Hai loại vaccine Covid-19 nào tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 4?

Bộ Y tế đồng ý sử dụng hai loại vaccine Covid-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4.

Chiều 31/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo tập huấn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

PGS.TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, 63 tỉnh/thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ tháng 4 ngay khi được cung ứng vaccine.

Đến nay, số lượng trẻ đăng ký tiêm vaccine của 63 tỉnh, thành phố là 11.809.740. Các địa phương sẽ tiêm chủng chiến dịch tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Trẻ nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) sẽ được tiêm trước và hạ dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.

Theo bà Hồng, hai loại vaccine được sử dụng để tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna:

- Vaccine Pfizer sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

- Vaccine Moderna sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi.

Như vậy, vaccine Moderna được tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, không dành cho trẻ 5 tuổi. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Hai loại vaccine Covid-19 nào tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 4? - Ảnh 1.

Bộ Y tế sử dụng hai loại vaccine để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi (Ảnh minh họa)

Với vaccine Pfizer, để tránh nhầm lẫn với vaccine dùng cho người lớn, lọ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam. Trẻ tiêm bắp với liều 0,2 ml; lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần.

Phản ứng sau tiêm chủng:

- Phản ứng rất thường gặp: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm.

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm từ 5-11 tuổi là tại các vị trí tiêm (>80%), kiệt sức (>50%), đau đầu (>30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (>20%), đau cơ và ớn lạnh (>10%).

- Thường gặp: Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm.

- Ít gặp: Nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

- Rất hiếm gặp: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Với vaccine Moderna, sử dụng cho trẻ em cùng loại vaccine sử dụng cho người lớn, tuy nhiên bằng 1/2 liều cơ bản, tương đương 0,25 ml; lịch tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Phản ứng sau tiêm chủng:

- Rất thường gặp: Sưng hạch nách ở cùng bên vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác, đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ 6-11 tuổi là: đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/ đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).

- Thường gặp: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm.

- Ít gặp: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm.

- Hiếm gặp: giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da.

- Rất hiếm gặp: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

- Tần suất không xác định: Phản vệ, quá mẫn, đau bụng.

Theo bà Hồng, để tiêm chủng an toàn, các địa phương phải tuân thủ khám sàng lọc trước tiêm chủng, sử dụng vaccine theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất được Bộ Y tế cho phép với mỗi loại vaccine. Trẻ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 7 ngày đầu.

https://ahadep.com/hai-loai-vaccine-covid-19-nao-tiem-cho-tre-5-11-tuoi-tu-thang-4-20220331231149093.chn