Góc độ pháp lý vụ việc 15 chú chó ở Cà Mau bị tiêu hủy

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, hiện nay cơ sở pháp lý, khoa học để xử lý đối với vật nuôi của người nhiễm Covid-19 chưa thực sự rõ ràng. Nếu không xác định được số vật nuôi này dương tính với SARS-CoV-2 hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ.

Tối 9/10, mạng xã hội lan truyền thông tin 15 chú chó của vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi) từ Long An về Cà Mau bị tiêu hủy để phòng chống dịch. Chính quyền huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận vụ việc và thừa nhận sự lúng túng, thiếu sót trong cách xử lý.

Được biết, vợ chồng ông Hùng đều dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đi xe máy từ Long An về Cà Mau, đã được chuyển cách ly và điều trị tại Trạm Y tế xã Khánh Hưng.

UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát và báo cáo cụ thể vụ việc

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc tiêu huỷ 15 chú chó là chưa từng có trong tiền lệ công tác phòng, chống dịch. Ông nhận định đây là vụ việc gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội.

"Hình ảnh cặp vợ chồng chở 15 chú chó và 1 chú mèo trên hành trình về quê trong mùa dịch khiến nhiều người vô cùng xúc động. Họ đã dành tình cảm cho những vật nuôi, xem chúng như tài sản lớn nhất", luật sư Tiền nói.

Góc độ pháp lý vụ việc 15 chú chó ở Cà Mau bị tiêu hủy - Ảnh 1.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, về mặt phòng chống dịch, theo Bộ Y tế, người mắc Covid-19 và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi. Đồng thời, không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình bởi có bằng chứng virus có thể lây sang vật nuôi.

Trong trường hợp này, cơ quan chức năng phải xác định những chú chó có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không? Ngoài ra, việc người dân vận chuyển số lượng lớn vật nuôi về từ vùng có dịch có phải là hành vi vi phạm hay không?

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, nếu người dân biết vật nuôi có khả năng bị nhiễm bệnh nhưng vẫn vận chuyển, gây lây lan dịch bệnh, có thể cấu thành "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, luật pháp quy định tội "đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Nếu hậu quả xảy ra chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tại Điều 6 Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

15 chú chó của vợ chồng ông Hùng bị tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh (Ảnh: FB)

Về phía chính quyền địa phương, việc tiêu hủy tài sản, vật nuôi phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, hiện nay cơ sở pháp lý, khoa học để xử lý đối với vật nuôi của người nhiễm Covid-19 chưa thực sự rõ ràng. Nếu không xác định được số vật nuôi này dương tính với SARS-CoV-2 hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ.

Theo luật sư Tiền, chính quyền địa phương mong muốn đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không nhằm mục đích phá hoại tài sản. Tuy nhiên, cách làm của họ có phần "nóng vội" và "chưa thấu đáo".

Về việc này, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thừa nhận sự lúng túng, thiếu sót trong cách xử lý của cơ quan chức năng. Ông hi vọng cộng đồng mạng thông cảm bởi mọi công việc đều xuất phát từ công tác phòng chống dịch, từ lợi ích và quyền lợi của người dân, đảm bảo tính mạng, an toàn của người dân.

Luật sư Tiền lý giải, bộ luật dân sự quy định, vật nuôi là một dạng tài sản nên chủ vật nuôi có quyền của chủ sở sữu tài sản theo quy định. Việc tiêu hủy vật nuôi nếu không có căn cứ pháp lý thì người thực hiện sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định thiệt hại làm căn cứ bồi thường theo quy định pháp luật.

Tùy tính chất, mức độ hành vi và hậu quả thì có thể xem xét về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Clip: Về quê tránh dịch, cặp vợ chồng bất chấp nguy hiểm chở đồ đạc kín xe và bất ngờ nhất là không quên 15 "người bạn trung thành" (Nguồn: Facebook)