Lâm nợ vì phí mai táng cho người chết do COVID-19
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Ngãi với 15.000 ca bệnh. Hiện, địa phương này đang có 2 cơ sở y tế cách ly, điều trị COVID-19; trong đó các ca nhẹ được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn và các bệnh nhân nặng được chữa trị tại Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh.
Đặc biệt, hơn 2 tháng qua, tại địa phương này ghi nhận gần 100 ca tử vong, nâng tổng số người chết do COVID-19 tại Quảng Ngãi là 111 ca.
Theo quy trình của Sở Y tế Quảng Ngãi, sau khi bệnh nhân COVID-19 tử vong, các cơ sở điều trị sẽ xử lý theo quy trình phòng dịch qua các bước khử khuẩn, tẩm dung dịch Clo, đưa vào bao tử thi và chuyển vào nhà đại thể. Sau đó, đội dịch vụ mai táng tiếp nhận và chuyển về địa phương.
Đáng nói, hiện chi phí chuyển người chết vì COVID-19 đang có nhiều mức khác nhau nhưng hầu hết đều hét giá "trên trời", dao động từ 15 triệu đến 60 triệu đồng tuỳ các mối quan hệ, giới thiệu... Trong đó, tại các địa bàn xa như thị xã Đức Phổ hay huyện miền núi, mức giá này cao gấp đôi, từ 40- 50 triệu đồng. Những trường hợp hỏa thiêu ở Đà Nẵng, chi phí lên tới 60 - 70 triệu đồng.
Dịch vụ mai táng chực chờ ngay trước Bệnh viện Lao và bệnh phổi Quảng Ngãi
Vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất chồng vì COVID-19 vào giữa tháng 2/2022, bà T.T.T. (ngụ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) còn nuôi trong mình nỗi bức xúc khi phải trả phí mai táng "cắt cổ" cho một cơ sở phục vụ tang lễ. Theo bà T., khi chồng vừa mất là có người chủ động liên lạc giới thiệu dịch vụ tang lễ. Với một chiếc quan tài, xe vận chuyển về nơi chôn cất cách bệnh viện khoảng 10km, dịch vụ tang lễ ra giá 35 triệu đồng.
"Nhà có người mất mà lại liên quan đến dịch bệnh nên họ nói sao mình cũng phải nghe. Không đồng ý với họ thì làm sao đưa thi thể về mà mai táng. Tôi và nhiều người kinh tế khó khăn cũng phải chạy vạy khắp nơi để trả hàng chục triệu đồng tiền mai táng người thân do mất vì COVID-19. Tự nhiên tới lúc chết lại thêm một đống nợ...", bà T. thở dài nói.
Ngồi buồn rầu trước bàn thờ của cha vừa qua đời 1 tháng vì COVID-19, anh B.M.L. (trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bức xúc nhớ lại việc một cơ sở phục vụ tang lễ yêu cầu gia đình phải trả tới 28 triệu đồng.
"Qua giới thiệu, cơ sở tang lễ đề nghị giá trọn gói để lo an táng cho cha tôi là 28 triệu đồng. Dịch vụ mai táng chỉ mang một quan tài loại thường đến rồi làm lễ nhập quan. Sau đó họ đưa lên chiếc xe tải nhỏ chở ra nghĩa địa, nơi gia đình đã chuẩn bị sẵn huyệt mộ. Quãng đường từ bệnh viện đến nghĩa địa chỉ khoảng 7km, vậy mà họ thu cái giá thế này thì quá đắt. Trong tình thế không còn lựa chọn nào khác, gia đình đành phải chấp nhận", anh L. chia sẻ.
Đoạn đường chỉ khoảng 7km nhưng gia đình anh L. phải trả 28 triệu đồng cho cơ sở mai táng
Cùng chung cảnh ngộ, chị T.G. (trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đau đớn trước sự ra đi của mẹ vì COVID-19. Chị G. kể, đầu tháng 2 vừa qua, mẹ chị mắc COVID-19 phải nằm điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi được 2 ngày thì mất.
Lo sợ dịch bệnh lây lan cho địa phương, gia đình chị G. quyết định đưa mẹ đi hoả táng tại TP Đà Nẵng. Qua lời giới thiệu của nhân viên bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ trọn gói với giá 70 triệu đồng. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sau khi thương lượng, phía dịch vụ chấp nhận bớt cho 10 triệu đồng.
"Dịch vụ đó có gì đâu, một chiếc xe nhỏ, hai hũ tro cốt và hai cái ảnh thôi. Họ nói thêm một xe 10 triệu, nhà chị không có tiền nên thôi. Lúc đó mẹ mất gia đình bối rối lắm, họ ra giá thì mình theo thôi. Phải mượn người thân chứ không có tiền sẵn nhiều vậy”, chị G. nghẹn ngào.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi nói gì?
Ông Cao Phúc - Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện lao và bệnh phổi cho biết, khi bệnh nhân mắc COVID-19 qua đời, bệnh viện sẽ xử lý đúng quy định phòng dịch, lưu giữ thi thể trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Người nhà của bệnh nhân tự liên hệ với dịch vụ mai táng để đưa thi thể về chôn cất. Các đội dịch vụ vào bệnh viện tự trang bị phòng hộ cá nhân và có sự giám sát quy trình phòng dịch của bệnh viện.
Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện lao và bệnh phổi cho biết thêm, năm 2021 đơn vị đã kiến nghị ngành chức năng sửa chữa nhà đại thể, xe chuyên dụng, thành lập đội xử lý, vận chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 để đảm bảo an toàn nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Báy - Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, quy định của Bộ Y tế nêu rõ, quy trình xử lý người tử vong vì COVID-19 phải khép kín. Khi F0 không may qua đời, cơ sở điều trị phải tổ chức khâm liệm, vận chuyển đến nơi chôn cất.
Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cũng khẳng định, theo quy định hiện hành, gia đình có người thân mất vì COVID-19 không phải tốn chi phí mai táng. Chi phí mua quan tài, vận chuyển đến nơi chôn cất, hỏa thiêu sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch. Như vậy, việc Bệnh viện lao và bệnh phổi để người nhà tự thỏa thuận với cơ sở tang lễ làm việc này là sai quy định.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, việc Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi để người dân tự thỏa thuận với dịch vụ mai táng là sai quy định
"Lúc đầu, Bệnh viện lao và bệnh phổi có thực hiện việc này rất tốt nhưng gần đây lại để xảy ra sự việc người dân tự thỏa thuận với dịch vụ mai táng. Làm vậy là sai quy định hoàn toàn. Việc này bệnh viện biết nhưng chắc do nhiều bệnh nhân, công việc mệt mỏi nên mới như vậy. Năm 2021, bệnh viện này đã kiến nghị ngành chức năng sửa chữa nhà đại thể, xe chuyên dụng, thành lập đội xử lý, vận chuyển người tử vong do COVID-19 để bảo đảm an toàn, giảm chi phí cho thân nhân nhưng đến nay vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa được giải quyết", ông Báy thông tin.
Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết thêm, đơn vị đã nhiều lần chỉ đạo các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 phải thực hiện đúng các hướng dẫn. Đơn vị nào có khó khăn phải báo cáo để Sở có hướng chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, Bệnh viện lao và bệnh phổi không báo cáo vấn đề này.
"Hiện, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi chấn chỉnh sự việc trên", ông Báy khẳng định.