Thế giới tồn tại với những quy luật của nó, và con người cũng vậy. Mục đích cuối cùng của con người sống trên đời này chính là tìm thấy hạnh phúc. Càng trải qua nhiều khổ đau và mất mát, chúng ta càng khát khao bản thân được vui vẻ nhiều hơn.
Thế nhưng hạnh phúc hay không còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận và tư duy của mỗi người với những chuyện diễn ra.
Chiêm nghiệm 5 mặt đối lập sau đây để có cái nhìn đúng đắn về cuộc đời, thành hay bại đều tự bạn quyết định:
1. Được và mất - Được mất tùy duyên, tâm không cưỡng cầu
“Bồ Đề Đạt Ma truyện” có nói: “Được mất tùy duyên, tâm không cưỡng cầu”. Điều này muốn nhắc nhở chúng ta không nên quá đặt nặng chuyện được và mất, mọi thứ đến và đi đều phải tùy duyên, trong lòng không được cưỡng cầu mới có thể hạnh phúc và giữ vững sơ tâm. Chỉ khi làm được điều này, trong lòng mới tự do tự tại thật sự.
Có một câu chuyện thế này: Một phú ông và một ngư dân cùng tắm nắng trên bãi biển. Phú ông hỏi: “Tôi cực khổ cả đời, kiếm được rất nhiều tiền, bây giờ có thể hưởng thụ cuộc sống rồi. Thế nhưng ngư dân như anh tại sao chỉ lười biếng nằm ở đây mà không đi chài lưới?”.
Ngư dân trả lời: “Tôi cũng làm việc hơn nửa đời người rồi, tiền cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng sáng sớm tôi đã chài lưới, đến chiều có thời gian nằm tắm nắng giống anh, ngày nào cũng vậy”. Phú ông không biết nói gì nữa.
Câu chuyện trên nói lên 1 điều: Cuộc đời con người là một sự quá độ giữa được và mất, không ngừng có được và cũng không ngừng mất đi. Chúng ta chỉ cần điềm nhiên chấp nhận và đối mặt, vì cuộc sống đã là một vòng tuần hoàn sẵn có.
2. Lợi và hại - Thấy lợi nên nghĩ đến điều hại trước tiên
Vạn vật trên thế gian đều chứa đựng 2 mặt đối lập; trong lợi có hại, trong hại có lợi. Những điều xảy ra trên đời này cũng giống vậy; trong tốt có xấu, trong xấu có tốt.
Cơ thể khỏe mạnh đương nhiên không có gì tốt bằng, nhưng bên trong lại chứa sự bất ổn. Nhiều người cảm thấy bản thân rất khỏe mạnh, sau đó chủ quan mà thức đêm liên tục, ăn uống độc hại, rượu chè thuốc lá, kết quả khiến cơ thể xuống cấp trầm trọng.
Sinh bệnh là chuyện xấu, nhưng trong cái rủi lại có cái may. Nhiều người vì bản thân đã mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên mới quyết tâm cai rượu bia, sau đó rèn luyện lối sống lành mạnh, trân quý cơ thể và người thân bên cạnh hơn.
3. Giàu và nghèo - Nghèo phải có chí, giàu mà không kiêu
Khoảng cách giàu nghèo giữa người với người luôn tồn tại. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm được: Nghèo phải có chí, giàu mà không kiêu.
Xuất thân trong gia đình nghèo túng, nhưng nếu có chí, nỗ lực phấn đấu, rồi cũng có ngày thay đổi số phận. Ngược lại, giàu thì phải biết khiêm tốn, không tự kiêu, không tỏ vẻ thượng đẳng, như thế tài sản mới bền lâu, cuộc sống đủ đầy còn mãi.
Con người đã nghèo mà suốt ngày chỉ biết than vãn, không nuôi ý chí thì nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi. Hiếm có ai giữ vững được sơ tâm khi đứng trước lợi lộc. Nhiều người sau khi trở nên giàu có liền thay đổi cách sống, quên mất lương thiện và tiết kiệm là gì, cuối cùng kết cục đắng cay cũng ập đến.
4. Khổ và lạc - Buồn hay vui là tự mình định đoạt
Đau khổ và hạnh phúc là hai mặt đối lập nhưng lại tồn tại đi kèm với nhau. Niềm vui cực hạn thường chứa đựng khổ hạnh gian truân. Buồn hay vui suy cho cùng cũng chỉ là tâm thái của con người, phụ thuộc vào tư duy chủ quan của bản thân.
Một người không thích uống cafe đương nhiên sẽ nói cafe rất đắng, nhưng người thích cafe thì lại nói thức uống này đậm đà, trong đắng có dư vị ngọt ngào khó quên.
Có người nhận được 3 phần nhưng có thể cảm nhận 7 phần vui vẻ. Nhưng có người nhận được 7 phần, mà chỉ vui vẻ đủ 3 phần.
5. Sinh và tử - Sống chết thường tình, trân quý hiện tại
Người sống trên đời rồi cũng phải đối diện với cái chết. Sống chết là quy luật. Làm người, sống phải theo đuổi giá trị, chết cũng nên thuận theo tự nhiên. Vậy nên, phải có sự tôn trọng với bản thân, trân quý sinh mạng.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có cách lý giải và nhìn nhận khác nhau về những chuyện phát sinh. Đương nhiên, mỗi người đều có cách sống riêng của mình. Nhưng cốt lõi phải là đối xử tốt với cuộc sống của bản thân, cũng nên thản nhiên đón nhận kết cục. Người có thể nhìn thấu được sinh tử, trong tâm phải đủ đầy sự bình lặng và an tĩnh, từ đó mới nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau với sống và chết.
Nguồn: Zhihu