Thời đại ngày nay, việc liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh thuận tiện hơn rất nhiều. Các thầy cô giáo thường lập nhóm chat để thông báo tình hình học tập, hoạt động lớp,… tới phụ huynh. Điều này giúp cha mẹ các em yên tâm bởi mọi thứ đều công khai, minh bạch. Nhưng nhóm chat cũng là nơi diễn ra nhiều tình huống "dở khóc dở cười" vì có không ít phụ huynh đã gửi nhầm tin nhắn.
Mới đây, một bà mẹ (Trung Quốc) phát hiện quần của con có một lỗ thủng lớn sau khi từ trường mẫu giáo về. Sẵn cơn mệt mỏi trong người, lại thêm chuyện con bị rách quần khiến cô vô cùng tức giận. Cô bèn soạn một tin nhắn dài, nói hết những điều bản thân không hài lòng về giáo viên của con. Cô cảm thấy giáo viên là người không cẩn thận, chểnh mảng trong công việc, chăm sóc trẻ chưa chu đáo,… Nhưng thay vì gửi cho người bạn thân, cô lại gửi nhầm tin nhắn vào nhóm lớp.
Ngay sau đó, cô đã phát hiện ra sự cố tai hại bèn thu hồi tin nhắn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác và giáo viên đã đọc được nội dung. Thậm chí họ còn chụp lại màn hình điện thoại và gửi cho Hiệu trưởng.
Khi xem được tin nhắn nói xấu của bà mẹ, Hiệu trưởng liền gọi điện trao đổi: "Tôi đã đọc được dòng tin của cô. Tôi cũng yêu cầu giáo viên tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Chiếc quần của con cô bị rách trong lúc chơi với bạn để chờ mẹ đến đón. Chứ không hề có chuyện cô giáo thấy con mặc quần rách mà không đổi quần khác cho con.
Cô là mẹ cậu bé mà chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân đã đổ lỗi cho giáo viên rồi đăng lên nhóm lớp. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nhà trường. Nếu cô luôn cảm thấy dịch vụ giáo dục của trường không tốt, chưa xứng đáng với số tiền bỏ ra thì có thể chuyển trường cho con".
Hoá ra trước đó, bà mẹ luôn không hài lòng về nhà trường và giáo viên của con. Nhưng thay vì góp ý thẳng thắn thì lại chọn cách lập nhóm chat với một vài phụ huynh để giải toả bức xúc. Đây là cách làm thiếu khôn khéo, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của con.
Những điều cha mẹ nên làm khi thấy con gặp vấn đề ở trường lớp
1. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân sự việc
Khi thấy con gặp vấn đề, nhiều phụ huynh thường nổi nóng, đến tận trường yêu cầu giáo viên giải thích. Thực tế, điều này không giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh trở nên nghiêm trọng.
Cách đúng đắn nhất lúc này là hỏi con để hiểu rõ mọi chuyện. Sau đó, cha mẹ mới liên lạc với giáo viên để kiểm chứng và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
2. Cha mẹ nên trao đổi thường xuyên với giáo viên của con
Trên thực tế, việc xảy ra mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên thường do việc tương tác kém hiệu quả. Nếu cha mẹ trao đổi kịp thời sẽ tránh xảy ra những xung đột và vấn đề xấu liên quan đến trẻ. Mỗi khi đón con đi học về, cha mẹ nên hỏi giáo viên về tình hình học tập, vui chơi trong ngày của con.
3. Xoa dịu tâm trạng khi con xảy ra vấn đề
Việc trẻ đi học bị rách quần áo, bị ngã hay mất đồ dùng học tập là chuyện thường gặp. Nếu thấy mức độ sự việc không quá nghiêm trọng, cha mẹ nên tìm cách giúp con xoa dịu tâm trạng.
Nhiều cha mẹ thấy con gào khóc thường "giận quá mất khôn", đổ lỗi lên giáo viên. Thực tế, đôi khi lỗi lại đến từ những đứa trẻ. Vì vậy, hãy giúp con ổn định cảm xúc rồi tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý.
4. Tuyệt đối không dung túng trước hành vi sai trái của con
Nếu lỗi sai đến từ con, cha mẹ nên nghiêm khắc giải thích để con nhận ra vấn đề. Trong trường hợp con mắc lỗi nghiêm trọng, cha mẹ hãy áp dụng hình thức kỷ luật. Cha mẹ không nên bao che hành vi xấu bởi sẽ khiến con trở nên hống hách, luôn cho mình là nhất.
Phụ huynh và giáo viên đều mong muốn trẻ phát triển tốt về cả thể chất lẫn trí tuệ. Để làm được điều này, phụ huynh nên thông cảm trước những khó khăn của giáo viên. Ngược lại, giáo viên cũng cần lưu ý đến cách thức giao tiếp với phụ huynh để tránh xảy ra những hiểu lầm, mâu thuẫn.