Nhà có người lớn tuổi đang điều trị ung thư, con cháu cầu chú ý gì khi các cụ tiêm vaccine?

Với người lớn tuổi đang điều trị ung thư, do hệ miễn dịch đã suy giảm nên cần chọn đúng thời điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 để giảm thiểu nhiều rủi ro không đáng có.

Người lớn tuổi là nhóm người có hệ miễn dịch kém hơn, khi đã mắc ung thư thì còn phải trải qua quá trình phẫu thuật, tia xạ, hóa chất… hoặc dùng một số thuốc để điều trị. Nếu vừa bị ung thư lại vừa mắc COVID-19 thì hệ thống miễn dịch lại càng dễ suy yếu hơn, từ đó còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bị ung thư bất kể là người trẻ hay người lớn tuổi cũng cần được ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt.

Người cao tuổi có bệnh lý nền tiêm vắc-xin COVID-19 liệu có đáng lo hơn những người khác?

Trước khi tiêm thì người bị ung thư cần lưu ý điều gì? Giữa nhóm người đang điều trị và đã điều trị có điều gì khác biệt hay không?

Nhà có người lớn tuổi đang điều trị ung thư, con cháu cần chú ý gì khi các cụ tiêm vaccine? - Ảnh 2.

PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo chia sẻ từ PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết:

"Người bệnh đang điều trị, ví dụ vừa phẫu thuật hay điều trị hóa chất hoặc tia xạ thì lúc này hệ thống miễn dịch đang vô cùng kém. Đây là lúc cơ thể không đủ điều kiện để tiêm vaccine và người ta gọi giai đoạn này là giai đoạn cấp. Giai đoạn này chưa ổn định nên các bác sĩ cũng sẽ không chỉ định người bệnh tiêm ở thời điểm này.

Còn với những người bệnh ung thư đã điều trị ổn định, bác sĩ sẽ xếp vào nhóm người ở giai đoạn ổn định, cần phải đi tiêm vaccine ngay.

Thực tế, không có một loại vaccine nào trên thế giới tốt hơn hay an toàn hơn loại vaccine nào. Bất kể loại vaccine nào cũng có thể được tiêm cho người mắc bệnh ung thư kể cả là già hay trẻ, miễn là họ đang ở giai đoạn ổn định".

Sau khi tiêm, người bị ung thư cần kiêng khem gì hay không?

Sau khi tiêm, nếu đang ở giai đoạn yên ổn rồi thì không cần kiêng khem gì. Nhưng cũng cần lưu ý một vấn đề là, trên thế giới thì các nhà khoa học đã khuyến cáo riêng với trường hợp người mắc ung thư vú có thể gặp phải phản ứng sốt hoặc nổi hạch. Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên nhưng vẫn có thể khiến nhiều người lo lắng về nốt hạch này.

Nhà có người lớn tuổi đang điều trị ung thư, con cháu cần chú ý gì khi các cụ tiêm vaccine? - Ảnh 3.

Chúng ta có thể lưu ý nếu bị ung thư ở bên phải thì nên chọn tiêm vaccine bên tay trái để loại trừ phản ứng ở hạch cùng bên vết tiêm. Thường thì hạch nổi sau tiêm vaccine sẽ chỉ tồn tại khoảng một vài tuần. Nếu sau vài tuần không hết thì nên đi khám để thông báo với bác sĩ về hiện tượng tồn tại lâu của hạch viêm, từ đó giúp dự phòng và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ.

Uống nước dừa sau khi tiêm vaccine COVID-19 có đúng hay không? Liệu người đã điều trị ung thư có thể uống nước dừa hay không?

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh nói rằng: "Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên dừa cũng là một loại nước uống yêu thích của người dân ta. Nước dừa ngọt và sạch, chứa nhiều năng lượng và có một chút chất điện giải. Do đó, các bác sĩ thường khuyên sau khi tiêm vaccine nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi.

Tuy nhiên, có một lưu ý là người mắc ung thư sau khi tiêm vaccine cũng không nên uống nhiều dừa quá. Bởi bản thân nước dừa có thể gây đầy bụng, uống 1 - 2 quả là vừa đủ. Ngoài ra, người già mắc bệnh đái tháo đường nếu uống nước dừa nhiều có thể làm tăng đường huyết trong cơ thể".

Vậy chế độ dinh dưỡng để những người đã và đang điều trị ung thư nâng cao sức đề kháng là gì?

Với người mắc bệnh ung thư, chắc hẳn đã biết các loại thực phẩm có đề kháng chống oxy hóa như rau xanh, hoa quả. Có thể ăn theo kiểu salad sẽ giữ được nhiều vitamin như vitamin B, C. Đặc biệt, nên ăn theo phương pháp hấp hoặc luộc để giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng dồi dào trong rau xanh.

Nhà có người lớn tuổi đang điều trị ung thư, con cháu cần chú ý gì khi các cụ tiêm vaccine? - Ảnh 4.

Còn với hoa quả tươi nên ăn cắt nhỏ, rải rác chứ không nên ăn quá nhiều. Người mắc ung thư cũng nên kiêng ăn chất đường nhiều, có thể ăn những loại quả chống oxy hóa cao như dưa hấu, thanh long, táo…

Nếu muốn tăng sức đề kháng thì có thể ăn đa dạng mỗi loại một chút để bổ sung đủ lượng vitamin A, B, C, D, E và các vi chất. Như vậy sẽ tốt hơn là ăn thiên lệch một loại thực phẩm nào đó nhất định!

Nhà có người lớn tuổi đang điều trị ung thư, con cháu cần chú ý gì khi các cụ tiêm vaccine? - Ảnh 5.