Mới đây, Gary Burnison, giám đốc điều hành của Korn Ferry - Công ty tư vấn quản lý lớn nhất thế giới với trụ sở ở 55 quốc gia đã đưa ra những điều mà các ứng viên khi tham gia phỏng vấn cần lưu ý thông qua kênh tin tức CNBC (Hoa Kỳ).
Bằng kinh nghiệm phỏng vấn qua hàng chục năm làm tuyển dụng của mình, ông nhận thấy rằng: “Ngay cả ứng viên giàu kinh nghiệm nhất cũng có thể mắc phải một số sai lầm cơ bản như những tân binh." Cho dù lý lịch của họ rất ấn tượng, nhưng một khi mắc phải những sai lầm này thì nhà tuyển dụng sẽ nhìn theo một hướng khác.
Gary Burnison, giám đốc điều hành của Korn Ferry (Ảnh: Getty Images)
Để giúp các ứng viên thành công trong cuộc phỏng vấn, Burnison đã liệt kê những sai lầm mà “tân binh” thường gặp phải. Cụ thể, có năm điều:
1. Hiểu lịch sử công ty, các sản phẩm và dịch vụ
Thông thường các ứng viên tham gia phỏng vấn đều chỉ nắm được những tình hình cơ bản của công ty và luôn bỏ qua bước tìm hiểu hiểu lịch sử công ty. Như vậy là không đủ!
Theo Burnison, khi bạn đã được mời đến buổi phỏng vấn, trước hết cần phải hiểu những khía cạnh của công ty càng nhiều càng tốt, nó sẽ bao gồm: Lịch sử, đội ngũ lãnh đạo, những thành công và thách thức.
Nếu bạn ứng tuyển vào một công ty sản phẩm - dịch vụ, hãy mua các sản phẩm và dịch vụ của công ty, dùng thử và nghĩ về nó khi bạn nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn.
Ngoài ra, biết thêm về khách hàng của công ty cũng sẽ giúp bạn thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm của mình trong cuộc phỏng vấn.
2. Biết người bạn sẽ gặp và học cách "bứt phá"
Sau khi nhận được thông báo phỏng vấn, hãy tìm hiểu những người sẽ phỏng vấn bạn, chẳng hạn như tên hay chức danh của họ.
Burnison giải thích rằng mục đích của việc này không chỉ để biết những người sẽ phỏng vấn mình là ai mà còn để thiết lập một điểm liên lạc chung, tạo cầu nối khi tham gia phỏng vấn.
Trong trường hợp không tìm thấy thông tin liên quan đến người phỏng vấn thì bạn có thể tham khảo các phương án khác như tìm các chủ đề có liên quan đến công ty mới nhất để đưa ra lời mở đầu thú vị.
Tìm hiểu người sẽ phỏng vấn bạn để tìm những điểm kết nối (Ảnh: Grapevine leaders)
3. Đặt những câu hỏi có ý nghĩa
Hãy tưởng tượng rằng ở giữa cuộc phỏng vấn, người tuyển dụng hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cần giải đáp không?”. Nếu trả lời: “Không, tôi không có câu hỏi nào!” thì có thể nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn chưa chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn này hoặc không quan tâm đến câu hỏi nhà tuyển dụng.
Bạn nên đặt ra một số câu hỏi thông minh, chẳng hạn như về trách nhiệm, mục tiêu hay cách hoạt động công việc như thế nào. Ở mỗi câu hỏi đặt ra, người phỏng vấn sẽ thấy được cách suy nghĩ và hiểu thêm về bạn hơn.
Nên đặt lại những câu hỏi thông minh với nhà tuyển dụng để từ đó họ sẽ có nhiều khía cạnh đánh giá bạn hơn (Ảnh: T Online)
Ngoài ra, khi kết thúc cuộc phỏng vấn, bạn không nên hỏi "Bước tiếp theo tôi phải làm thế nào? ". Thay vào đó, hãy nói với nhà tuyển dụng rằng bạn thích công ty, thích cuộc phỏng vấn này và quan tâm đến vị trí ứng tuyển như thế nào. Bởi vì, nếu bạn làm tốt, người quản lý tuyển dụng sẽ cho bạn biết sớm thôi.
4. "Tắt tiếng" điện thoại
Điện thoại reo trong lúc phỏng vấn, chỉ một lúc thôi nhưng nó có thể mang lại hậu quả “chết người” cho cuộc phỏng vấn của bạn. Khi được hỏi có bao nhiêu người quên tắt tiếng điện thoại di động trong các cuộc phỏng vấn, Burnison nói rằng mình không nhớ những con số đã trải qua và đánh giá ứng viên là người bất cẩn, thiếu tôn trọng.
Do vậy, trước khi bạn bước vào một cuộc phỏng vấn hãy vui lòng tắt tiếng hoặc tắt điện thoại. Trong trường hợp bạn quên và có cuộc gọi đến bất chợt, thay vì nghe hãy tiếp tục hoàn thành cuộc phỏng vấn để đạt được thành công tốt nhất.
5. Ăn mặc phù hợp
Vào ngày phỏng vấn, đừng lãng phí thời gian vào vấn đề ăn mặc, bạn nên lên kế hoạch trước nên mặc những gì và thử nó. Đảm bảo rằng quần áo của bạn sạch sẽ, gọn gàng, phù hợp với buổi phỏng vấn.
Nếu có bất kỳ những thắc mắc nào về trang phục tham gia phỏng vấn, bạn có thể hỏi những người hiện đang hoặc đã làm việc cho công ty. Tùy từng đơn vị tuyển dụng sẽ đưa ra những gợi ý trang phục cho bạn. Và đôi khi, người sắp xếp cuộc phỏng vấn sẽ cho bạn biết trước về những yêu cầu trang phục.
Chuẩn bị trang phục phù hợp cho cuộc phỏng vấn (Ảnh: Welt)
Trên đây là 5 lưu ý quan trọng mà nhà lãnh đạo Gary Burnison mong muốn được chia sẻ đến những “tân binh” khi tham gia phỏng vấn. Đây đều là những điều cơ bản nhưng nhiều người lại bỏ quên và mắc phải. Với kinh nghiệm của mình, Gary Burnison hy vọng “tân binh” cần thay đổi, chỉn chủ từ những điều nhỏ nhất, chỉ khi như vậy cuộc phỏng vấn mới có cơ hội thành công cao.
Nguồn: CNBC