Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình

Nhật Ký Tự Do Của Tôi không chỉ đơn giản là một thước phim mà như một người bạn để người xem có thể thủ thỉ, tâm tình...

Có diễn viên, có bối cảnh, có cốt truyện nhưng Nhật Ký Tự Do Của Tôi (My Liberation Notes) không chỉ dừng lại ở một bộ phim. Nó giống như một áng văn với những câu chữ có sức nặng rất lớn và hàng loạt hình ảnh ẩn dụ mà tưởng chừng chỉ cần “bốc bừa” cũng có thể thấy một phần bản thân trong đó.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 1.

Nó giống như một áng văn với những câu chữ có sức nặng rất lớn và hàng loạt hình ảnh ẩn dụ mà tưởng chừng chỉ cần “bốc bừa” cũng có thể thấy một phần bản thân trong đó.

LỆ

Về những con người bị mắc kẹt

Những ngày đầu mới lên sóng, Nhật Ký Tự Do Của Tôi được biết đến với danh xưng mỹ miều “phim dành cho người hướng nội” chỉ vì một câu thoại của nhân vật Park Sang Min (Park Soo Young), đại ý rằng anh ta muốn được hướng nội một cách yên bình. Đáng tiếc, khái niệm này lại chẳng đúng cho lắm, thậm chí vì nó mà chẳng ít khán giả đã quy chụp và hiểu lầm rằng phim đang bi kịch hóa “người hướng nội”, biến họ trở thành những kẻ u uất, đau khổ tới độ tiêu cực.

Công bằng mà nói, Nhật Ký Tự Do Của Tôi không phải phim về người hướng nội, ngoài Park Sang Min thì mỗi người lại là một câu chuyện riêng, nhưng tựu chung lại thì tất cả đều bị “mắc kẹt”.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 3.

“Tôi muốn tự do. Tôi muốn được giải phóng. Tôi không biết mình bị mắc kẹt ở đâu nhưng tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Không có gì trong cuộc sống khiến tôi thoải mái. Tôi cảm thấy bị tù túng và ngột ngạt. Tôi muốn được tự do.” - Mi Jeong.

Dù chỉ là lời thoại của một nhân vật nhưng lời thoại này lại như bao hàm cả nội dung phim, về câu chuyện của những con người dành quá nhiều thời gian trong đời để sống trong “vách ngăn” của chính mình.

Mi Jeong không hề hướng nội, chỉ là cô ấy không biết cách để vượt ra khỏi nội tâm dằn vặt của chính mình. Không đến mức khao khát tình yêu như chị Ki Jung cũng chẳng tới độ ám ảnh vấn đề dân tỉnh lẻ như anh Chang Hee, Mi Jeong gặp phải mọi vấn đề mà tất cả các nhân vật đều đang gặp phải, chỉ là mọi thứ đều chưa tới đỉnh khiến cô chẳng biết đâu mới thực sự là vấn đề của mình. Khi mà chị Ki Jung đã tìm ra chìa khóa, anh Chang Hee luôn biết cách than thở về muộn phiền, thì Mi Jeong vẫn đang loay hoay với những suy nghĩ mà không phải ai cũng có thể đồng cảm cho được.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 4.

“Tôi không muốn chỉ nói gì đó để cảm thấy tôi vẫn tồn tại. Tôi muốn nói chuyện để thư giãn”, đó là ước muốn giản dị của Mi Jeong, khi mà cuộc sống này với cô trở nên quá bức bối. Cô không thể tham gia vào các hội nhóm, cười nói xởi lởi như bao người chỉ để ai nấy thấy được sự tồn tại của mình, càng không thể tham gia vào một câu lạc bộ để bản thân được đánh giá là “giống mọi người”. Mi Jeong đang bị mắc kẹt ở những vấn đề mà chính bản thân cô cũng chẳng thể gọi tên một cách cụ thể. Cô khao khát được hạnh phúc hay chỉ đơn giản là được tìm thấy "anh" trong cuộc đời.

Mi Jeong cũng vậy, Ki Jung, Chang Hee hay thậm chí là cả Ja Gyeong cũng thế, mỗi người mắc kẹt trong mỗi nỗi niềm riêng, chật vật tìm đường lách ra khỏi nỗi niềm đó. Để rồi câu hỏi từ đầu phim đến nay vẫn chưa có lời giải, rằng "nếu chúng ta sống ở Seoul thì cuộc sống có khác đi?". Câu hỏi tu từ có lẽ không mang ý nghĩa nói về một địa điểm, một nơi chốn, mà giống như mơ ước được sống khác đi của tất cả...

Và bước qua “con mương” của cuộc đời mình để sống cho ra sống

Hình ảnh Gu Ja Gyeong nhảy qua con mương rộng để lấy chiếc mũ chùm cho Mi Jeong chính là khoảnh khắc đánh dấu khao khát được sống cho ra sống của các nhân vật. Gu Ja Gyeong đã trải qua bao nhiêu biến cố trong đời, để đến mức mà anh từ bỏ cả việc giao tiếp với con người? Mọi thứ vẫn đang còn là một dấu hỏi bỏ ngỏ nhưng đến độ không còn thiết tha được nói chuyện, được khoe mẽ về cuộc đời mình hay thậm chí chỉ đơn giản là được cho bản thân một danh xưng cụ thể, thì hẳn là mọi thứ đã xảy ra đều rất kinh khủng. Nhưng chỉ một câu “hãy sùng bái tôi” của Mi Jeong, quỹ đạo cuộc đời người đàn ông lầm lì đã thay đổi, dù từng bước rất nhỏ nhưng Ja Gyeong đang dần bước nhảy qua khỏi “con mương” của chính mình.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 5.

Chỉ một câu “hãy sùng bái tôi” của Mi Jeong, quỹ đạo cuộc đời người đàn ông lầm lì đã thay đổi, dù từng bước rất nhỏ nhưng Ja Gyeong đang dần nhảy qua khỏi “con mương” của chính mình.

LỆ

Anh nhặt mũ giúp Mi Jeong; chủ động xin số điện thoại “cô út”; dọn dẹp đống vỏ chai lấp kín cả căn phòng, điều mà anh nghĩ mình không bao giờ làm được rồi chụp ảnh khoe “chiến tích”; mời Mi Jeong ăn khi “hôm nay tôi có tiền”; đón cô về để cô không phải đi trên con đường tối tăm và đầy xác chết động vật,... Từng cử chỉ rất nhỏ của Ja Gyeong như cách anh căn chỉnh tỉ mỉ, để đúng tròn 11 giây chạy bộ thì có thể nhảy qua con mương trước cánh đồng. Tình yêu giờ đây trở thành điều quá lớn lao, giúp Ja Gyeong muốn được sống cho ra sống thêm một lần nữa, biến một kẻ nhìn có vẻ cục cằn, trầm lặng, nay lại biết “thả thính” rất thơ khi nhắc về câu chuyện năm 90 tuổi, lúc ấy có thể cùng Mi Jeong nhìn lại ký ức “ngày nhỏ”.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 7.

Và đâu chỉ mình anh Gu, tất cả các nhân vật đều đang nỗ lực để bước qua “con mương” của chính đời mình. Đó là khi Mi Jeong lập câu lạc bộ Giải Phóng, khi Ki Jung quyết định vượt qua nỗi sợ để tỏ tình. Cả một thời trẻ miệt mài đi tìm hoàng tử đích thực để rồi bỏ qua biết bao nhiêu chàng trai, cuối cùng Ki Jung lại phải lòng một ông bố đơn thân trẻ tuổi hơn mình. Cách cô nằng nặc đòi em trai dàn cảnh đâm cô để cô giả ngất nếu lỡ bị người thương từ chối nghe thì thật hài hước nhưng lại quá đỗi đau lòng. Khi một người tự tay chuẩn bị “bức tử” chính tình yêu của mình, khi Ki Jung tội nghiệp đã đoán trước được kết quả của câu tỏ bày. Nhưng dù kết quả có đau lòng, Ki Jung lại thấy tự hào vì bước được qua nỗi sợ của chính mình. Trùng hợp thay, điều mà người cô thương - Tae Hoon (Lee Ki Woo), đang cố gắng vượt qua cũng chính là nỗi sợ. Phải chăng cái cách Ki Jung bước qua nỗi sợ của mình cũng là cách cô giúp Tae Hoon tìm thấy hướng đi? Để rồi ai cũng tìm ra 11 giây định mệnh để nhảy qua con mương của đời mình.

Chắc hẳn giây phút anh Gu nhảy qua khỏi con mương trước cánh đồng, nhiều khán giả cũng cảm thấy nhẹ lòng, khi mọi bức bối trong phim dường như được xé toạc, khi những ẩn ức bủa vây cuộc đời các nhân vật cũng từ nó mà dần được phá vỡ. Con người phải sống cho ra sống, chứ không phải chỉ để người khác nhìn thấy sự tồn tại của mình. Một Mi Jeong với ước mơ “giải phóng”, một Chang Hee mắc kẹt giữa lưng chừng của sự trưởng thành, một Ki Jung với khao khát được yêu đến cháy bỏng, tất cả họ đều đang tìm đường để bước qua “con mương” của chính mình.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 8.

Một Mi Jeong với ước mơ “giải phóng”, một Chang Hee mắc kẹt giữa lưng chừng của sự trưởng thành, một Ki Jung với khao khát được yêu đến cháy bỏng, tất cả họ đều đang tìm đường để bước qua “con mương” của chính mình.

LỆ

Khi chúng ta nhìn thấy mình ở một con người khác

Bởi là một bộ phim với tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng, như những lát cắt trong cuộc đời của những con người rất đỗi bình thường, thậm chí là tẻ nhạt, Nhật Ký Tự Do Của Tôi không thể bứt phá trên đường đua phim Hàn. Nhưng chậm mà chắc, phim giữ được phong độ của mình, từng bước, từng bước có cho mình những người “sùng bái” riêng. Bởi thứ mà Nhật Ký Tự Do Của Tôi làm tốt hơn tất thảy những bộ phim lên sóng gần đây là nó biết cách xoáy sâu vào tâm can của khán giả. Khiến nhiều người phải giật mình nhận ra rằng “bản thân mình là như vậy sao?” và “không lẽ đã có lúc mình tội nghiệp đến thế này?.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi đề cập đến quá nhiều vấn đề trăn trở của mỗi người để mà chỉ cần “bốc bừa”, ta cũng có thể thấy một phần bản thân trong câu chuyện của các nhân vật. Chẳng đao to búa lớn, những câu chuyện đó lại khiến người xem thương cảm cho chính mình, để rồi xót xa ôm trọn sự đổ bể trong tâm hồn, hoặc phải thốt lên “tôi cũng cần được giải phóng”.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi: Bộ phim “soi chiếu” tất cả chúng ta, vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình - Ảnh 10.

Đó là câu chuyện mặc cảm của người dân tỉnh lẻ; là nỗi thống khổ của kẻ đang ở độ tuổi bị ế và khao khát được yêu; là chuyện tủi hờn vì vẻ ngoài không xinh đẹp để rồi mái tóc xoăn tự nhiên cũng khiến cho cô ta ấm ức đến phát khóc; là khao khát được yêu, được mở lòng và sống cho trọn vẹn,... Quá nhiều vấn đề được đề cập trong những thước phim để rồi thước phim tưởng chừng rất nhàm và nhạt này lại khiến người xem muốn được nuông chiều, được tìm lấy tự do của chính mình.

Nhật Ký Tự Do Của Tôi là vậy, một tấm gương soi chiếu tất cả chúng ta, những con người nhỏ bé đang vùng vẫy giữa những bức bối, ngột ngạt để tìm kiếm tự do của chính mình...

Nguồn ảnh: Tổng hợp

https://ahadep.com/nhat-ky-tu-do-cua-toi-bo-phim-soi-chieu-tat-ca-chung-ta-vung-vay-giua-nhung-buc-boi-ngot-ngat-de-tim-kiem-tu-do-cua-chinh-minh-20220511172159659.chn