Hoàng Thái hậu Michiko nổi danh là một nàng dâu hoàng gia tài sắc vẹn toàn. Dù xuất thân là thường dân nhưng bà Michiko vẫn được người dân Nhật Bản tôn kính bởi phẩm chất cũng như vẻ đẹp chuẩn mực của bà. Đặc biệt, mối quan hệ căng thẳng giữa bà với mẹ chồng, bà Nagako, thân mẫu Thượng hoàng Akihito từng tốn biết bao giấy mực của báo chí.
Trong mắt truyền thông quốc tế, mẹ chồng Hoàng Thái hậu Michiko (khi ấy là Thái tử phi Michiko) là một người cay nghiệt và hà khắc đã khiến con dâu của mình hứng chịu nhiều áp lực và thậm chí là mất đi giọng nói trong một thời gian dài. Liệu bà Nagako (hay được biết đến với tên gọi Hoàng hậu Kōjun) có phải là bà mẹ chồng trong "truyền thuyết" với tính cách độc ác và tồi tệ hay không?
Bà Nagako (thứ hai từ trái sang) chụp cùng chồng và các thành viên trong gia đình
Người mẹ chồng "cay nghiệt"
Hoàng hậu Kōjun (1903 - 2000) ban đầu được biết đến với tên gọi là Cửu Nhĩ Cung Lương Tử Nữ Vương (Nagako). Cha của bà là Hoàng tử Kuni Kuniyoshi còn mẹ bà là Chikako. Bà Nagako được biết đến là vợ của Tiên đế Hirohito, thân mẫu của Thượng Hoàng Akihito. Nagako cũng là Hoàng hậu cuối cùng của Nhật Bản có xuất thân thuộc dòng dõi hoàng gia.
Theo truyền thông quốc tế, vào thời điểm con trai Akihito kết hôn, Hoàng hậu Nagako không ủng hộ mối hôn sự này. Nguyên nhân bởi vì xuất thân thường dân của Michiko, không xứng đáng với ngôi vị Thái tử phi cao quý. Thậm chí, nhiều báo quốc tế còn đưa tin, chính bà Nagako đã khiến con dâu mới, Thái tử phi Michiko bị suy nhược thần kinh bởi những yêu cầu khắt khe.
Bà Michiko có xuất thân thường dân nên gặp nhiều khó khăn khi về làm dâu hoàng gia
Bà Michiko từng có một thời gian mất đi giọng nói vì chịu nhiều áp lực ở nơi cung cấm. Từ một cô gái có xuất thân thường dân, bà Michiko phải học các quy tắc, tuân theo khuôn khổ, nề nếp của hoàng tộc. Nhất là khi mẹ chồng của bà, Hoàng hậu Nagako, là một mẫu nghi thiên hạ vô cùng chuẩn mực.
Bà Michiko sau khi lên làm Hoàng hậu và sinh cho chồng 3 người con, bà đã có quyết định đầy táo bạo. Bà phá vỡ quy tắc hoàng gia, tự tay nuôi dạy chăm sóc các con thay vì giao cho cung nữ và người hầu cận. Theo truyền thông quốc tế, cũng chính vì làm trái với lễ giáo truyền thống, trở thành một vị Hoàng hậu khác biệt so với trước đây mà không ít lần Michiko đã bị Hoàng Thái hậu Nagako mắng mỏ, chỉ biết im lặng và chịu trận.
Michiko được cho là chịu nhiều áp lực từ mẹ chồng Nagako
Có thể nói rằng, trong mắt người nước ngoài, Nagako là một người mẹ chồng quá cứng nhắc, luôn đày đọa và làm khổ người con dâu tài sắc vẹn toàn Michiko. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, Hoàng Thái hậu Nagako lại là người được dân chúng Nhật Bản tôn sùng và ca ngợi. Bà cũng có quá khứ đầy chông gai và thử thách để sinh tồn trong hoàng cung với đầy rẫy những thị phi cùng luật lệ hà khắc. Trong mắt quốc tế, bà có thể là một mẹ chồng độc ác nhưng với dân chúng Nhật Bản bà là quốc mẫu đáng tôn kính nhất!
Con đường tiến cung đầy chông gai
Khi còn trẻ, bà Nagako theo học Trường nữ sinh ở Tokyo (nay là Gakushūin), đây là một ngôi trường được thành lập chỉ dành riêng cho con gái của tầng lớp quý tộc và hoàng gia. Vào ngày 14/1/1914, khi Nagako mới 11 tuổi, đang học ở trường Gakushūin thì được mời đến Cung điện để tham gia nghi thức trà đạo cùng với các bạn đồng môn.
Đây cũng là cơ duyên để bà gặp gỡ Thái tử Nhật Bản lúc bấy giờ là Hirohito. Thái tử khi ấy không lộ diện mà chỉ đứng nhìn từ xa và ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình với Nagako, một cô bé có phong thái đoan trang và điềm đạm. Tuy nhiên, các triều thần đều không ủng hộ tình yêu này.
Bà Nagako khi còn nhỏ
Vào thế kỷ 19, việc Thái tử Nhật Bản tự ý chọn vợ cho mình là điều trái với truyền thống và Nagako dù có cha là Hoàng tử, bản thân được gọi là Công chúa nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để xứng đáng làm vợ Thái tử. Đầu tiên là việc cha của Nagako xuất thân từ một chi tộc rất nhỏ của hoàng gia. Thứ hai là mẹ của Nagako, bà Shimazu Chikako, chỉ là con gái của một lãnh chúa. Yếu tố quyết định nhất nằm ở chỗ Nagako không có xuất thân từ gia tộc Fujiwara lừng lẫy.
Từ bao đời nay, hầu hết các đời Nhật hoàng đều lấy vợ hoặc tuyển thê thiếp, nữ quan đều từ gia tộc Fujiwara này. Một người như Nagako làm sao xứng đáng lên ngôi Hoàng hậu, trở thành một mẫu nghi thiên hạ? Triều đình đã nổ ra cuộc tranh cãi dữ dội về vị trí Thái tử phi tương lai, người sẽ lên ngôi Hoàng hậu Nhật Bản sau này.
Các đại thần xuất thân từ gia tộc Fujiwara là những người tỏ ra bất mãn nhất. Trong số đó, phản đối kịch liệt hơn cả là Yamagata Aritomo (1838 - 1922), Nguyên soái Lục quân của Nhật Bản, cũng là kẻ thù lâu năm của gia tộc Shimazu bên nhà mẹ của Công chúa Nagako. Bản thân ông này cũng muốn tiến cử con gái mình làm Thái tử phi.
Vào năm 1919, với mưu đồ ngăn chặn việc Nagako trở thành vợ của Thái tử, Yamagata cho xuất bản hàng loạt bài báo với nội dung cáo buộc nhà mẹ đẻ của Công chúa Nagako, gia tộc Shimazu có tiền sử mắc bệnh mù màu. Ông ta nói rằng căn bệnh này sẽ phá hỏng gen di truyền tinh hoa ngàn năm của hoàng gia.
Yamagata Aritomo
Không chỉ vậy, Yamagata còn xúi giục các cận thần khác ép Thái tử Nhật Bản hủy bỏ hôn ước với Công chúa Nagako. Vào thời điểm đó, Nhật hoàng đương triều mắc bệnh nan y nên không can thiệp tới thế sự, mọi quyền quyết định nằm trong tay của Hoàng hậu Teimei (1884 - 1951), người cũng phản đối cuộc hôn nhân này.
Về phần Thái tử Hirohito, bất chấp sự ngăn cản của mẹ đẻ và triều thần, ông vẫn kiên quyết lấy người con gái mình đã yêu từ cái nhìn đầu tiên. Thái tử đã bác bỏ cáo buộc bệnh mù màu của Nagako với bằng chứng là giấy khám sức khỏe của người yêu. Tình yêu của Thái tử và bà Nagako lại nhận được sự ủng hộ của dân chúng, họ xuống đường biểu tình và yêu cầu các bên liên quan không được cản trở mối lương duyên này.
Hoàng hậu Teimei
Dân chúng cũng cáo buộc Yamagata tội bất kính với hoàng gia khi can thiệp quá sâu vào chuyện hôn sự của Thái tử Nhật Bản. Sau sự việc này, Yamagata Aritomo đệ đơn từ chức. Cuối cùng, hôn sự của Thái tử Nhật Bản với Nagako đã được chấp thuận sau một thời gian tranh đấu không ngừng.
Hoàng hậu chuẩn mực nhất
Vào tháng 1/1919, lễ đính hôn của Thái tử Hirohito và Công chúa Nagako đã được diễn ra. Sau đó, Nagako rời khỏi trường nữ sinh và được các gia sư huấn luyện nghiêm khắc về việc làm thế nào để trở thành một mẫu nghi thiên hạ.
Nagako được đánh giá là một học viên xuất sắc khi bà có năng khiếu hội họa, nói được tiếng Anh và tiếng Pháp, thông thạo kinh điển quê nhà. Tài cầm kỳ thi họa của bà Nagako nhận được nhiều lời khen từ cả giáo viên khó tính nhất.
Nagako là người tài sắc vẹn toàn
Tài năng hội họa của Nagako được ghi nhận và đây là hình ảnh về tập tranh do Nagako vẽ
Hôn lễ của Thái tử Nhật Bản với Nagako chính thức diễn ra vào ngày 26/1/1924. Chưa đầy hai năm sau, Hirohito, 24 tuổi, trở thành Thiên hoàng, Nagako lên ngôi hoàng hậu ở tuổi 22. Bà được gọi là Hoàng hậu Kōjun (có nghĩa là hương thơm tinh khiết).
Sau khi kết hôn, Hirohito ban hành sắc lệnh hôn nhân một vợ một chồng, ông từ bỏ hàng chục vị thê thiếp trong cung và chỉ công nhận người vợ hợp pháp duy nhất là Hoàng hậu Nagako. Điều này đã chứng minh tình yêu trọn vẹn mà Hirohito dành cho người vợ yêu của mình.
Thái tử Nhật Bản với Nagako đã vượt qua nhiều chông gai để xây dựng gia đình với nhau
Kể từ đó, Nagako trở thành một Hoàng hậu chuẩn mực nhất: Luôn tôn trọng chồng, không can thiệp vào việc triều chính và hài lòng với vị trí hậu phương cho chồng. Quy định trong cung cấm không phải là vấn đề đối với bà Nagako, cuộc sống của mẫu nghi thiên hạ bình lặng của bà như một điểm sáng trong chốn hậu cung đầy thị phi, đố kị. Và không có gì khó hiểu khi bà Nagako được mẹ chồng yêu quý hết mực.
Khi trở thành Hoàng hậu, bà Nagako rất chú trọng đến phụ nữ và giáo dục của Nhật Bản. Bà cũng được ca ngợi là người có lối sống giản dị và trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Nagako từng tháp tùng Tiên đế Hirohito trong chuyến công du châu Âu năm 1971 và sau đó là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hoa Kỳ năm 1975. Trong các chuyến công du, bà gây ấn tượng mạnh mẽ bởi vẻ đẹp phúc hậu, phong thái đoan trang cùng cách ứng xử đầy khéo léo.
Theo thời gian, Hoàng hậu Nagako ngày càng chinh phục được triều thần và dân chúng
Chỉ yêu mình em
Cũng giống như nhiều nàng dâu hoàng gia khác, bà Nagako không tránh khỏi áp lực phải sinh được người thừa kế. Đến năm 1932, sau khi kết hôn được 8 năm, Hoàng hậu Nagako chỉ sinh được 4 người con gái, trong đó có Công chúa Sachiko, qua đời khi mới 1 tuổi.
Hoàng hậu Nagako sau đó mang thai người con thứ 5 trong tâm trạng lo âu với áp lực bủa vây tứ phía. Thế nhưng, đến cuối năm 1932, bà không may bị sảy thai. Ngay lập tức, các triều thần đã nhân cơ hội này để ép Nhật hoàng Hirohito phải nạp thiếp nhưng ông kiên quyết phớt lờ tất cả.
Giữa lúc không khí căng thẳng dâng cao, Hoàng hậu Nagako mang thai lần thứ 6 và may mắn, bà hạ sinh được một hoàng nam, đó chính là Thái tử Akihito.
Nagako đã có được tình yêu nhất mực chung tình của Nhật hoàng
Vượt qua sóng gió, hôn nhân của vợ chồng Nhật hoàng Hirohito càng thêm khăng khít. Tình yêu gắn bó keo sơn của họ đã trở thành niềm tự hào của người dân Nhật Bản và nhận được biết bao sự ngưỡng mộ, kính phục.
Suốt 60 năm làm vợ của Hirohito, bà Nagako luôn nhất mực thủy chung, tôn trọng chồng và trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của ông. Bà cũng trở thành Hoàng hậu tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản và được lòng dân chúng nhất. Sau khi chồng qua đời vào năm 1989, Nagako trở thành Hoàng Thái hậu.
Vào thời điểm đó, sức khỏe của bà bị suy giảm nghiêm trọng và bà lựa chọn cuộc sống ẩn dật đến cuối đời. Vào năm 2000, bà Nagako trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 97, kết thúc 74 năm làm Hoàng hậu với những nỗ lực hết mình.
Vợ chồng bà Nagako đã có cuộc đời trọn vẹn dành cho nhau
Người mẹ của nhân dân
Nhắc đến Hoàng hậu Nagako, nhiều người nước ngoài thường có ác cảm về bà bởi tất cả những gì họ biết qua truyền thông quốc tế đó là việc bà chỉ là một bà mẹ chồng cay nghiệt, khiến Hoàng hậu Michiko phải sống khổ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, Hoàng hậu Nagako thực sự bị "oan ức".
Đối với người dân Nhật Bản, họ vô cùng kính yêu và sùng bái bà. Họ gọi Hoàng hậu Nagako là "Người mẹ của đất nước Nhật Bản" hay còn gọi là "Bà mẹ quốc dân", một Hoàng hậu bản lĩnh và mạnh mẽ. Trong thời kỳ chiến tranh, bà đã tự tay trồng rau, nuôi gà trong hoàng cung để cải thiện tình trạng thiếu lương thực. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà Nagako tiếp tục giúp đỡ Nhật hoàng phát triển hoàng gia bằng sự kiên trì và bền bỉ của mình.
Hoàng Thái hậu đi xe buýt khi về già
Đến cuối đời bà lựa chọn cuộc sống lặng lẽ. Dù là Hoàng Thái hậu cao quý bà Nagako vẫn di chuyển bằng xe buýt với phong thái giản dị, dễ gần. Sự ra đi của bà đã để lại nỗi mất mát to lớn và niềm tiếc thương vô hạn đối với người dân Nhật Bản. Cả cuộc đời của bà Nagako chưa từng khiến dân chúng phải thất vọng hay phàn nàn về mình.
Người dân Nhật cũng yêu quý Hoàng hậu Michiko, nhưng đối với họ, việc bà Nagako đối xử nghiêm khắc với con dâu thường dân Michiko là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi lẽ chính bà Nagako cũng phải trải qua nhiều thử thách, hứng chịu mọi áp lực để xứng đáng với sự lựa chọn của Nhật hoàng và niềm tin yêu của dân chúng.
Trở thành một nàng dâu hoàng gia và ngồi ở vị trí mẫu nghi thiên hạ, việc bà Nagako kỳ vọng con dâu Michiko có thể đảm đương được trọng trách và trở thành chỗ dựa vững chắc cho Nhật hoàng Akihito là điều hoàn toàn bình thường. Muốn đội được vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó.
Báo chí quốc tế từng gán cho Hoàng hậu Nagako các biệt danh như "mẹ chồng hà khắc", "người phụ nữ cay nghiệt", "mẹ chồng tàn độc" là quá nặng nề. Hoàng hậu Nagako là một người chuẩn mực, quy củ, luôn tôn trọng các quy tắc và luật lệ của hoàng gia nên việc Michiko, một dân thường lên làm Hoàng hậu, là một vấn đề khiến bà không khỏi bận tâm.
Tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan của bà Nagako phù hợp với hoàng tộc thế kỉ 19. Trong khi đó, bà Michiko lại thuộc về lớp trẻ đời sau. Sự cách biệt thế hệ khiến nhiều vấn đề nảy sinh. Tuy nhiên không thể vì chuyện xích mích thường tình giữa mẹ chồng - nàng dâu mà phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực và cố gắng của Hoàng hậu Nagako để rồi gán cho bà những biệt danh xấu xí như vậy.
Nguồn: Tổng hợp