Hãng theo dõi đăng ký bảo hộ Tianyancha cho biết, theo số liệu trích dẫn từ Cục sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan khái niệm metaverse đã tăng gấp đôi con số 8.534 được ghi nhận cách đây 2 tháng.
Mặc dù số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng, nhưng đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ chấp thuận một số đơn đăng ký , đồng thời khẳng định sẽ không xét duyệt các đơn đăng ký “độc hại”, có mục đích thổi phồng khái niệm metaverse hơn là phục vụ sử dụng thực tế.
Tuyên bố của nhà chức trách là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ mạnh tay dập tắt vấn nạn đầu cơ khái niệm vũ trụ ảo này.
Ngày 21/2, Hiệp hội truyền thông di động Trung Quốc về Metaverse, tổ chức mới thành lập do nhà nước hậu thuẫn, gồm hơn 100 công ty, đã ban hành hướng dẫn, nêu rõ ngành công nghiệp này cần ngăn chặn tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường.
“Hoạt động tài chính bất hợp pháp như ra mắt các dự án đầu tư metaverse giả mạo, hay việc phát hành tiền ảo metaverse, cần phải được ngăn chặn”, trích tuyên bố đăng trên website chính thức của Hiệp hội.
Metaverse, thuật ngữ bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson, đề cập tới thế giới ảo sống động như thật, nơi mọi người có thể gặp gỡ, làm việc và giải trí trực tuyến thông qua các thiết bị thực tế ảo hay thực tế tăng cường.
Những người ủng hộ coi metaverse là sự lặp lại tiếp theo của Internet và các công ty công nghệ Trung Quốc đang cố gắng đăng ký thương hiệu liên quan khái niệm này, như bước đi đầu tiên đón đầu xu thế.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding đã nộp 31 đơn đăng ký vào tháng 9 năm ngoái thông qua chi nhánh tại Singapore, gồm một số đơn đăng ký gắn liền với tên công ty và các bộ phận kinh doanh như AliCloud, Taobao và DingTalk.
ByteDance, công ty sở hữu TikTok cũng đăng ký 6 nhãn hiệu vào tháng 10/2021, trong khi gã khổng lồ công nghệ khác là Tencent Holdings đã nộp tới 99 đơn kể từ tháng 9/2021, nền tảng theo dõi đăng ký bảo hộ Qichacha cho biết.
Nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối phê duyệt nhiều đơn đăng ký thương hiệu , trong đó có cả đơn của NetEase, công ty trò chơi điện tử lớn thứ 2 đại lục, iQiyi – nhà cung cấp video trực tuyến thuộc sở hữu của Baidu và nền tảng thương mại điện tử xã hội Xiaohongshu.
Tính tới thời điểm 22/2, 163 đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối sẽ được xem xét lại, một phần trong quy trình kháng cáo kéo dài từ 6-8 tháng. Trong số này, có 6 đơn bị từ chối từ tháng 12 năm ngoái của iQiyi.