Đâu chỉ thấp thoáng "hình bóng quân vương" ĐNÁ, tuyển Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu Á

Hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên khi trước Malaysia, thầy trò HLV tái hiện trận đấu với Nhật Bản mới đây. Chỉ có điều lần này họ sắm vai Nhật Bản - đội bóng hàng đầu châu Á.

Đè đối phương ra mà đá

Bàn thắng của Công Phượng với pha kiến tạo của Quang Hải thực sự là một tuyệt phẩm, và có lẽ sẽ lại là bàn thắng đẹp nhất của vòng đấu này, song điều đáng chú ý nhất là nó có rất nhiều với sự tương đồng với pha ghi bàn không được công nhận của Ito ở phút 40 của trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản trên sân Mỹ Đình mới đây.

Điểm chung giữa pha xử lý của Ito trước Văn Thanh với cú đánh gót kiến tạo của Quang Hải, cũng như pha đi bóng rồi dứt điểm hiểm hóc của Công Phượng là sự tự tin và hưng phấn cực kỳ cao độ.

Phải có cả sự tự tin và hưng phấn, Ito mới dám thực hiện cú gạt bóng khiến Văn Thanh ngã dúi dụi trước khi tung cú sút trái phá không cho Tấn Trường bất cứ cơ hội cản phá nào, và sự hưng phấn đầy tự tin cũng là tiền đề cho hai pha xử lý mang dáng dấp tuyệt phẩm của Quang Hải và Công Phượng.

Sự tự tin và hưng phấn ấy không chỉ đến bằng những bàn thắng mở tỷ số vươn lên dẫn trước để rồi cho mình cái quyền được chơi bóng cực kỳ ngẫu hứng như Ito, Quang Hải và Công Phượng, mà còn đến từ thế trận áp đảo toàn diện, vùi dập đến mức đối phương không còn sức kháng cự, không có bóng để chơi và dù cho có là 1-0 hay 2-0, 3-0, thì chiến thắng vẫn nằm gọn gàng trong tay đội bóng mạnh hơn.

Thứ bóng đá mà HLV Park Hang-seo hướng đến, và cho các học trò chơi tối qua trước Malaysia chính là thứ bóng đá mà Nhật Bản hay Australia - những "ông lớn" của bóng đá châu Á, từng đem ra hành hạ đội tuyển Việt Nam ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.

Tại sao lại là thứ bóng đá ấy, lối chơi ấy, mà không phải là sở trường của đội tuyển Việt Nam với những màn phòng ngự - phản công quen thuộc? Là bởi khi sở hữu sức mạnh hơn hẳn đối phương, đây là lối chơi khả dĩ nhất để xé toang sự kháng cự mang đậm chất tử thủ của địch thủ, để đảm bảo một chiến thắng mà bàn thắng có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đồng thời là "con tính đường xa" khi những trụ cột có thể "xong sớm nghỉ sớm" như Công Phượng, Quang Hải... tối qua.

Nên nhớ ở hai lần gặp gỡ Malaysia gần nhất, đội tuyển Việt Nam của thầy Park đều chiến thắng, nhưng đều là những chiến thắng cực kỳ nhọc nhằn và ẩn chứa đậm sự rủi ro. Ở Mỹ Đình là chiến thắng đến từ siêu phẩm của Quang Hải, song Việt Nam là đội hoàn toàn lép vế. Ở Dubai là chiến thắng đến từ cú ngã đúng lúc của Văn Toàn, nhưng đội tuyển Việt Nam cũng vất vả chẳng kém trận lượt đi.

Malaysia yếu đi nhiều vì sự mất mát nhân sự vì dịch bệnh, nhưng dám dùng lối chơi "hủy diệt" mà Nhật Bản hay Australia từng áp dụng với mình, HLV Park Hang-seo chứng tỏ đội tuyển Việt Nam đã vượt tầm Đông Nam Á, với con người và sự thấm nhuần chiến thuật, cũng như tạo đủ sự đột biến để có thể hạ gục bất kỳ đối thủ khu vực nào, dù cho đó có là Thái Lan đi nữa.

Tuấn Anh có là bất ngờ?

Hơn 2 năm qua, Tuấn Anh chưa từng đá một trận nào trọn vẹn ở cấp độ đội tuyển. Hôm qua, trước Malaysia, số 11 của đội tuyển Việt Nam không những đã trọn vẹn hơn 90 phút trên sân, mà còn vượt lên Quang Hải, Công Phượng để đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận. Liệu có phải là ngẫu nhiên?

Đâu chỉ thấp thoáng hình bóng quân vương ĐNÁ, tuyển Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu Á - Ảnh 1.

Dĩ nhiên là chẳng có sự ngẫu nhiên nào ở đây cả. Để có được màn trình diễn hoàn hảo trước Malaysia của Tuấn Anh, HLV Park Hang-seo đã "thửa riêng" cho tiền vệ người Thái Bình này một giáo án thể lực riêng biệt trong suốt gần một tháng qua, cũng như cất anh hoàn toàn ở trận đấu khai màn với đội tuyển Lào, để chọn đúng điểm rơi là trận "chung kết bảng" với Malaysia.

Tuấn Anh ngồi ngoài, đội tuyển Việt Nam chỉ thắng nhẹ Lào 2-0. Chanathip Songkrasin chưa về tập trung, Thái Lan thắng chật vật Timor Leste. Khi cả hai trở lại, cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều có được những chiến thắng đậm đà đầy sức thuyết phục bằng những "ngòi nổ" đẳng cấp.

So sánh Tuấn Anh với Chanathip Songkrasin rõ ràng là khập khiễng, song chính sự khập khiễng ấy lại làm nên đẳng cấp cho đội tuyển Việt Nam của thầy Park trước Thái Lan.

Pha ghi bàn đầu tiên của Quang Hải, sự đột biến không nằm ở cú vung chân sấm sét của tiền vệ người Đông Anh, mà đến từ đường chuyền của Tuấn Anh. Đường chuyền ấy khiến đối thủ choáng váng, dù đang trụ vững suốt hơn 30 phút trước Việt Nam. Là bởi hàng thủ Malaysia không thể tin nổi việc Tuấn Anh tự nhiên lại lù lù "mọc ra" ở vị trí đấy, vị trí anh chưa từng xuất hiện từ đầu trận, thậm chí là ở tất cả các trận gặp Malaysia trước đó.

Đâu chỉ thấp thoáng hình bóng quân vương ĐNÁ, tuyển Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu Á - Ảnh 2.

Tuấn Anh lẻn được xuống biên trái để làm cái việc mà Văn Hậu từng làm ở trận khai màn của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018 trước Hàn Quốc để Quang Hải ghi bàn mở tỷ số, là bởi suốt khoảng thời gian trước đó, những Quang Hải, Công Phượng, Hoàng Đức, Phan Văn Đức... đã khiến hàng thủ Malaysia phải "quay như chong chóng", để rồi khi kịp "ngẩng mặt lên" thì "mọi sự đã rồi".

Đội tuyển Nhật Bản không phụ thuộc vào một mình ngôi sao nào. Những đội bóng lớn mà đội tuyển Việt Nam từng gặp và từng thua ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á đều không để mình phải phụ thuộc vào một ngôi sao duy nhất, như cái cách Thái Lan phụ thuộc vào Chanathip Songkrasin hiện tại.

Tuấn Anh tỏa sáng rực rỡ, Tuấn Anh vừa sắm vai chiến binh, vừa sắm vai nghệ sĩ cực kỳ toàn vẹn trước Malaysia, song đội tuyển Việt Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào Tuấn Anh, hay Quang Hải. Đè bẹp Malaysia, thầy Park không phụ thuộc vào mũi nhọn hay thủ lĩnh đơn lẻ nào, mà là một tổng thể thống nhất để triển khai thành công lối chơi "đè đối phương ra mà đá", khi mọi vị trí đều xuất sắc.

Đâu chỉ thấp thoáng hình bóng quân vương ĐNÁ, tuyển Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu Á - Ảnh 3.

Đấy là sự khác biệt cơ bản giúp thầy trò HLV Park Hang-seo cực kỳ tự tin trên hành trình bảo vệ chức vô địch AFF Cup, dù đối thủ có là Thái Lan. Bởi giờ đây, những hành trang thu thập được từ "sân chơi lớn" vòng loại cuối World Cup, sự tiến bộ khi được va chạm với những "đại gia" châu Á đã được lượng hóa và thể hiện cực kỳ rõ rệt bằng phong độ "hủy diệt" hiện tại.

Năm năm về trước, Kiatisuk cùng đội tuyển Thái Lan đã từng bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup "dễ như lấy đồ trong túi" sau khi trở về từ vòng loại cuối World Cup 2018 bằng lối chơi tấn công "san bằng" cả Đông Nam Á. Giá trị của "biển lớn", giờ đây đang nằm trong tay thầy trò HLV Park Hang-seo. "Bầu trời" Đông Nam Á giờ đã quá chật chội với "Rồng vàng" Việt Nam!

Đâu chỉ thấp thoáng hình bóng quân vương ĐNÁ, tuyển Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu Á - Ảnh 4.