Khủng hoảng lạm phát đang làm điêu đứng nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ ở các nước phương Tây mà cuộc khủng hoảng này còn lan sang cả châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Truyền thông địa phương mới đây đưa tin rằng nhóm người có thu nhập hạn chế đang phải sống phụ thuộc vào những bếp ăn từ thiện để cầm cự qua ngày.
“Những ngày này, mọi thứ đều đắt đỏ, nhiều khi tôi chỉ uống nước thay cho bữa sáng. Phải làm gì bây giờ khi giá cả đều tăng? Những người như chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi và quan sát”, một người dân cho biết.
Chiều 6/4, hàng trăm người lớn tuổi và người vô gia cư đã xếp hàng bên ngoài một bếp ăn từ thiện gần Ga Seoul để nhận thức ăn trợ cấp từ một nhà thờ địa phương. Trong khi chờ đợi để nhận phần ăn của mình, một người đàn ông họ Cho (77 tuổi) than thở về giá thực phẩm tăng cao gần đây: “Trước đó, tôi thường đến đây mỗi tháng một lần, nhưng giờ thì tôi không thể làm như vậy nữa. Các bữa ăn bây giờ của tôi chủ yếu là ở đây”.
Một người họ Kim (69 tuổi) đứng cùng hàng cũng chia sẻ những lo lắng tương tự: “Vì giá thực phẩm đắt đỏ nên tôi gặp khó khăn khi mua đồ ở cửa hàng tạp hóa. Mặc dù sức khoẻ không được tốt nhưng tôi vẫn đến đây để kiếm chút đồ ăn nhẹ”.
Người dân xếp hàng để hưởng bữa ăn trợ cấp
Đến 12 rưỡi chiều, các tình nguyện viên đã phân phát hết khoảng 250 phần ăn trưa gồm các món như chuối, cơm cuộn, mì gói và nước uống chỉ sau 10 phút. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng 3 đã tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng lớn nhất trong 10 năm và 3 tháng. Giá cả tăng vọt khiến người dân Hàn Quốc lo lắng. Đặc biệt, những nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn nói rằng giá thực phẩm chế biến sẵn (6,4%) và đồ ăn ngoài (6,6%) tăng khiến họ càng chật vật kiếm sống hơn.
Cùng ngày, một ngân hàng thực phẩm ở Seoul cũng nhộn nhịp khách đến tìm đồ ăn. Ông Hwang (65 tuổi), người nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ, chia sẻ: “Trong khoản tiền để dành chi tiêu, tôi chỉ có khoảng 400.000 won (hơn 7 triệu đồng) để sử dụng mỗi tháng, nhưng giá bắt đầu tăng vào năm ngoái và sau đó vượt quá những gì tôi có thể chi trả nên bây giờ đi chợ cũng chẳng mua được gì. Vì xương bò vụn rẻ nên tôi thường mua một ít và tự chế biến món gì đó để ăn. Tôi thậm chí chẳng thể mơ đến việc mua những mặt hàng nông sản”.
Một số người khác tìm đến ngân hàng thực phẩm cũng nói rằng số lương hưu ít ỏi của họ giờ cũng không đủ để mua một mớ rau chân vịt vì giá đã tăng quá nhiều. Có những ngày, một bữa ăn của họ chỉ đơn giản là một hộp sữa.
Các tổ chức cung cấp thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn cũng cảm thấy gánh nặng đè trên vai khi chi phí nguyên liệu tăng lên. Koh Young-bae, giám đốc bếp ăn từ thiện Wongaksa gần Công viên Tapgol cho biết: “Chi phí hàng tạp hóa tăng 11% từ 18 triệu won lên 20 triệu won mỗi tháng. Khí đốt và điện cũng tăng trong khi hỗ trợ tài chính thì giảm do tình hình dịch bệnh cộng thêm việc giá thị trường leo thang”.
Park Jong-beom, trưởng nhóm tiếp cận cộng đồng tại tổ chức Dail, nơi điều hành chương trình ăn trưa miễn phí ở khu vực lân cận ga Cheongnyangni, chia sẻ: "Chi phí phân phát bữa ăn đã tăng hơn 1.000 won so với giá ban đầu là 3.500 won mỗi bữa. Ngoài ra, chi phí tích lũy cũng trở thành một gánh nặng".
Người cao tuổi Hàn Quốc gặp khó khăn giữa thời kỳ lạm phát
Một quan chức làm việc tại một trung tâm cộng đồng dành cho trẻ em ở tỉnh Gyeonggi cũng chia sẻ mối lo ngại của họ về việc giá lương thực tăng.
Vị cán bộ này cho biết: “Do giá thực phẩm chế biến sẵn, các loại rau, củ, quả, gạo đều tăng nên sáng nào tôi đi chợ mua hàng cũng thấy sửng sốt. Cũng bởi điều kiện ngân sách hạn hẹp, chất lượng bữa ăn của những đứa trẻ chắc chắn sẽ giảm, chẳng hạn như giảm số lượng trái cây hoặc thay thế các sản phẩm trong nước bằng các sản phẩm nhập khẩu”.
Các quán ăn giá rẻ dành cho học sinh, sinh viên và những người có nguồn thu nhập hạn chế cũng chịu ảnh hưởng theo tình hình chung. “Gần đây, chúng tôi đã phải tăng giá thêm 500 won và phiếu giảm giá “mua 10 tặng 1” lên 300 won cho mỗi bữa ăn", một chủ quán ăn phục vụ cho các sinh viên ở khu phố Sillim của Seoul trong 6 năm qua đã chia sẻ.
Giá bữa ăn tại căng tin các trường đại học cũng không phải ngoại lệ. Một sinh viên 25 tuổi theo học tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết họ thường ăn trưa tại trường hoặc các nhà hàng gần đó, nhưng giờ thì mọi thứ trở nên khó khăn hơn . “Giá tại nhà ăn của trường đại học đã tăng từ 4.000 won lên 6.000 won. Điều này khiến chúng tôi quan ngại không biết phải tìm bữa ăn hàng ngày ở đâu”, một người dân chia sẻ thêm.
Không ai rõ tình trạng lạm phát này sẽ kéo dài đến bao giờ. Hiện tại, một bộ phận người dân nói rằng việc được ăn no để sống qua ngày đã là một điều may mắn lắm rồi, không thể đòi hỏi gì hơn.
Nguồn: Hani English