Nếu thêm toner vào quy trình, làn da của bạn sẽ nhận được vô số ích lợi, từ làm sáng da, cấp ẩm, giúp các món skincare tiếp theo thẩm thấu tốt hơn cho đến phù phép cho lỗ chân lông thêm nhỏ mịn về phần nhìn. Về lý thuyết là như vậy còn trên thực tế, nếu bạn vướng phải 3 sai lầm sau đây thì toner sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều cho làn da của bạn.
1. Chọn toner không trúng với nhu cầu của làn da
Giống như rất nhiều món skincare khác, toner cũng được chia ra nhiều loại để đáp ứng đa dạng những vấn đề làn da đang vướng phải. Và trong trường hợp bạn chọn sản phẩm lệch hẳn với nhu cầu của làn da, công sức chăm chỉ thoa toner của bạn sẽ thành vô nghĩa hết.
Về cơ bản, toner sẽ được chia làm vài loại sau đây, bạn cần nhớ để không bao giờ chọn sai:
- Toner cấp ẩm: Dành cho làn da khô, nhạy cảm, có nhu cầu được làm dịu và cấp ẩm dồi dào. Loại toner này thường chứa hyaluronic acid hoặc glycerin.
- Toner tẩy da chết: Sản phẩm này thường chứa một tỷ lệ vừa phải các thành phần như: glycolic hoặc lactic acid, salicylic acid. Chúng sẽ đóng vai trò loại bỏ tế bào chết già nua, sần sùi, giải phóng lỗ chân lông để làn da thêm tươi sáng, mịn màng và tránh được nguy cơ lên mụn.
- Toner làm sáng da: Loại toner này sẽ giúp loại bỏ sẹo thâm do mụn, nâng tông và làm đều màu da. Thành phần chính của toner làm sáng da thường bao gồm vitamin C, nước gạo hoặc chiết xuất cam thảo.
- Toner làm sạch: Loại toner này sẽ làm nhiệm vụ loại bỏ sạch trơn những cặn bẩn còn sót lại sau bước tẩy trang, rửa mặt. Sản phẩm thường chứa amino acid hoặc bùn khoáng, nó cũng rất thích hợp cho những nàng sở hữu làn da dầu, dễ lên mụn.
2. Cách thoa toner không giúp sản phẩm phát huy tối ưu công dụng
Ngay cả động tác thoa toner cũng quyết định được phần nào hiệu quả mà sản phẩm đem lại cho làn da của bạn.
Thường thì, chị em sẽ thoa toner theo 2 cách: dùng bông tẩy trang thấm toner để lau mặt; hoặc đổ ra lòng bàn tay rồi vỗ lên da. Điều đáng nói ở đây là, với mỗi nhu cầu của làn da, bạn nên áp dụng một cách thoa toner riêng biệt.
Với làn da dầu, dễ lên mụn và đang phải nhờ cậy đến toner làm sạch, bạn hãy dùng miếng cotton, thấm toner rồi nhẹ nhàng lau mặt. Thao tác này sẽ giúp dọn dẹp sạch sẽ những cặn bẩn, tàn dư mà bước làm sạch kép chưa xử lý hết.
Trong trường hợp bạn sở hữu làn da khô, nhạy cảm và đang dùng toner cấp ẩm, hãy đổ toner ra lòng bàn tay rồi vỗ nhẹ lên da để dưỡng chất được thẩm thấu, làn da sẽ nhận được một lượng độ ẩm dồi dào, trở nên căng mọng mướt mát tức thì.
3. Sau khi thoa toner, bạn chờ quá lâu rồi mới bôi sản phẩm tiếp theo hoặc chờ không đủ lâu
Như đã đề cập ở trên, toner sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm tiếp theo thẩm thấu tốt hơn nhưng để phát huy tối ưu khả năng này thì sau khi thoa toner, bạn cần tranh thủ lúc da còn ẩm để thoa nhưng món skincare kế tiếp, thay vì đợi làn da khô hẳn.
Riêng trường hợp của toner tẩy da chết, bạn cần chờ khoảng 15 – 20 phút để sản phẩm thực hiện nhiệm vụ loại bỏ tế bào già nua, giải phóng lỗ chân lông rồi mới thoa sản phẩm tiếp theo.