Chuyện thuê phòng của người Việt ở Nhật
Chuyện đi thuê phòng trọ hay trả phòng để thuê chỗ khác cho thuận tiện công việc, đi lại... là việc hết sức bình thường ở bất kỳ nơi nào hay quốc gia nào. Và đương nhiên, theo phép lịch sự tối thiểu cần có thì mỗi khi trả phòng cho nhà chủ, chúng ta nên dọn dẹp sạch sẽ. Bất kể là họ có yêu cầu hay không.
Nó trở thành "luật bất thành văn" để thể hiện ý thức của mỗi người. Vẫn còn đâu đó những câu chuyện "ở bẩn khủng khiếp" của một số người. Nhưng đa phần mọi người khi đi thuê trọ đều ý thức việc giữ gìn vệ sinh. Trước hết là cho bản thân, sau là cho nhà chủ và cho cộng đồng.
Ở Nhật Bản cũng vậy. Sau thời gian thuê trọ, nếu muốn trả phòng, người thuê phải dọn dẹp sạch sẽ. Họ phải mang đi tất cả các đồ dùng để căn phòng trống trơn như lúc đến thuê. Cũng vì lẽ đó mà mới đây, một cô gái người Việt ở Nhật đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười". Cô suýt mất tiền để... đổ rác.
Cô nàng Kim Thoa, một người Việt ở Nhật đã gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" khi trả phòng trọ để về nước.
Chẳng là, sau 6 năm sống ở Nhật, bạn Kim Thoa (quê Phúc Thọ, Hà Nội) quyết định về nước. Bởi cô nàng không muốn sống xa gia đình thêm nữa. Thoa vốn học tập và làm việc ở thủ đô Tokyo. Thành phố này có mức sống cao và thứ gì cũng đắt đỏ.
Cuộc sống của một cô nàng người Việt ở Nhật
Lúc mới sang, Thoa phải làm việc cật lực để có tiền đóng học phí và thuê trọ. Đồng thời có chi phí sắm sửa những đồ dùng thiết yếu như tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, ấm siêu tốc...
Lúc về nước, Thoa xác định sẽ không thể vác được tất cả mọi thứ về. Ngoại trừ chiếc vali với đôi ba bộ quần áo và tư trang cá nhân. Cô nàng gặp phải vấn đề là không thể vứt tất cả ra thùng rác. Cô nàng phải MẤT TIỀN để thuê người mang đi đến bãi rác đồ điện tử.
Trước khi về nước khoảng 1 tháng, Thoa đã phải đăng lên rất nhiều hội nhóm người Việt ở Nhật sống tại Tokyo để... nhờ mọi người đến lấy giúp cho, mỗi người vài thứ.
Cũng giống như những người Việt ở Nhật khác, Thoa đã phải "van nài" mọi người đến lấy đồ giúp mình
"Van nài" mọi người đến... lấy đồ của mình
Cô nàng tâm sự: "Tiền vận chuyển bên này cũng khá cao. Nên mọi người thường phân vân giữa việc mua đồ ở công ty chuyên bán đồ cũ thì được vận chuyển lắp đặt miễn phí lại được bảo hành hay đến lấy đồ của mình. Dù mình cho, không lấy tiền nhưng họ lại phải mất công lắp đặt, thuê người vận chuyển. Mình vứt những món đồ đó ra thùng rác hay vỉa hè thì rõ ràng là không được, buộc phải thuê bên công ty vận chuyển đến mang đi nơi khác. Mà chi phí thì không hề rẻ, tốn cả vài triệu đồng tiền Việt chứ ít đâu".
Vì tiếc tiền, Thoa đã đăng lên các hội nhóm và may mắn "giải phóng" được đống đồ điện tử. Chẳng hạn như: máy giặt, tủ lạnh, dàn vi tính, lò vi sóng, điều hòa...
Những món đồ gia dụng này mang về Việt Nam vẫn dùng tốt nhưng tiền vận chuyển lại "chẳng bõ", chẳng thà cố gắng nhờ cộng đồng người Việt ở Nhật đến lấy giúp còn hơn
Cô cho biết: "Mình tiếc tiền nên hỏi hết những người quen ở cùng thành phố, sau mới đăng lên mạng để xem ai cần. Sau nhiều ngày chật vật đăng lên các hội nhóm thì cũng có người đến 'hốt giùm'. May mà mình về đúng mùa chuyển nhà, nên cũng tìm được người cần đồ".
Thoa cũng kể chuyện các chủ nhà cho thuê thường bắt đóng tiền phí gọi là "phí môi trường" để đảm bảo giữ sạch sẽ đến lúc trả phòng. Khoản phí này được chủ nhà thu từ lúc ký hợp đồng đến khi trả nhà sạch sẽ họ sẽ gửi lại vào tài khoản.
Kim Thoa phải nhờ đến cộng đồng người Việt ở Nhật đến "giải phóng" đồ giúp mình
Cô nói: "Ở chỗ mình thuê, mình phải nộp cọc phí dọn dẹp là 1 tháng tiền nhà và 3 man Nhật tiền đổ rác sai quy định. Nếu khi đi dọn dẹp sạch sẽ, không có vấn đề gì họ sẽ trả lại cọc vào tài khoản của mình".
Còn vấn đề thông báo trả nhà, Thoa cho biết cô nàng đã "mất oan" nửa tháng tiền nhà. Bởi vì thông báo muộn. Cô cho biết: "Tùy theo quy định của từng tòa nhà, nhưng chỗ mình ở quy định phải báo trước 2 tháng rồi mới dọn đi. Mình quên mất nên báo trước 1 tháng rưỡi. Sau vẫn mất cả 2 tháng tiền nhà dù nửa tháng không ở. Mà tiền nhà có rẻ đâu, nửa tháng mất gần 9 triệu VNĐ. May mà có người lấy đồ cho, không là ốm".