Từ vụ bà Phương Hằng tung ghi âm hội thoại với điều tra viên: Trường hợp vi phạm nào sẽ bị xử lý?

Theo quy định của pháp luật, việc tung chứng cứ ghi âm cuộc gọi lên mạng xã hội nếu xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc bí mật Nhà nước thì người làm lộ bí mật có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong buổi livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) chiều 19/10, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng tiếp tục gây chú ý khi tung đoạn ghi âm được cho là cuộc nói chuyện giữa bà và điều tra viên.

Tại buổi livestream nữ doanh nhân cũng nói "việc nói chuyện với ai mà ghi âm là hèn, là có ý đồ xấu nhưng tôi phải tự vệ vì ở đó (cơ quan công an) không có camera". Nữ doanh nhân cũng cho rằng, việc tung đoạn ghi âm là không nên và gửi lời xin lỗi tới cán bộ điều tra trong ghi âm, tuy nhiên việc tung ghi âm nhằm mục đích khẳng định bà không vu khống.

Liên quan đến tình huống pháp lý trong việc tung ghi âm lên mạng xã hội, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội cho biết, nguyên tắc đối với buổi làm việc xác minh tin báo tố giác tội phạm thì các đương sự không được phép ghi âm, ghi hình. Trong một số trường hợp, chỉ có cơ quan điều tra có thể tiến hành ghi âm, ghi hình để phục vụ công tác điều tra.

Từ vụ bà Phương Hằng tung ghi âm hội thoại với điều tra viên: Trường hợp vi phạm nào sẽ bị xử lý? - Ảnh 1.

Nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng

Trong khi đó, đối với trường hợp tung chứng cứ ghi âm cuộc gọi lên mạng xã hội nếu xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc bí mật Nhà nước thì người làm lộ bí mật có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình sự.

Bí mật đời tư cá nhân được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015. Còn bí mật Nhà nước thì được quy định trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể. Trường hợp cuộc ghi âm là hội thoại với điều tra viên trong vụ việc xác minh tin báo thì phải xem xét thận trọng về nội dung thông tin và uy tín của cơ quan điều tra và của điều tra viên.

Nếu nội dung cuộc ghi âm không có bí mật Nhà nước mà chỉ liên quan đến đời tư cá nhân, thông tin nhân thân của người khác thì người có thông tin có quyền yêu cầu gỡ bỏ thông tin, nếu gây thiệt hại thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

"Việc ghi âm lén rồi sử dụng công khai trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến uy tín, công việc và đời sống riêng tư của người bị ghi âm. Bởi vậy mọi người nên cân nhắc trước khi công khai những thông tin có thể gây tổn hại đến người khác", vị luật sư khuyến cáo.