Đề thi Văn vừa là niềm hân hoan được viết, vừa được sáng tạo của nhiều bạn học sinh. Nhưng đôi khi nó lại trở thành nỗi ám ảnh nhất là những đứa quen với phương trình hóa học, định lý định đề và những con số.
Với nhiều đề Văn, học sinh cần sử dụng trí tưởng tượng, sự quan sát cùng những trải nghiệm, am hiểu cuộc sống để phân tích tác phẩm cũng như những câu chuyện. Đề văn còn "hack não" thí sinh khi chưa kịp hiểu gì, thì những cô cậu học sinh yêu thích môn Ngữ Văn, đề thi càng khó, lạ mắt luôn song hành cùng với sự sáng tạo và thỏa sức múa chữ.
Mới đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi lập các đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2021-2022 của tỉnh Đắk Lắk đã nhận được cơn mưa lời khen từ nhiều người vì đề có sự mới mẻ và theo nhận xét: "Đề Văn khó nhưng hay lắm!".
Đúng chuẩn đề thi Văn chọn học sinh giỏi Quốc gia (Nguồn: Gió)
Đề thi gồm hai câu, nội dung trích từ tác phẩm Nhà Giả Kim và trích đoạn phát biểu của một nhà giáo trong lễ khai giảng năm học mới như sau:
Câu 1: 8 điểm
Paulo Coelho viết: "Hãy nhớ rằng bất cứ nơi nào cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ tìm thấy kho báu của mình". (Nhà Giả Kim, NXB Văn học, 2017).
Phải chăng "kho báu" trong cuộc sống hiện tại của con người đang dần vơi cạn?
Câu 2: 12 điểm
Trong buổi lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của khoa Văn học (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), nhà giáo Huỳnh Như Phương từng đặt câu hỏi:
"Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi, Văn học để làm gì, Văn học cần cho ai. Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến. Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với chút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây. Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con thơ dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch?..."
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trả lời câu hỏi của nhà giáo Huỳnh Như Phương.
Đề thi Văn đã nhận được nhiều nhận xét tích cực, đề thi mở khó nhưng hay, ý nghĩa, lại có tính thời sự, khơi gợi cảm hứng sáng tạo và mang tính giáo dục cho học sinh. Đề thi đã không còn rập khuôn, học sinh được tự do trình bày chính kiến, có tranh luận, phản biện... Nhiều người cho rằng, dù đã qua giai đoạn học sinh nhiều năm nhưng "chạm" vào vấn đề nhiều xúc cảm này khiến họ muốn "cầm bút lên và viết".
Đọc xong đề Văn mà không biết nên phân tích từ đâu và như nào. Đúng là tầm cỡ của thi học sinh giỏi vào Đội tuyển Quốc gia nên nó phải khác hẳn. Rất nhiều học sinh đã để lại nhận xét về đề Văn này:
- "Lúc học phổ thông mình từng rất xem nhẹ môn Văn. Mãi sau này mới nhận ra việc viết thật sự quan trọng từ công việc đến học tập".
- "Đề Văn quá dễ đến mức đọc xong cầm chắc con 9 trên tay, và con điểm 1 trên giấy".
- "Đọc đề Văn mà xúc động, không biết các bạn làm sẽ có cảm xúc như thế nào?".
- "Đề hay thật... đúng là muốn cầm bút viết ngay. Mặc dù đã rời xa ghế nhà trường 6 năm rồi, đầu óc cũng không minh mẫn được như cấp 3".
- "Đọc đề Văn mà xúc động thật, chỉ muốn cầm bút viết ngay. Mặc dù đã rời xa ghế nhà trường 6 năm rồi, đầu óc cũng không còn được minh mẫn như hồi cấp 3 nữa".