Sau những ngày sóng gió với nước Mỹ, khi những cơn lốc xoáy bạo tàn càn quét 6 tiểu bang và khiến ít nhất 84 người thiệt mạng, đã có những nghi vấn xuất hiện. Câu hỏi là, phải chăng biến đổi khí hậu đã trở thành một cơn khủng hoảng thực sự, và khiến tần suất lốc xoáy nguy hiểm gia tăng?
Nhưng các nhà khoa học cho biết, sức ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với lốc xoáy không nhiều đến vậy. Trên thực tế, mối liên hệ giữa cơn khủng hoảng khí hậu và lốc xoáy sẽ không dữ dội bằng những hiện tượng thời tiết cực đoan khác - bao gồm hạn hán, lũ lụt, và bão tố.
Hình ảnh lốc xoáy tàn phá nước Mỹ
Theo Victor Gensini, giáo sư khí tượng từ ĐH Northern Illinois và là một trong những chuyên gia hàng đầu về lốc xoáy, những cơn lốc vừa qua là một trong những thảm họa mạnh mẽ và đáng chú ý nhất lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên dù nó hơi bất thường và cho thấy mối liên hệ với biến đổi khí hậu, sự liên hệ ấy rõ ràng đến mức nào thì vẫn chưa thể khẳng định.
"Khi đặt tất cả các sự kiện như vậy cùng nhau, bạn sẽ có cảm giác chúng rất hung bạo, còn số liệu cho thấy khá rõ ràng là không chỉ có những thay đổi, mà thực sự tần suất lốc xoáy đang diễn ra thường xuyên hơn," - Gensini nhận định. "Có lẽ, những hiện tượng như vậy sẽ ngày càng phổ biến, mạnh mẽ và đa dạng hơn."
Jennifer Marlon, chuyên gia khí tượng tại ĐH Yale nhận định hiện tại vẫn còn là quá sớm để khẳng định rằng những cơn lốc xoáy bạo tàn vừa qua có liên hệ với biến đổi khí hậu, nhưng "có những dấu hiệu cho thấy điều đó". Ngoài ra, Marlon khẳng định giới khoa học đang "theo dõi sát sao xu hướng thay đổi, không chỉ về sự nghiêm trọng của từng sự kiện, mà cả những giai đoạn tĩnh lặng nữa."
Kho hàng Amazon bị lốc xoáy kéo sập
Ví dụ, nếu như bất kỳ cơn lốc nào vừa qua đạt mức EF-5 (với tốc độ gió trên 418km/h), đó là là kết thúc chuỗi 3126 ngày nước Mỹ chưa từng chứng kiến cơn lốc nào như vậy (kể từ khi được ghi nhận năm 1950). Lần gần nhất họ phải đối mặt với một cơn lốc EF-5 là tại Moore (Oklahoma) vào ngày 20/5/2013.
Một số nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu có thể đẩy các cơn lốc tại vách núi về phía đông, dẫn đến việc khiến lốc xoáy xuất hiện dày đặc hơn ở những bang đông dân phía đông con sông Mississippi, giống như thảm họa lần này.
Theo Gensini, có một điều chắc chắn rằng dù có phải biến đổi khí hậu hay không, những cơn lốc tương tự như vậy sẽ tiếp tục đày đọa loài người, bởi chúng ta đã thay đổi cảnh quan quá nhiều bằng việc xây dựng lên các thành phố lớn.
"Nhân loại có nhiều tài sản, nhiều công trình hơn, nghĩa là trở thành nhiều mục tiêu để bão tấn công," - ông nhận xét. "Vậy nên kể cả khi không có biến đổi khí hậu, các thiệt hại từ thiên tai gây ra sẽ chỉ tệ hơn mà thôi."