Để có được những mối quan hệ hòa hợp, giúp công việc tiến tới thuận lợi hơn, sau đây là 4 quy tắc bất thành văn nơi công sở mà chúng ta cần nắm được.
1. Đừng để rắc rối thốt ra khỏi miệng
Đàm tiếu, nói xấu người khác sau lưng luôn là sai lầm, bất kể trong trường hợp nào. Đặc biệt khi ở môi trường công sở, những lời nói ra lại càng cần phải cẩn trọng hơn bao giờ hết.
Luôn tồn tại một mối cạnh tranh vô hình giữa các đồng nghiệp với nhau. Cho dù bạn bè, chị em thân thiết với nhau đến mấy, họ cũng có thể vô tình hoặc “vô tình” tiết lộ những điều mà bạn nói ra ngoài.
Một vài lời nói xấu người khác có thể bị lan truyền ra ngoài, đến tai đương sự hoặc những người có liên quan. Cho dù họ trực tiếp tìm bạn để “ba mặt một lời” hay âm thầm giữ sự tức giận trong lòng, chắc chắn mọi chuyện vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Đó đều là những nguy cơ khôn lường bạn phải gánh chịu.
Mọi người phải hiểu rằng: Nóng giận mất khôn, nói nhiều mất lý trí. Trong công ty, dù ở vào hoàn cảnh nào, bạn cũng cũng cần hiểu rõ chân tướng sự việc và kiểm soát lời nói của mình.
Đừng chỉ nói cho vui mồm, nói cho thỏa sự tò mò trong lòng. Đến khi chính những lời nói đó gây ra phiền phức và khó chịu cho người khác, nó sẽ biến thành “vũ khí” để họ công kích bạn. Vì vậy, ở nơi làm việc, tốt nhất là nên chăm chỉ làm việc và cố gắng không nói xấu đồng nghiệp, để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.
2. Bớt toan tính thiệt hơn, quan trọng là hòa nhập với tập thể
Từng có người nói rằng, “người ngốc có phúc của người ngốc”. Hay như câu, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Đôi khi, chúng ta dù sống khờ khạo một chút, bớt toan tính thiệt hơn thì cuộc đời sẽ có một phần thấu hiểu, một phần thản nhiên.
Đó hoàn toàn không phải biểu hiện của chỉ số thông minh thấp, hoặc là người chậm hiểu. Nếu chỉ quan tâm đến lãi lỗ nhất thời, đó mới là hành vi hoàn toàn thiếu khôn ngoan. Nhưng ở giai đoạn trẻ tuổi, rất ít người có thể hiểu được ý nghĩa đằng sau câu nói này và cũng càng ít người có thể thực hiện theo.
Trong môi trường công sở ngày nay, để hòa đồng với đồng nghiệp thì bạn không cần quan tâm đến những lợi ích và mất mát trước mắt. Hãy thể hiện tầm nhìn dài hạn để hiểu rằng, một chút lãi hay lỗ trong thời điểm này chẳng có nghĩa lý gì. Cần học được cách chịu đựng những thiệt thòi ban đầu để đồng nghiệp của bạn cảm thấy rằng bạn là một người không có những mối đe dọa tiềm tàng, để bạn không bị cô lập hay loại trừ bởi tất cả mọi người.
Điều này không chỉ giúp bạn hòa nhập dễ dàng hơn, mà còn đem lại hiệu quả công việc tốt hơn khi được yêu cầu làm việc nhóm. Khi đã trở thành một phần của tập thể, có vị thế nhất định trong tương lai, bạn sẽ có thể bắt đầu gặt hái ích lợi để bù lại mất mát đã qua.
Vì vậy, mọi người phải nắm được quy tắc bất thành văn này để đồng nghiệp không cảm thấy mối nguy tiềm tàng.
3. Nên giữ "cái tôi" ở mức độ vừa đủ
Làm việc trong môi trường công sở không chỉ là một bài kiểm tra năng lực cá nhân, xem bạn giỏi giang ra sao, kỹ năng thế nào. Đương nhiên, khi bạn thực sự xuất sắc, dù ở bất cứ nơi nào thì bạn cũng có thể tỏa sáng. Nhưng để giúp ánh sáng của mình được lan xa và kéo dài mãi, bạn càng phải học cách “bật - tắt công tắc” sao cho thích hợp.
Nếu lúc nào cũng muốn “bật”, muốn thể hiện “cái tôi” thật cao, giành được quá nhiều sự chú ý trong công ty thì bạn sẽ tự chuốc lấy rắc rối cho mình. Những người có năng lực mạnh nhưng đi kèm với suy nghĩ quá cứng nhắc, không biết điều chỉnh linh hoạt, luân phiên “bật” và “tắt” công tắc thì rất khó có thể duy trì lâu dài.
Suy cho cùng thì bản chất của nơi làm việc nói riêng và cả xã hội nói chung đều khác với trường học. Bạn phải hiểu rằng, giữa nhân viên luôn tồn tại sự “so sánh ngầm”. Kết quả cạnh tranh trực tiếp ảnh hưởng tới trách nhiệm và quyền lợi của mọi người. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là phải “học cách giả vờ”.
Mọi người nên thông minh khi cần thông minh, nhưng phải khéo léo để có thể “giả vờ” trước mặt đồng nghiệp. Khi trao đổi với đồng nghiệp, học cách giả vờ để tránh rắc rối.
4. Hãy làm tốt nhưng đừng phô trương, đừng cố tỏ ra "nguy hiểm"
Ở nơi làm việc, sự khiêm tốn dường như là một lời khen ngợi, bởi vì những người có quyền lực đều biết cách trở nên khiêm tốn.
Rất nhiều người thể hiện năng lực rất cao, đạt hiệu suất công việc vượt trội, có thể được cấp trên đánh giá tốt nhưng lại gây ảnh hưởng tới tinh thần của các đồng nghiệp khác. Một cá nhân xuất sắc không bao giờ được đánh giá cao bằng một tập thể xuất sắc. Tinh thần làm việc nhóm là một trong những kỹ năng cơ bản mà mỗi lãnh đạo đều sẽ nhìn vào.
Điều này cho chúng ta biết rằng, phải giữ thái độ khiêm nhường trong công việc của mình; mọi người đều có thể cố gắng hết sức và làm tốt công việc, nhưng bạn phải tránh tạo ra cảm giác phô trương. Nếu không trưởng nhóm hoặc đồng nghiệp của bạn sẽ nghĩ bạn thích thể hiện, tạo ra “nguy hiểm” đe dọa tới quyền lợi của những người xung quanh.
Ở nơi làm việc, chỉ khi nào học được cách giữ thái độ khiêm tốn, bạn mới có thể tránh phô trương lợi thế của mình. Vì vậy, để hòa đồng tốt hơn với mọi người, chúng ta phải học cách giữ thái độ khiêm tốn.
Theo QQ