Trên thế giới có tổng cộng 2.200 tỷ phú - nghĩa là khoảng 0.0002% dân số toàn cầu. Và 67% trong số họ là tỷ phú tự thân.
Họ làm giàu bằng rất nhiều cách: sáng tạo ra một sản phẩm hữu ích (Bill Gates - cựu CEO Microsoft - với khối tài sản trị giá 107 tỷ USD), cải tiến một vấn đề cũ (người sáng lập Airbnb Brian Chesky - 3,7 tỷ USD). Họ cũng có thể là những nhà đầu tư lỗi lạc (Warren Buffett với khối tài sản 87,3 tỷ USD). Tuy nhiên, không phải cứ quyền cao chức trọng thì bạn sẽ gia nhập được câu lạc bộ người giàu (Tim Cook điều hành tập đoàn Apple trị giá cả nghìn tỷ USD nhưng cũng chỉ sở hữu 625 triệu USD).
Tất cả những tỷ phú này dù đi lên từ những con đường khác nhau nhưng vẫn có điểm chung. Sau khi phỏng vấn 21 người trong số họ cho cuốn sách The Billion Dollar Secret, tác giả Rafael Badziag đã liệt kê ra 3 đặc điểm hàng đầu mà các tỷ phú giàu nhất thế giới đều sở hữu.
1. Phấn đấu thành công bất kể hoàn cảnh ra sao
Badziag cho rằng phần lớn dân số thế giới đều không thành công bởi 1 lý do: Họ luôn chờ thời cơ hoàn hảo để hành động, nhưng nó chẳng bao giờ đến, nên không thể theo đuổi mơ ước của mình.
Theo ông, các tỷ phú tự thân lại có tư duy hoàn toàn khác. Hầu hết những người Badziag phỏng vấn đều không xuất thân từ gia đình giàu có hay sở hữu điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, họ vẫn theo đuổi giấc mơ của mình bất chấp hoàn cảnh ra sao - họ không quản khó khăn, giông bão.
Minh chứng cho điều này chính là tỷ phú N. R. Narayana Murthy - người thành lập tập đoàn IT Infosys có trị giá hơn 45 tỷ USD.
Trước khi sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 2,4 tỷ USD, người đàn ông 72 tuổi này đã lớn lên ở Ấn Độ vào những năm 50-60 của thế kỷ trước. Đây là một trong những quốc gia còn nghèo và kém cởi mở với doanh nghiệp tự do lúc bấy giờ. Khi còn bé, ông từng phải ngủ trên sàn vì nhà quá nghèo, chẳng mua nổi đồ đạc gì.
Dù không có tiền nhưng Murthy vẫn rất ham học. Ông thường tới thư viện công cộng trong thị trấn và đọc mọi thứ có thể. Từ những gì học được, Murthy tin rằng phần mềm chính là chìa khóa nắm giữ tương lai. Vì vậy, ông và một vài đồng nghiệp đã thành lập một công ty phần mềm vào năm 1981.
Thế nhưng, họ không có máy tính, trong khi chính phủ Ấn Độ đòi hỏi phải có giấy phép mới cho nhập khẩu. Vậy là trong vòng 3 năm, Murthy kiên trì đi đi lại giữa Karnataka và Delhi bằng tàu hỏa, vượt qua khoảng cách 1.500 dặm để thực hiện hơn 50 cuộc gặp gỡ nhà chức trách nhằm thuyết phục họ cấp giấy phép cho ông. Chỉ bằng chiếc máy tính và đường dây điện thoại (mà ông mất tận 1 năm để lắp đặt), Murthy cùng những người đồng sáng lập khác đã làm nên Infosys và biến nó từ một dự án chỉ có 7 người thành gã khổng lồ công nghệ hàng đầu Ấn Độ như hiện nay.
2. Không làm mọi thứ vì tiền
Hầu hết người thường đều mơ ước sẽ trở nên giàu có trong tương lai, nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện được. Hoặc nếu thực hiện được, họ cũng sẽ nhanh chóng mất đi động lực và thỏa mãn với số tiền mình có trong tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, Badziag đã phát hiện ra rằng các tỷ phú tự thân mà ông phỏng vấn đều không lấy của cải làm động lực. Thay vào đó, họ "ý thức rõ được mục đích và niềm đam mê công việc của mình". Động lực của họ chính là khát khao "phát triển và học hỏi bất kể mình giàu đến mức nào".
Như người sáng lập Apple Steve Jobs đã từng nói: "Tôi đáng giá 1 triệu USD ở tuổi 23, 10 triệu USD ở tuổi 24 và 100 triệu USD ở tuổi 25. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng, vì tôi làm tất cả chưa bao giờ vì tiền." Steve Jobs giải thích rằng ông thành lập Apple với mong muốn tạo ra "một loại máy tính mà bất cứ ai cũng sử dụng." Rốt cuộc, giấc mơ tưởng như hoang đường ấy cũng trở thành hiện thực.
Còn Murthy lại nói với Badziag, ông bị thôi thúc bởi niềm tin rằng cách duy nhất để giải quyết tình trạng đói nghèo là "tạo ra hàng triệu việc làm với mức thu nhập tốt, trong đó khởi nghiệp chính là công cụ tuyệt nhất để thực hiện".
Doanh nhân người Pháp gốc Syria Mohed Altrad sở hữu 2,7 tỷ USD bằng cách mua lại 1 công ty giàn giáo vào năm 1985 và phát triển thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp dịch vụ Altrad Group. Ông cho biết mình không coi tiền bạc là mục tiêu.
"Nó chỉ là một trong những dấu hiệu của thành công. Thành công của một tổ chức phải là phát triển bền vững, trong đó mọi người đều hạnh phúc và tình người là nền tảng", Altrad giải thích.
3. Sống giản dị, tiết kiệm
Theo Badziag, người bình thường sẽ mê tiêu tiền và hay dính vào nợ nần vì chi tiêu nhiều hơn những gì mình có. Kể cả những người thành công cũng thích khoe của bằng xe hơi, quần áo hàng hiệu và các chuyến du lịch sang chảnh.
Tuy nhiên, những tỷ phú mà Badziag phỏng vấn lại rất khác biệt. Ông cho biết, họ "vui vì làm ra tiền, nhưng không thích tiêu tiền".
Hãy thử nhìn vào cuộc sống của Warren Buffett - người giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản khoảng 87,3 tỷ USD. Mặc dù giàu có là vậy, vị tỷ phú 88 tuổi này vẫn sống trong căn nhà khiêm tốn tại Omaha được ông mua từ năm 1958 với giá 31.500 USD. Ông cũng chi rất ít tiền cho việc ăn sáng, chỉ khoảng 3,17 USD/ngày tại cửa hàng McDonald’s. Buffett thường gọi 1 trong 3 món sau: 2 miếng chả, xúc xích và trứng kèm pho mai (hoặc thịt hun khói).
Vài năm trước, Peter Hargreaves - người sáng lập một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất nước Anh - đã kể với Badziag rằng, ông vẫn lái chiếc Toyota Prius 8 năm tuổi. Tài sản của người đàn ông này ước tính vào khoảng 4,2 tỷ USD.
Theo Hargreaves, các con ông cũng có lối sống giản dị. "Chúng đi học trên những chiếc xe đơn giản nhất; thậm chí có xe còn được dùng hơn 7 năm. Chúng sống trong những căn hộ khiêm tốn nhất. Nếu đi du lịch, họ ngồi ở phía đuôi máy bay," ông chủ của tập đoàn Hargreaves Lansdown cho biết.
Dĩ nhiên là, thỉnh thoảng họ cũng sống đúng với mức độ giàu có của mình. Vốn được biết đến là người chỉ dám đeo đồng hồ có giá 10 USD nhưng Bill Gates thừa nhận rằng ông khá nuông chiều bản thân. "Giờ tôi đi nghỉ nhiều hơn. Tôi của tuổi 20 chắc sẽ khinh bỉ tôi của ngày nay lắm. Bạn biết đấy, ngày xưa tôi chẳng biết bay là gì mà chỉ đi xe khách. Giờ thì tôi có hẳn một chiếc máy bay", Gates hóm hỉnh nói.
(Tổng hợp)