Xe buýt nhanh BRT Hà Nội ở nhà chờ
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã sai phạm tổng số tiền hơn 43,5 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu số 04/BRT-TB (BRT CP08) sai phạm số tiền hơn 42,4 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Số tiền hơn 206 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe do chủ đầu tư thanh toán nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.
Thanh tra CP đã kiến nghị giao UBND TP. Hà Nội xin ý kiến Bộ KH&ĐT và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền sai phạm hơn 42,4 tỷ đồng.
"Nếu liên danh Công ty cổ phần Thiên Thành An không thực hiện thì UBND thành phố Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", kết luận thanh tra kiến nghị.
Liên quan đến số tiền phải nộp lại hơn 42 tỷ đồng, trao đổi với PV, lãnh đạo Công ty CP Thiên Thành An từ chối trả lời và cho rằng, việc này "vẫn đang trong quá trình làm việc". Sau khi PV tiếp tục đặt hỏi thêm thì vị này xin "đình lại, trả lời sau".
Vị này cũng lập luận, trong vụ việc này là liên danh của Thiên Thành An và Thaco nên cá nhân không thể tự trả lời mà cần phải do chủ liên danh thông tin cụ thể.
Một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với vấn đề thu hồi khoản tiền sai phạm hơn 42,4 tỷ đồng của liên danh Công ty CP Thiên Thành An do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội có trách nhiệm tham mưu UBND TP xử lý.
Còn TS, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, về nguyên tắc kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh.
Các sai phạm được kết luận thanh tra chỉ ra, kiến nghị phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh.
Với những sai phạm có dấu hiệu tội phạm, có thể chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật và xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Trong vụ việc nêu trên, với số tiền hơn 42 tỷ đồng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, yêu cầu thu hồi thì UBND TP. Hà Nội cần có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, thu hồi khoản tiền này.
Đồng thời, xử lý đối với những tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định của pháp luật được nêu trong kết luận thanh tra.
"Trường hợp, nếu liên danh Công ty CP Thiên Thanh An không nộp lại khoản tiền hơn 42 tỷ đồng sai phạm trên thì rõ ràng, bước đầu đã có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản.
Do đó, cơ quan chức năng có thể chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật hình sự", luật sư Cường nêu rõ.