi đến tháng 4/2005, một nhà khảo cổ học người Mỹ tên Waine đã lặn lội bay tới Paris để xin phép Hiệp hội Cổ vật Pháp cho ông điều tra về Louis Alvarez 1743. Đề nghị của ông bị từ chối thẳng thừng vì mọi người sợ thảm kịch lại tái diễn. Waine đã phải tìm đủ mọi cách năn nỉ, bao gồm nhờ cháu nội của bác sĩ Smith năm xưa giúp đỡ, ông mới lấy được chiếc gương về Mỹ làm nghiên cứu.
Điều bất ngờ đã xảy ra khi Waine đem gương về nhà nhiều ngày mà vẫn khỏe mạnh, không hề bị làm sao. Sau khi thực hiện vài xét nghiệm, Waine nhận thấy mặt gương mới có tuổi đời trên dưới 100 năm mà thôi, trong khi nó đã được làm ra từ năm 1743. Có lẽ trong 300 năm qua, nó đã được thay mặt mới. Vậy nên ông đặt ra giả thiết thứ "sát nhân" thật sự không phải là gương, mà là khung gương được làm bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo.
Một ngày, khi Waine đi làm trở về định tiếp tục khám phá chiếc gương thì ông bàng hoàng phát hiện 2 chú chuột bạch thí nghiệm trong phòng làm việc đã chết. Nguyên nhân cái chết của chúng cũng là xuất huyết não như con người. Để khẳng định dự đoán của mình, Waine đã mài một vài mảnh vụn gỗ từ khung gương làm thí nghiệm. Kết quả cho thấy khung gỗ của Louis Alvarez 1743 được làm từ gỗ coura – một loại cây quý hiếm nhưng đã tuyệt chủng từ 100 năm trước.
Gỗ coura là loại gỗ chứa một chất cực kỳ độc. Nhưng để chất độc này "kích hoạt", phát tác thì cần một điều kiện, đó là phải tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Chất độc trong gỗ tạo thành khí độc làm mạch máu não bị tắc dần dần, dẫn đến xuất huyết não và tử vong.
Loại gỗ hiếm kịch độc cần tiếp xúc ánh sáng thì mới phát khí độc vô hình (Ảnh minh họa)
Lý do mà nhà khoa học Waine tránh được "kiếp nạn" chính là vì ông luôn có thói quen đóng kín cửa và rèm khi làm việc, vậy nên đã không bị nó đoạt mạng. Vào ngày 2 chú chuột bạch chết, vợ của ông đã mở rèm gần đó nên chất độc bốc hơi, và nhờ đó bí mật được khám phá ra.
Để đảm bảo an toàn, chiếc gương sau đó đã được phá hủy. Sau gần 300 năm trời, sự thật từng gây ám ảnh về Louis Alvarez 1743 cuối cùng cũng đã không còn làm mọi người run sợ khi nhắc về nó nữa.
Nguồn: Scienceinfo