Người dân tại Mỹ đang phải chi trả nhiều hơn cho các vật dụng hàng ngày, lái xe ít hơn để có thể tiết kiệm xăng, chuyển đến ở các căn hộ rẻ hơn và trì hoãn các kỳ nghỉ vì sự tăng trưởng của lạm phát đạt ngưỡng cao nhất trong 40 năm.
Cuộc khủng hoảng đẩy giá cả lên với tốc độ chóng mặt và đã sang tháng thứ ba liên tiếp lạm phát tại đây vượt quá tỷ lệ hàng năm là 6%. Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng cùng với nhu cầu gia tăng tiếp tục là nguyên nhân khiến giá nhiên liệu, tiền thuê nhà, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác leo thang.
Giá thực phẩm tăng vọt chỉ trong 1 tuần
Giá cả tăng ảnh hưởng đến người dân Mỹ nói chung nhưng nặng nề nhất phải kể đến tầng lớp những người có thu nhập thấp và có hoàn cảnh nghèo khó.
Theo Khảo sát Chi tiêu Người tiêu dùng của Bộ Lao động, 1/5 người Mỹ có thu nhập thấp đã phải chi trả 83% thu nhập của mình cho nhà ở và có thể sẽ không đủ khả năng khi giá thuê tăng, chưa nói đến nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Cục Dự trữ Liên bang hiện đang chuẩn bị tăng lãi suất với hy vọng kiềm chế giá tăng vọt. Tuy nhiên với tình hình lạm phát trên toàn thế giới, vẫn còn phải phụ thuộc xem liệu Ngân hàng Trung ương có thể vượt qua đợt khủng hoảng này hay không.
Tại một cửa hàng tạp hóa ở Manhattan, một nhân viên kế toán 50 tuổi tên là Edward, cho biết ông nhận thấy giá cam đã tăng từ 1,29 USD vào đầu tháng 3 lên 1,59 USD vào ngay cuối tuần đó. Trả lời về lý do đột ngột tăng giá, quản lý cửa hàng đã nói rằng vì giá nhiên liệu dầu diesel cho xe tải giao hàng tăng nên giá cam cũng tăng theo.
Khi được hỏi nên đổ lỗi cho ai về tình hình hiện nay, Edward nói: "Tất cả mọi người và không ai cả. Đó là tình hình chung của thế giới. Giá cao hơn ở mọi nơi, nhưng cái gì tăng lên thì rồi cũng sẽ phải giảm". Theo một cuộc thăm dò của Gallup được thực hiện vào đầu tháng trước, đa số người dân Mỹ nói rằng họ không hài lòng với hướng đi của đất nước trong thời điểm hiện tại và mối quan tâm kinh tế lớn nhất của họ là lạm phát gia tăng.
Lạm phát đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân Mỹ.
Ở Los Angeles, Kathy Huang, 35 tuổi, cho biết gần đây cô phải chuyển đến một căn hộ rẻ hơn vì không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà đang tăng cao. Giá thuê căn hộ hai phòng ngủ mà cô sống trước đây đã tăng từ 2.750 đô la một tháng lên hơn 3.200 đô la một tháng.
"Mọi thứ bây giờ đều quá đắt, thức ăn, xăng, mọi thứ. Hóa đơn hàng tháng của tôi đã tăng từ khoảng 500 đô la lên hơn 700 đô la", người phụ nữ này cho hay. Giá tiêu dùng trong tháng 1 đã tăng 6,1% so với một năm trước đó, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang.
Từ thực phẩm cho đến xăng dầu và ô tô, lạm phát đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, người dân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang phàn nàn về những khó khăn xảy ra trong cuộc sống của họ.
Suốt nhiều năm, những người dân New York muốn có một bữa ăn rẻ có thể mua một miếng bánh pizza với chỉ 1 đô la. Giờ đây khi lạm phát tăng cao, ngay cả miếng bánh giá rẻ cũng chịu tác động khi nhiều cửa hàng pizza nổi tiếng của thành phố đang phải tăng giá để chống chọi lại được với những chi phí khác.
Tại San Francisco, giá xăng đang tăng chóng mặt. Giá xăng ở đây thuộc một trong những nơi cao nhất cả nước, đã tăng 37,2% trong năm. Theo một cuộc khảo sát, nhu cầu khí đốt tăng cùng với việc giảm tổng nguồn cung khiến giá xăng tăng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa sẽ đẩy giá thành lên cao hơn nữa.
Lạm phát tác động đến cả…những chiếc bánh sandwich
Rebecca Nicholson, sinh sống tại vịnh Sturgeon, phải trả nhiều hơn cho mỗi chiếc bánh sandwich so với chỉ vài tháng trước. Đó chỉ là một phần trong những gánh nặng đang đặt lên ngân sách của cô ấy và những người khác khi tỷ lệ lạm phát tăng lên.
Nicholson nói: “Thu nhập của tôi có thể chi trả đủ các loại phí hàng ngày miễn là tôi không có một số chi phí bất ngờ như sửa chữa ô tô. Máy nước nóng của tôi vừa bị hỏng cách đây một tháng và đó là lúc mọi thứ trở nên thực sự căng thẳng hơn”.
Khi giá của mọi thứ, từ thực phẩm, xăng dầu đến quần áo đều tăng, Nicholson đã phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn để sinh sống qua ngày. “Có lúc tôi đã phải đưa ra quyết định đầy thách thức đó là từ bỏ một số khoản chi tiêu rồi cố gắng bắt kịp sau một tháng. Mọi thứ đã thực sự rất khó khăn”, Nicholson cho biết những thách thức lớn nhất đối với ngân sách của cô chính là giá thực phẩm và xăng dầu.
Người dân Mỹ giờ đây cũng phải học cách tiết kiệm ngay từ những lát bánh mỳ giá rẻ.
Christina Studebaker tại United Way of Door County chia sẻ rằng lạm phát ảnh hưởng lớn đến những người có thu nhập hạn chế. “Rất nhiều người, đặc biệt là những người không quá khó khăn về tài chính, họ nghĩ rằng mọi thứ đã trở lại bình thường”, cô nói. Cùng với tác động lâu dài của đại dịch, Studebaker cho rằng có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để mọi người có thể phục hồi sau những khủng hoảng kinh tế.
“Những người này không có quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Chỉ cần một tai nạn hay sự cố y tế nào xảy ra cũng khiến họ có thể rơi khủng hoảng tài chính. Khi ở trong tình huống đó, họ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn. Giữa việc trả tiền thực phẩm với tiền thuốc men thì bạn sẽ chọn gì? Mọi người thường sẽ lựa chọn cắt giảm thuốc men”, Christina Studebaker nói thêm.
Tổ chức phi lợi nhuận United Way đã dự đoán trước được những tác động của lạm phát. Đó là nơi Nicholson làm việc với tư cách là người kết nối cộng đồng. Cô không nghĩ rằng áp lực lạm phát sẽ sớm giảm bớt. “Tôi có lẽ không đơn độc trong chuyện này khi tôi muốn nó kết thúc ngay lập tức”, Nicholson nói.
Nguồn: Spectrumnews1