Gen Z tuyên bố: Thà lắc hông trên TikTok còn hơn làm "work zombie" nơi công sở!

Trong mắt của những người trẻ này, việc đi làm văn phòng trên 8 tiếng một ngày quả thực là…

Việc đi làm công sở 8 tiếng/ngày trong con mắt của Gen Z dần trở thành 1 thứ dây xích trói buộc không cần thiết. Thay vì chấp nhận trở thành “work zombie” nơi công sở, nhiều Gen Z đang lựa chọn làm việc tự do để khám phá tiềm năng của bản thân cũng như tìm thấy được ý nghĩa trong cuộc sống.

Biết thế không đi làm

Phương Thảo (25 tuổi, đến từ Hải Phòng) vừa kỉ niệm tròn 1 năm ngày cô chính thức mở shop kinh doanh online. Trước đó, Phương Thảo từng đảm nhiệm chức vụ chuyên viên ngân hàng tại một ngân hàng khá có tiếng tăm. Công việc của Thảo chủ yếu liên quan đến hồ sơ, giấy tờ mà theo nhận xét của Thảo thì “vô cùng nhàm chán, trông mình chẳng khác gì một công nhân ngân hàng không hơn không kém”.

Phương Thảo chia sẻ: “Một ngày đi làm của mình lúc nào cũng bận rộn và gấp gáp, nhiều khi không kịp ăn trưa vì công ty chỉ cho nghỉ trưa có 1 tiếng. Thậm chí có ngày mình còn chẳng uống được ngụm nước nào, vì uống nước xong thì buồn đi vệ sinh mất thời gian lắm. Thời điểm quá bận thì mình phải tăng ca, có khi 9 giờ mới đi làm về”.

Gen Z tuyên bố: Thà lắc hông trên TikTok còn hơn làm work zombie nơi công sở! - Ảnh 1.

Ngoài công việc bận rộn, Phương Thảo tiếp tục kể về môi trường công sở lắm drama, những cuộc đấu đá ngầm trong nội bộ, những sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa đồng nghiệp với nhau, hay chính bản thân Phương Thảo cũng đang có xích mích với sếp. Thêm vào đó, con đường thăng tiến khó khăn và mù mịt, công việc thì lặp đi lặp lại khiến cơ hội phát triển bản thân gần như bằng không, tất cả những điều trên cộng hưởng lại khiến cho Phương Thảo bị stress nặng. Việc sinh hoạt không điều độ cùng với căng thẳng tâm lý kéo dài khiến cho sức khỏe của Thảo xuống dốc nhanh chóng: Thảo tăng cân mất kiểm soát và bị chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ.

Nhận ra rằng mình không thể đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền thêm nữa, Phương Thảo quyết định nộp lá đơn xin nghỉ việc, từ bỏ mức lương “X trung học” để hòa mình vào “thế giới của những người trẻ lao động tự do”.

Một thế hệ nói không với chốn công sở

Tuy câu chuyện của Phương Thảo khá đặc biệt, nhưng dù sao cô cũng trở thành một phần của hiện tượng ngày càng phổ biến: Người trẻ sinh ra vào nửa cuối năm 90s và đầu 2000 không chấp nhận ở trong một “cuộc hôn nhân không hạnh phúc” với công việc văn phòng nữa.

Gen Z tuyên bố: Thà lắc hông trên TikTok còn hơn làm work zombie nơi công sở! - Ảnh 2.

Trong mắt của những người trẻ này, việc đi làm văn phòng trên 8 tiếng một ngày quả thực là 1 sự “cầm tù”. Tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, phần lớn các công việc full-time đang có xu hướng vượt quá giới hạn 8 tiếng/ngày. Ngoài thời gian làm việc trong giờ hành chính, một số công việc yêu cầu nhân viên phải làm thêm giờ vào buổi tối và cuối tuần mới kịp tiến độ. Vì vậy, nhân viên công sở buộc phải dành gần như toàn bộ thời gian của mình cho công việc. Đây là một sự đánh đổi không cân xứng, theo như nhận xét của nhiều bạn trẻ, khi phải “bán” thời gian, sức khỏe, trải nghiệm, tuổi trẻ của mình chỉ để thu về số tiền lương ít ỏi, chỉ đủ tiêu 1 - 2 tháng là hết.

Thế là chúng ta bắt đầu nhìn thấy một làn sóng người trẻ đổ xô đi làm KOL, KOC, YouTuber, TikToker, Livestreamer, kinh doanh online, freelancer,... Dần dà trên mạng xã hội, các KOL hay những nhà bán hàng trẻ xuất hiện ngày một nhiều và đang tăng lên với cấp số nhân, nhất là sau đại dịch. Một số ngành như Marketing hay thương mại điện tử sau dịch đã ghi nhận trường hợp của nhiều nhân sự ngày đêm “kêu gào” vì tuyển người khó quá, các ứng viên trẻ ngày nay ưa làm từ xa, thích “cày freelance” hơn chấp nhận gán mình với 1 công ty cố định. Vào 1 số hội nhóm tuyển dụng trên Facebook, dưới các bài đăng tuyển người luôn có 1 số bình luận của các bạn trẻ như “làm online được không, công ty mình có đang tìm freelancer không ạ?...”.

Gen Z tuyên bố: Thà lắc hông trên TikTok còn hơn làm work zombie nơi công sở! - Ảnh 3.

Rời xa nơi công sở không là bão tố

Quay trở lại với câu chuyện của Phương Thảo, cô thừa nhận trước đây mình đã sống không mục đích, không ước mơ, sống lay lắt qua ngày, làm 1 công việc mình không thích chỉ để cuối tháng nhận được 1 số tiền cố định và “nghe danh ngân hàng oai oai”. Sau khi tiếp xúc với nhiều drama chốn công sở, Thảo trở thành 1 con người tiêu cực, suốt ngày than vãn, kêu ca, nói xấu người này người kia.

Ngày đầu tiên sau khi nghỉ việc, Thảo được thong thả ra ngoài, hít thở khí trời, lượn đường, tận hưởng cảm giác tự do, nhìn cái gì cũng thấy đẹp, thấy yêu.

Gen Z tuyên bố: Thà lắc hông trên TikTok còn hơn làm work zombie nơi công sở! - Ảnh 4.

Sau đó, Phương Thảo dần thoát khỏi hình bóng của con người tiêu cực ngày xưa. Cô sống tích cực, vui vẻ và thoải mái hơn. Thời gian rảnh rỗi cô chăm sóc bản thân, gia đình và quan tâm đến mọi người xung quanh mình. Phương Thảo cũng bắt đầu trải nghiệm 1 lĩnh vực hoàn toàn mới đối với bản thân, đó là kinh doanh online. Từng bước từng bước, Thảo học hỏi cách kinh doanh, công nghệ và nhiều kĩ năng khác phục vụ cho việc kinh doanh của mình, đồng thời cô chiêu mộ và xây dựng đội nhóm những người làm cùng. Giờ đây, Thảo cảm thấy mình được phát triển bản thân mỗi ngày, học hỏi mỗi ngày, làm việc cùng những người đồng đội vui vẻ, tích cực, yêu thương nhau như một gia đình thứ hai. Từ đó, Phương Thảo ngày càng củng cố niềm tin rằng quyết định nghỉ việc ngân hàng khi xưa của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Tạm kết

Mỗi thời sẽ có 1 kỳ vọng khác nhau về công việc. Đối với thời của bố mẹ chúng ta, công việc đơn giản chỉ là kế mưu sinh. Trong khi đó đối với nhiều Gen Z, công việc còn là ý nghĩa của cuộc sống. Các bạn trẻ còn nhiều thời gian và cơ hội nên chẳng việc gì phải sợ thử làm 1 điều mới. Thay vì trở thành 1 “work zombie” bị “lão hóa cột sống” nơi công sở, các bạn trẻ hoàn toàn có thể cho mình 1 quãng nghỉ để làm việc tự do cũng như khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân.

https://ahadep.com/gen-z-tuyen-bo-tha-lac-hong-tren-tiktok-con-hon-lam-work-zombie-noi-cong-so-20211231234108405.chn