Bếp trưởng Takashi Nakamoto tay thoăn thoắt luộc mì, với những động tác đầy thành thục để làm ra một tô mì udon đặc trưng của quán. Nó uyển chuyển và mượt mà, đến mức người ta dễ dàng bỏ qua một chi tiết nhỏ nơi bàn tay ông: Ngón út bên tay trái đã không còn nữa.
Đó là một bằng chứng để nhắc lại quá khứ đầy khắc nghiệt của Nakamoto. Suốt hơn 3 thập kỷ, ông từng bước đạt được vị thế trong hàng ngũ Kudo-kai - một tổ chức yakuza (dạng băng nhóm tội phạm tựa như mafia của Nhật Bản) từng là một thế lực cực mạnh, cho đến khi từng thành viên bị triệt phá bởi nỗ lực đầy quyết liệt của lực lượng chức năng.
Takashi Nakamoto - một cựu yakuza đã hoàn lương
Nỗ lực ấy đã tạo ra nhiều kẻ "đào tẩu" như Nakamoto - những người muốn tìm cách hoàn lương, làm lại cuộc đời sau khi rời khỏi "gia đình" yakuza vốn vận hành bởi những quy tắc cực kỳ nghiêm ngặt về lòng trung thành. Những người như vậy có thể nhận diện khá dễ, với thân thể xăm kín người và ngón út thường bị chặt bỏ vì một sai lầm mắc phải trong quá khứ.
Suốt nhiều năm, các tổ chức yakuza gần như hoạt động công khai. Cảnh sát chỉ giám sát họ phần nào, bởi hiểu được rằng các tổ chức yakuza sẽ đứng quản lý tội phạm trong khu vực và để cho phần lớn các công dân bình thường được yên. Tuy vậy, quan chức Nhật Bản hiện đang dồn nhiều áp lực lên các Yakuza, sau khi quyền lực của họ trở nên suy yếu.
Trong lúc đang thụ án tù giam cuối cùng vào năm 2015, Nakamoto bắt đầu suy nghĩ về nơi mình sẽ tới. Ông đã mất niềm tin vào tương lai của băng nhóm. Đã đến lúc phải ra đi.
Quán ăn của Nakamoto
"Dù đã rời khỏi thế giới ngầm, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều. Những giá trị cốt lõi thì vẫn như vậy," - trích lời chia sẻ của Nakamoto, hiện đang sở hữu một nhà hàng bán mì udon tại Kitakyushu - thành phố phía nam Nhật Bản, địa bàn hoạt động của Kudo-kai.
"Tôi đã từng sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả chết vì tổ chức," - ông nhớ lại. "Giờ tôi đơn giản chỉ là chuyển phương châm đó vào cuộc sống và hòa nhập vào xã hội bình thường."
Nhưng sự "bình thường" với các cựu yakuza không phải là điều dễ dàng. Họ phải đối mặt với các định kiến của xã hội và những rào cản pháp lý. Một số chương trình từ chính phủ cho phép hỗ trợ tài chính cho những yakuza muốn hoàn lương, nhưng về cơ bản thì đa số các cánh cửa vẫn đóng sầm lại.
Khi yakuza hết thời
Thành viên của các băng nhóm yakuza đang giảm dần về số lượng, sau một thập kỷ nỗ lực đàn áp nhắm đến các tổ chức tội phạm vốn thường xuyên dính vào buôn ma túy, rửa tiền và đánh bạc.
Năm 2011, có khoảng 70.300 yakuza được ghi nhận bởi Tổ chức Chống tội phạm Quốc gia, nhưng đến 2020 chỉ còn 25.900. Xu hướng này giúp cho những thành viên lâu năm như Nakamoto có thể rời bỏ tổ chức một cách an toàn mà không lo sợ bị trả thù.
Satoru Nomura - sếp lớn của Kudo-kai, ông trùm yakuza đầu tiên bị tuyên án tử hình
Ngày 24/8/2021, một tòa án tại Nhật Bản đưa ra bản án tử hình dành cho Satoru Nomura - trùm của Kudo-kai, với tội danh tấn công 4 thường dân và khiến 1 người thiệt mạng. Đây được cho là bản án tử đầu tiên đối với một ông trùm yakuza, mang theo thông điệp ám chỉ thời thế đã thay đổi.
Sau bản án, Nomura hét lên tại tòa: "Các người sẽ phải hối hận đến hết đời." Hiện tại, bản án đang được kháng cáo, còn luật sư của Nomura khẳng định rằng câu nói ấy không nhằm mục đích đe dọa.
"Tôi nghĩ bản án đã có tác động đến thế giới của yakuza, về việc các hạn chế và quy định dành cho họ sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn," - Garyo Okita, một cựu yakuza, hiện đang làm dự án phim liên quan đến thế giới ngầm tại Nhật Bản cho biết.
"Với bản án tử, Kudo-kai sẽ không còn được xem là trường hợp đặc biệt nữa, và mọi yakuza sẽ được coi là mối đe dọa như nhau."
Thời thế thay đổi
Cách đây 1 thập kỷ, các băng nhóm yakuza vẫn còn rất mạnh mẽ - cả về quyền lực lẫn tài chính. Chúng trơ trẽn đến mức khiến chính quyền các địa phương phải ra lệnh cấm doanh nghiệp, thể chế hoặc cá nhân dính líu đến yakuza.
Quy định này đưa ra là để cô lập yakuza khỏi xã hội - theo Noboru Hirosue, chuyên gia tội phạm tại Nhật Bản. Nghĩa là, các thành viên yakuza sẽ không còn được phép mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, mua bảo hiểm, hay thậm chí không thể tự mua điện thoại. Okita - cựu thành viên của băng Yamaguchi-gumi cho biết năm 2014, ngay cả gia đình của các thành viên yakuza cũng bị rất nhiều hạn chế.
Sự thay đổi ấy đã khiến nhiều thành viên cấp cao của các tổ chức yakuza quyết định "gác kiếm" sớm, trong khi thuộc hạ của họ cũng rời đi.
"Điều luật ấy có tác động rất lớn đến thế giới yakuza," - Okita nhận xét.
Nhưng theo Hirosue, sự thay đổi ấy lại dẫn đến làn sóng tội phạm gia tăng bên ngoài mạng lưới của yakuza. Những băng nhóm này chuyển sang các hình thức phạm tội mới, bao gồm lừa đảo người già, tội phạm công nghệ và nhiều hình thức kiếm lời khác từ buôn bán chất kích thích - bao gồm cả thuốc ngủ và morphine.
"Thế giới ngầm của Nhật Bản đang bước sang một giai đoạn mới," - Hirosue cho hay.
Bắt đầu từ con số "âm"
Motohisa Nakamizo - cựu yakuza rời Kudo-kai vào năm 2011 sau khi sếp của băng nghỉ hưu - đã được nhận vào công ty bất động sản do gia đình ông sở hữu. Đây là công việc lương thiện đầu tiên của Nakamizo, sau 30 năm buôn thuốc phiện ở Kudo-kai.
Nhưng những trường hợp được như ông là rất hiếm. Đa số sẽ phải chịu đựng nhiều hạn chế, như một sự trừng phạt cho quá khứ lỗi lầm.
Motohisa Nakamizo
Chẳng hạn, các địa phương đều có quy định cấm các cựu thành viên yakuza làm nhiều việc, chẳng hạn như mở tài khoản ngân hàng hoặc thuê nhà trong vòng 5 năm kể từ khi rời băng. Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp, số lượng cựu thành viên yakuza tìm được việc làm sau khi đăng ký với cảnh sát chỉ là 3% trong giai đoạn 2010 - 2018. Một số vì không có việc đã phải trở về tổ chức, hoặc tìm đến một băng nhóm mới.
"Dù là mãn hạn tù hay rời khỏi một tổ chức yakuza, bạn phải mặc định rằng cuộc sống trong 5 năm đầu tiên sẽ không giống như người bình thường. Người ta thường nói phải bắt đầu lại từ con số 0, nhưng chúng tôi là số âm, và hướng về số 0," - Nakamizo trần tình.
Cũng theo số liệu của Bộ Tư pháp, chỉ 10% cựu yakuza có thể vượt qua 5 năm đầu. Đa số đều quay lại nhúng chàm.
Nakamizo tuyển dụng những cựu yakuza về làm việc, cho họ cơ hội được hoàn lương
"Mong sao xã hội sẽ bớt định kiến và cho những người như vậy một cơ hội," - Nakamizo nói tiếp. "Bởi nếu không, có nghĩa là họ sẽ chẳng còn nơi nào để đi, rồi lại tiếp tục theo con đường sai trái."
Khoảng cách về trình độ giáo dục cũng là một vấn đề nan giải. Như Ryuichi Komura đã rời khỏi băng Yamaguchi-gumi ở tuổi 38. Có điều, với trình độ học vấn dừng lại ở trung học kèm bản án 4 năm tù giam, mọi chuyện không hề dễ dàng.
"Tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường," - Komura bộc bạch. Nhưng cơ hội để tìm được một công việc ổn định là rất thấp. Dù rất hứng thú với ngành luật, nhưng vì là một cựu yakuza, mong muốn trở thành luật sư của Komura có thể xem là không tưởng.
Thay vào đó, ông quyết định tham gia thi lấy bằng trợ lý luật sư. Phải mất 8 năm học và 7 lần thi, Komura mới có thể vượt qua, vào năm 46 tuổi.
Không thể chỉ chờ đợi
Cách đây 20 năm, các thành viên của Kudo-kai đã tông ô tô vào một quán trà tại Kitakyushu. Đây là hành động trả thù, sau khi chủ quán trà là Toshiyuki Tsuji vì không muốn băng nhóm dọn đến ở cạnh nên đã mua luôn tòa nhà mà họ đang nhắm tới.
Thế nên khi Nakamoto muốn mở nhà hàng udon tại khu mua sắm của Tsuji khi vẫn đang trong lệnh cấm kéo dài 5 năm, khó khăn trở nên chồng chất. Nhưng ông sau đó đã làm quen với một vài chủ hàng, thành thật về hoàn cảnh của mình trước kia, sẵn sàng nhặt rác trên đường và tình nguyện phục vụ trong lễ hội hoặc các sự kiện lớn.
Nakamoto trong quán ăn của mình
"Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu bạn chỉ ngồi chờ hết 5 năm vì lệnh hạn chế này. Bạn không thể chỉ ngồi chờ người ta đến giúp mình, phải đứng ra giúp đời trước."
Tsuji cảm thấy ấn tượng. Là người chủ của khu mua sắm, ông chấp nhận cho phép Tsuji mở nhà hàng udon ở đó.
"Bất kỳ ai đến gặp tôi, dù là một cựu yakuza, tôi cũng sẽ lắng nghe trước, nhìn thẳng vào mắt để đánh giá sự chân thành và nghiêm túc," - Tsuji chia sẻ. "Ai cũng xứng đáng có sự tự do cơ bản để làm việc."
Những ngày bình thường, quán ăn của Nakamoto có một lượng khách ổn định tới ăn trưa. Hiện tại ông vẫn tình nguyện trợ giúp các lễ hội, tự tay quét dọn đường phố mà chẳng cần ai yêu cầu.
Khi làm việc, ông đeo một chiếc găng dài để che đi những hình xăm không nên phô ra. Nhưng ông chẳng hề giấu diếm quá khứ của mình. Trong quán có dán một bài báo về câu chuyện cuộc đời của ông, và trong nhà vệ sinh có bày những cuốn manga với nội dung về một cựu sếp yakuza trở về làm ông chồng nội trợ - tựa truyện đang rất ăn khách tại Nhật Bản.