Người giả ngốc
Cổ ngữ có câu: "Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp", bậc tài trí giả nhìn như ngu dốt, kẻ dũng mãnh nhìn như khiếp nhược. Quỷ Cốc Tử cũng nói: "Người thông minh xưa nay không hề khoa trương sở trường của mình, giả ngốc, giả đần, giả hồ đồ là cách tốt nhất để ẩn thân". Tuy Quỷ Cốc Tử ẩn mình nhưng lại là thầy của bốn cao nhân nổi tiếng thời Xuân Thu: Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần. Vậy nên mới có câu "đại trí nhược ngu", bậc đại trí huệ lại trông như kẻ ngốc, lật giở sách sử ta có thể tìm thấy rất nhiều nhân vật như vậy.
Trong cuộc sống, những sự việc khách quan là quá phức tạp, hơn nữa lại biến hóa quá nhanh. Cho dù chỉ số thông minh của bạn là bao nhiêu thì cũng rất khó để nhận thức đúng đắn một vấn đề nào đó. Những gì chúng ta biết là quá bé nhỏ so với biển rộng mênh mông của hiện thực. Bởi vậy, nếu bạn đem tri thức hiện tại của mình để nhận thức vấn đề thì chỉ trong thoáng chốc nó lại phát sinh biến hóa, thậm chí sự biến hóa này là không ngừng nghỉ. Thực tế cũng chỉ ra rằng, không ai muốn làm bạn với những người luôn tự cho mình là thông minh cả. Bởi lẽ, thông minh cũng phân lớn nhỏ, hồ đồ cũng có thật giả. Người thực sự hồ đồ càng nói càng sai, càng làm càng lỗi, càng sống càng khổ. Giả hồ đồ biết sai không nói, biết đúng không bày tỏ, càng sống càng thuận.
Thông minh không phải là sai, lại càng không phải là có tội. Điều then chốt là sử dụng sự thông minh của bản thân đúng lúc, đúng chỗ. Biết giả hồ đồ cũng là biểu hiện của người thông tuệ. Bậc đại trí tuệ giả ngốc nhưng lại sống một đời an yên, không ngã lòng bởi hư vinh vụt sáng, không mê đắm trong bóng trăng ảo ảnh.
Người biết buông bỏ
Có một ông lão đang vội vàng chạy cho kịp tàu, không may làm rớt một chiếc giày mới mua, mọi người xung quanh đều quay ra liếc nhìn ông. Không ai ngờ được, ông lão ấy liền ném chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ, khiến cho tất cả mọi người đều vô cùng kinh ngạc.
Ông lão quay lại giải thích: "Chỉ còn một chiếc giày thì dù có quý giá đến đâu cũng đều biến vô dụng. Chi bằng dành cho người nào vô tình nhặt được nó thì nó sẽ phát huy được toàn bộ tác dụng của mình".
Qua đó, ta nhận ra một bài học vô cùng có giá trị, thay vì giữ mãi những sai sót, chi bằng dũng cảm từ bỏ là hơn. Cũng sẽ có những lúc bạn rơi vào cảnh ngộ tương tự, đánh mất một món đồ quý giá, hay đánh mất một người mà mình yêu thương. Nhưng thay vì luôn chìm vào cảm giác nuối tiếc, oán trách bản thân không bằng hãy nhìn thẳng vào thực tế, đổi một góc nhìn khác, cách suy nghĩ khác.
Mất đi không nhất định là chuyện không tốt, không nhất định để lại chỉ toàn buồn đau. Ngược lại đó chính là bài học nâng bước ta trên một hành trình khác của đời người.
Mất đi không nhất định chỉ toàn là tổn thất, đôi khi chính là một loại hiến dâng. Chỉ xem ta dùng tâm thái nào mà nhìn nhận nó. Lùi một bước, biển rộng trời cao, mất đi hóa ra cũng là một việc tốt.
Người chịu vất vả, nhẫn nhịn
Con người trước sau gì cũng phải chịu khổ, chi bằng chịu khổ để sau này thảnh thơi. Hiện giờ bạn không phải nhọc thân thì sau này lại càng vất vả hơn. Hiện tại chịu khổ, kỳ thực chính là đang tích đức để hưởng phúc về sau.
Tăng Quốc Phiên từng nói: "Trăm tật xấu đều sinh ra từ chứng lười biếng. Lười sẽ lơi lỏng, lơi lỏng thì trị người không nghiêm, làm việc cũng chẳng được nhanh nhẹn".
Khổng Tử cũng từng nói: "Người không biết lo xa, ắt có nỗi lo gần". Ánh mắt làm người cần phải nhìn xa trông rộng, không thể chỉ tham thú an nhàn nhất thời, để sự biếng nhác trong nội tâm khống chế cuộc sống của bạn.
Nỗi khổ của sự vất vả chỉ là tạm thời. Ngày nay rất nhiều người không thể chịu khổ, hễ gặp phải một chút trắc trở, một chút khó khăn là đã vội buông tay. Nếu bạn hỏi họ vì sao không thể kiên trì thêm chút nữa, chịu khổ thêm một chút, thì họ sẽ trả lời rằng: "Nỗ lực quá khổ, nỗ lực cũng thế mà không nỗ lực cũng vậy. Sao không để bản thân mình sống dễ chịu một chút?".
Trong kiếp người có những nỗi khổ nhất định phải trải qua. Đặc biệt, khi còn trẻ mà tham thú an nhàn, không muốn nỗ lực, thiếu đi sự nuôi dưỡng tinh thần, thiếu đi những kỹ năng ứng phó với cuộc sống thì ngày mai sẽ phải chịu cảnh cô độc và nghèo khó. Có thể khi đang nỗ lực bạn sẽ cảm thấy khổ, nhưng khi gặp lại cảnh này, nội tâm của bạn sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn.
Dám nỗ lực thì nỗi khổ đã trải qua sẽ vĩnh viễn không là điều vô ích, ông Trời sẽ bù đắp lại cho bạn. Dẫu lúc đó bạn không đạt được điều mình mong muốn, nhưng một ngày nào đó khi gặp cảnh khốn cùng, sự nỗ lực lúc này sẽ phát huy tác dụng.
Nỗ lực chịu khổ sẽ giúp bạn tích lũy được những kỹ năng cần thiết, sự khoáng đạt trong tư duy, sự trưởng thành trong tâm hồn và trí tuệ. Những điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, giúp bạn cả đời thọ ích. Người đi xa nhất, chính là người có sức bền kiên cường nhất và cũng chính là người dám va đập, chịu được khổ luyện, vất vả, sẵn sàng nhẫn nhịn chờ thời.
Theo Vision Times