Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 78,89 triệu ca mắc và hơn 937.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 72.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Trong bối cảnh số trường hợp mắc COVID-19 tiếp tục giảm, một số bang ở Mỹ đang chuẩn bị dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang. Theo đó, tại bang California, những người đã được tiêm chủng sẽ không còn bị yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà bắt đầu từ tuần tới, nhưng những người chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải đeo khẩu trang trong nhà.
Còn tại bang New York, quy định về đeo khẩu trang trong nhà sẽ được bãi bỏ vào ngày 10/2, nhưng vẫn áp dụng đối với các trường học. Bang Illinois cũng công bố kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà của bang vào cuối tháng 2 này, dù dự định giữ nguyên quy định này cho một số trường học.
Bất chấp những thay đổi sắp tới ở cấp bang, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, cơ quan này hiện không có kế hoạch nới lỏng hướng dẫn đeo khẩu trang. CDC đã khuyến cáo rằng bất kỳ người dân Mỹ trên 2 tuổi và chưa được tiêm chủng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà. Ngoài ra, CDC cũng cho rằng, những người đã được tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà ở những khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi sớm nhất vào ngày 21/2 tới. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét cho phép sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech để tiêm cho nhóm tuổi này. Các cố vấn cho FDA dự kiến sẽ họp vào ngày 15/2 tới để thảo luận xem có nên đề xuất cơ quan quản lý cấp phép cho vaccine này hay không.
Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, nhóm tuổi duy nhất chưa đủ điều kiện tiêm, sẽ bắt đầu chưa đầy một tuần sau cuộc họp này. Đợt tiêm đầu tiên bắt đầu từ ngày 21/2 sẽ ưu tiên cho các khu vực trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Trong một nghiên cứu mới của các nhà khoa học của Đại học Missouri (Mỹ), họ đã tìm thấy những đột biến "bí ẩn" của virus SARS-CoV-2 trong nước thải ở thành phố New York. Các đột biến này chưa bao giờ được ghi nhận lây lan trên người mắc COVID-19 trước đây. Chuyên gia của Đại học Missouri cho biết, hiếm khi tìm thấy trong nước thải một biến thể của virus chưa từng lây lan ở người, nhưng các biến thể như vậy đã được tìm thấy ở nước thải của New York. Hiện Mỹ đang triển khai 400 điểm xét nghiệm nước thải trên toàn quốc để sớm phát hiện những ổ lây nhiễm trong cộng đồng và các loại biến thể mới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 10/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,47 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 506.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ, người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron. Người có hệ miễn dịch lai là người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sau khi từng mắc và khỏi bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu được tiến hành trong vòng 1,5 năm với 2.000 bệnh nhân, người được tiêm vaccine sau khi khỏi COVID-19 phát triển hệ miễn dịch lai có khả năng kháng virus hữu hiệu, với phản ứng miễn dịch mạnh gấp 30 lần so với hiệu quả của việc tiêm 2 mũi vaccine. Mở rộng nghiên cứu đối với biến thể Omicron, kết quả cho thấy, người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron còn hơn cả người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Theo nhóm nghiên cứu, đây chính là nguyên nhân giúp Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong giảm mạnh trong làn sóng dịch thứ 3.
Ấn Độ đã nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách quốc tế, theo đó khách quốc tế đến nước này sẽ không phải cách ly bắt buộc tại nhà trong 7 ngày hoặc tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong ngày thứ 8 sau khi đến Ấn Độ. Theo hướng dẫn sửa đổi về đi lại quốc tế do Bộ Y tế mới công bố, có hiệu lực từ ngày 14/2 tới, Ấn Độ cũng xóa bỏ việc phân biệt những quốc gia "có nguy cơ" và các quốc gia khác, do đó sẽ không bắt buộc khách quốc tế từ những quốc gia "có nguy cơ" phải lấy mẫu xét nghiệm tại điểm đến và chờ cho đến khi nhận được kết quả.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 635.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 26,96 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Việc tiêm vaccine COVID-19 ở các quốc gia châu Phi đang bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới (Ảnh: AP)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ tăng chi tiêu để thúc đẩy tiêm chủng ở các quốc gia châu Phi đang bị tụt lại vì thiếu nguồn cung vaccine. Phát biểu trong chuyến thăm tới Senegal, bà von der Leyen cho biết, EU sẽ chi thêm 125 triệu Euro để giúp các nước châu lục này đào tạo kỹ năng cho lực lượng y tế và nhân viên tiêm vaccine. Trước đó, EU đã cam kết khoản hỗ trợ 300 triệu Euro cho chương trình này.
Các nước châu Phi đã bắt đầu các chiến dịch tiêm phòng chậm hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước giàu. Cho đến nay, chỉ có khoảng 10% người châu Phi được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ngay trong tháng 2 này, nước Anh có thể sẽ bãi bỏ quy định yêu cầu người mắc COVID-19 tự cách ly sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức ổn định. Thủ tướng Anh khẳng định, nếu dịch bệnh tiếp diễn theo xu hướng ổn định như hiện nay, Chính phủ nước này sẽ có thể quyết định chấm dứt tất cả những biện pháp hạn chế còn lại tại Anh, trong đó có quy định về việc tự cách ly nếu mắc bệnh.
Trong khi đó, giới khoa học Anh cho rằng, việc bỏ quy định tự cách ly với bệnh nhân COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người già, trẻ em, và người có bệnh lý nền. Từ cuối tháng 1 vừa qua, Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Thụy Điển đã dỡ bỏ gần như tất cả hạn chế COVID-19 ngay cả khi hệ thống y tế vẫn đang chịu áp lực lớn. Bộ trưởng Bộ Y tế nước này tuyên bố, COVID-19 sẽ không còn được coi là mối nguy hiểm cho xã hội, bất chấp các chuyên gia y tế nước này khuyến cáo, quyết định trên là quá vội vàng.
Theo tờ The Straits Times, các quán bar và nhà hàng ở Thụy Điển đã được phép mở cửa sau 23h hàng ngày và không giới hạn số lượng khách. Thụy Điển cũng dỡ bỏ các giới hạn người tham dự các sự kiện lớn trong không gian kín và bãi bỏ yêu cầu về giấy chứng nhận tiêm chủng. Hiện Thụy Điển ghi nhận khoảng 2.200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị, còn số ca mắc trong cộng đồng không xác định được chính xác do chương trình xét nghiệm diện rộng đã ngừng từ đầu tháng 2 này. Thụy Điển là quốc gia trong suốt đại dịch đã chọn cách không đóng cửa và ủng hộ sự tự nguyện phòng dịch của người dân.
Australia đã quyết định cấp phép tạm thời việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca làm liều tăng cường. Đến nay, Australia đã cấp phép sử dụng 3 loại vaccine để tiêm mũi tăng cường cho người đủ 18 tuổi gồm vaccine của Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Riêng vaccine của Pfizer được chấp thuận sử dụng cho nhóm tuổi từ 16 trở lên. Như vậy, những người không phù hợp với loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA sẽ có thêm lựa chọn. Quyết định mới của Australia nhằm mục đích gia tăng tỷ lệ bao phủ vaccine trong bối cảnh hàng chục nghìn người mắc bệnh mỗi ngày tại nước này.
Indonesia vừa khởi động việc thử nghiệm lâm sàng vaccine nội địa Merah Putih. Theo Bộ Y tế nước này, vaccine nội sẽ được sử dụng để tiêm mũi tăng cường và cho trẻ em từ 3 - 6 tuổi. Hiện tại, Indonesia không có nhiều loại vaccine có thể sử dụng cho trẻ em ngoài Sinovac và Pfizer.
Indonesia còn có kế hoạch tài trợ vaccine nội Merah Putih cho một số quốc gia, qua đó mở rộng phạm vi sử dụng loại vaccine nội địa này ra quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, nước này cần đăng ký vaccine Merah Putih với Tổ chức Y tế Thế giới để thử nghiệm lâm sàng và tiêm tăng cường trước khi loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi và được sử dụng để viện trợ cho các nước châu Phi.
Ngày 10/2, Tổng Vụ trưởng Vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir, cho biết, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể sẽ đạt đỉnh trong 2-3 tuần tới. Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng ở Indonesia do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, trong ngày 9/10, nhiều người phải nhập viện với các triệu chứng rất nặng. Ông Kadir khuyến cáo người dân cần thận trọng và cảnh giác, đặc biệt là những người cao tuổi, người chưa tiêm phòng COVID-19 và trẻ em.
Theo số liệu của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, trong ngày 10/2, nước này ghi nhận 40.618 người mắc mới, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch đến nay lên trên 4,66 triệu trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong tăng 74, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 144.858 trường hợp. Cho đến nay, 48,5% dân số đủ điều kiện ở Indonesia đã hoàn thành tiêm hai mũi vaccine liều cơ bản, tương đương 133 triệu người.
Ngày 10/2, Philippines ghi nhận 4.575 ca mắc mới (Ảnh: AP)
Ngày 10/2, Philippines đã chào đón khách du lịch nước ngoài trở lại sau gần hai năm đóng cửa biên giới để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Du khách nước ngoài đến từ 157 quốc gia có thỏa thuận miễn thị thực với Philippines, đã được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính với COVID-19 sẽ được phép nhập cảnh. Đây là một trong những nỗ lực của nước này nhằm vực lại ngành du lịch và các ngành liên quan trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đã giảm bớt.
Ngày 10/2, Philippines ghi nhận 4.575 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng trên 3,6 triệu người đã nhiễm COVID-19 với hơn 54.700 trường hợp thiệt mạng ở quốc gia này.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia vừa ban hành quy định nhằm ứng phó tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này tăng 3 chữ số ngày thứ 6 liên tiếp. Chính quyền Phnom Penh ghi nhận trong vài ngày qua, một số người dân không tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như không đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách, không rửa tay sát khuẩn, tụ tập đông người tại các đám cưới, lễ hội, nhà hàng, chợ và các điểm vui chơi giải trí.
Ngày 10/2, Campuchia ghi nhận 262 ca mắc mới COVID-19 và tất cả đều là các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 26 người nhập cảnh.
Nhà chức trách Thái Lan đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19 vào dịp Lễ tình nhân (14/2) trong tuần tới và Tết Songkran trong tháng 4 do số ca mắc mới trong một ngày liên tục vượt ngưỡng 10.000 trong những ngày qua. Ngày 10/2, Thái Lan ghi nhận 14.822 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua kể từ ngày 11/9/2021. Nước này cũng ghi nhận thêm 20 trường hợp tử vong vì COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan có tổng cộng trên 2,54 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 22.300 người không qua khỏi.
Nhằm giảm tải cho hệ thống y tế, bắt đầu từ ngày 10/2, các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ ở Hàn Quốc sẽ phải tự điều trị. Hiện số ca mắc mới do biến thể Omicron gây ra tiếp tục tăng cao tại nước này.
Theo quy định mới, chính quyền sẽ chỉ chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 từ 60 tuổi trở lên hoặc các bệnh nhân có bệnh lý nền. Các bệnh nhân khác sẽ tự theo dõi và tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ các phòng khám được chỉ định nếu tình hình bệnh xấu đi. Ngoài ra, bộ dụng cụ y tế bao gồm thiết bị đo độ bão hòa oxy, nhiệt kế và thuốc hạ sốt trước đây dành cho tất cả bệnh nhân tự điều trị tại nhà giờ sẽ chỉ được phân phối cho các nhóm ưu tiên. Những người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng bây giờ sẽ phải tự mua bộ dụng cụ này.
Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh vào ngày 9/2, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn 54.000 người. Ngày 10/2, Hàn Quốc báo cáo 54.113 trường hợp nhiễm mới.
Tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đang tăng mạnh trong nhóm người lớn tuổi tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 mới tại đây tăng nhanh.
Với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại biên giới, Hong Kong đã thành công trong việc ngăn COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động trong gần 2 năm qua. Điều này khiến nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm, đặc biệt là trong nhóm người lớn tuổi, trong đó nhiều người có hoàn cảnh kinh tế kém, đi lại khó khăn và ít quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại. Tuần này, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố, ưu tiên hiện nay là tiêm phòng COVID-19 cho nhóm người lớn tuổi và đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 90% nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện.
Người trên 65 tuổi từng mắc COVID-19 trong vòng một năm có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tim mạch, thận, phổi, gan và các bệnh tâm thần. Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí y khoa BMJ của Hiệp hội y khoa Anh.
Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc các bệnh khác đối với nhóm người trên tăng 50% trong vòng một năm sau khi mắc COVID-19. Lý do là bởi virus SARS-CoV-2 làm giảm hệ miễn dịch cơ thể. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, 32% số người lớn tuổi mắc COVID-19 sau đó đã mắc ít nhất một bệnh khác, buộc họ phải thăm khám bác sĩ trong nhiều tháng. Nghiên cứu khẳng định, sau đại dịch, số người từng mắc COVID-19 bị mắc các bệnh khác sẽ tiếp tục tăng lên.