Các KOC nói gì khi loạt đồng nghiệp vướng ồn ào, bị đánh giá "ảo quyền lực"?

Ngay cả người trong ngành cũng phải thừa nhận một bộ phận KOC "ảo quyền lực", khiến cả cộng đồng bị ảnh hưởng nhưng không hề có suy nghĩ "đổ thừa".

KOC liên tục vướng phải ồn ào trong thời gian qua. Phạm Thoại bị tố cầm 220 triệu đồng của nhãn hàng nhưng livestream chỉ thu về hơn 20 triệu rồi thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, người bị phát hiện quảng cáo sai sự thật phải cúi đầu xin lỗi, người thì bị chê vì “chửi khách” trên sóng trực tiếp…

Khi đặt ra câu hỏi: Cảm giác ra sao khi đồng nghiệp bị nói “ảo quyền lực”, làm ăn bát nháo và có điều gì dân tình “mắng oan” KOC không? Với những người cũng đang hoạt động trong nghề này, chúng tôi nhận về những câu trả lời khá thẳng thắn từ Gia đình Thủng Long (@thunglongfamily) - 2,3 triệu lượt theo dõi, Nhan Như Ngọc (@pungoc173) - 403 nghìn lượt theo dõi, Wanbo Trần Huỳnh Phúc (@wanbofficial) - 170 nghìn lượt theo dõi và Nguyễn Phước (@de_boycatao) - 81 nghìn lượt theo dõi.

Các KOC này cũng chia sẻ góc nhìn của mình về nghề cũng như tiết lộ những góc khuất trong môi trường làm việc đầy sức hút nhưng cũng lắm “vấn đề” này.

Thu nhập 8 - 9 con số trong thời gian ngắn dễ khiến KOC “ảo quyền lực”

Nhắc đến vấn đề KOC “ảo quyền lực”, những người trong chính ngành này thừa nhận là CÓ. Và nguyên nhân xuất phát từ việc KOC nghĩ mình có quyền được chửi bới khách hay tỏ thái độ ngông nghênh khi review đánh giá sản phẩm, bán hàng kém chất lượng bị netizen chỉ ra vẫn không “quay đầu”!

“Do tốc độ kiếm tiền. Tiền mà KOC kiếm được nhiều và nhanh hơn các ngành khác nên mới dẫn đến sự ảo quyền lực này”, Wanbo Trần Huỳnh Phúc nhận định.

Các KOC nói gì khi loạt đồng nghiệp vướng ồn ào, bị đánh giá ảo quyền lực? - Ảnh 1.

Wanbo Trần Huỳnh Phúc

“Xuất phát từ việc kênh bán hàng, truyền thông qua KOC đã và đang hiệu quả khiến một số KOC ‘làm giá’ khi làm việc với nhãn hàng”, Nguyễn Phước nói.

Gia đình Thủng Long mở rộng vấn đề: “Không ít KOC nhầm lẫn giữa khái niệm review và bóc phốt. Có bạn lựa chọn phong cách bóc phốt ai đó hay đơn vị nào đó với mong muốn nhanh chóng đạt được sự nổi tiếng. Nội dung của các bạn ấy khiến không ít doanh nghiệp lao đao, ảnh hưởng doanh số nặng nề. Điều này khiến cộng đồng có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghề KOC và cho rằng KOC ‘ảo quyền lực’”.

Và lý do gì những KOC này vẫn tồn tại suốt thời gian dài, thậm chí trở nên nổi tiếng, được săn đón như celeb khi xuất hiện trên thảm đỏ sự kiện? Một phần xuất phát từ sự dễ dãi của công chúng, sự lệch lạc của nhãn hàng. “Khi vẫn có người xem, có nhãn hàng booking thì họ vẫn sẽ tiếp tục làm nội dung như vậy”, nhà Thủng Long nói.

Các KOC nói gì khi loạt đồng nghiệp vướng ồn ào, bị đánh giá ảo quyền lực? - Ảnh 2.

Trần Tụ Long và Phan Tuyết Nga - kênh Thủng Long Family

Khi được hỏi thêm về những sự cố của KOC xuất phát từ việc "cầm tiền nhắm mắt", Nhan Như Ngọc phân tích dựa vào tình huống cụ thể:

“Nếu những sự việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người thì không nên được bỏ qua hay tha thứ một cách dễ dàng. Ngược lại, nó cần được xử lý nghiêm minh và công bằng, để bảo vệ quyền lợi của người bị hại, phục hồi niềm tin của công chúng và ngăn chặn sự lặp lại của hành vi này.

Nhưng nếu KOC gặp sự cố lần đầu vì non dại, thiếu hiểu biết và không để lại hậu quả nghiêm trọng thì khi họ chủ động lên tiếng nhận lỗi sai với thái độ chân thành, đưa ra hướng giải quyết, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm thì có thể cân nhắc bỏ qua. Vì mình nghĩ khi được cho cơ hội sửa sai, họ có thể thay đổi và tạo nên tương lai tốt hơn cho chính họ và cộng đồng”.

Ảnh hưởng từ những “đồng nghiệp” KOC tiêu cực là có! Tuy nhiên, gia đình Thủng Long hay Như Ngọc đều đồng tình với quan điểm: Không thể “đổ thừa” vì họ như thế mà tôi bị flop, mà học cách nhìn vào “vết xe đổ” của người khác để không “đổ theo” mới là lựa chọn đúng.

Các KOC nói gì khi loạt đồng nghiệp vướng ồn ào, bị đánh giá ảo quyền lực? - Ảnh 3.

Nhan Như Ngọc

Sức ép của việc cầm tiền nhãn hàng để livestream “chốt đơn”

Nói đi cũng phải nói lại, nghề KOC kiếm tiền nhanh và dễ hơn các nghề khác nhưng để kiếm được thu nhập cao, các KOC cũng “trầy vi tróc vẩy”. Cũng giống chuyện: Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được - Thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được.

Bản thân Nhan Như Ngọc đã đối mặt với nhiều cái khó riêng khi muốn có thu nhập 8 - 9 con số, doanh thu mỗi phiên livestream lên đến hàng trăm triệu hay tiền tỷ như hiện tại.

Như Ngọc cho biết để đạt được những con số đó, cô dành khoảng nửa năm trời để tìm hiểu nền tảng, tự bỏ tiền mua đồ từ nhãn hàng để review mỗi ngày. Nhưng không phải cứ cố gắng là có ngay thành quả! Tháng đầu tiên gắn link tiếp thị liên kết, Ngọc nhận được vỏn vẹn 5 nghìn đồng.

Với Ngọc, khi nhận tiền nhãn hàng để livestream chốt đơn sẽ khó hơn chỉ làm video thông thường. Bản thân KOC phải có kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống trước hàng trăm, hàng nghìn người xem vì lời nói ra trên livestream không thể sửa lại được, chẳng may sơ suất sẽ dễ gây hiểu lầm và tranh cãi.

Trong trường hợp sản phẩm đến tay khách hàng bị lỗi hay không thực sự chất lượng như giới thiệu trên video/livestream thì KOC cũng là người “chịu trận” đầu tiên. Điều này cực kỳ ảnh hưởng đến uy tín của KOC.

Được gọi là “cặp đôi vàng trong làng quảng cáo” nhưng vợ chồng Thủng Long cũng không tránh khỏi những vấn đề khó xử lý. Theo cặp đôi, KOC có 3 cái khó khi cầm tiền của nhãn hàng để quảng cáo/livestream.

Đó là dung hoà được mong muốn của nhãn hàng - phong cách của KOC/KOL; nhãn hàng đặt kỳ vọng phi thực tế, đến khi không được thoả mãn lại gây ra dư luận không tốt cho KOC; nhãn hàng bỏ qua thông tin lưu ý khi hợp tác của KOC nên có thể tạo ra những khúc mắc không đáng có.

“Có những nhãn hàng chưa có chuyên môn mạnh về truyền thông - marketing, nên đặt kỳ vọng chưa hợp lý vào KOL/ KOC. Đặc biệt bọn mình rất ngại những nhãn hàng nào dồn hết ngân sách chỉ để book duy nhất 1 KOL. Nếu nhãn hàng cảm thấy không thỏa mãn, rất có thể sẽ tạo ra những dư luận không tốt về KOC, trong khi vốn ngay từ ban đầu các chiến dịch kiểu này thường có tính rủi ro rất cao”, phía Thủng Long nói.

Lĩnh vực nào đụng tới tiền bạc thì đều có chiêu trò?

Từ vụ ồn ào của Phạm Thoại, không rõ trước giờ KOC có cam kết doanh thu với nhãn hàng không? Câu trả lời của cả 4 KOC đều là KHÔNG.

“Không ai can đảm cam kết những điều không chắc chắn và ngoài tầm kiểm soát cả” - Nhan Như Ngọc giải thích.

Theo cô, quyết định mua hàng của người xem livestream/clip quảng cáo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà KOC không kiểm soát được. Hơn nữa cam kết doanh thu còn tạo áp lực nặng nề cho KOC và có thể làm mất đi sự tin tưởng của khách hàng với KOC. Bởi lẽ nếu những con số này được tung ra, khách hàng sẽ nghĩ KOC chỉ quan tâm đến việc bán hàng theo đúng cam kết, không chia sẻ trải nghiệm và đánh giá khách quan.

Thủng Long Family còn đưa ra các lý do khách quan khác khiến KOC không cam kết doanh thu với nhãn hàng như vô tình vi phạm quy tắc của nền tảng, nhãn hàng không thực sự hiểu mong muốn của chính mình,... Trước những tình huống này, việc tốt nhất mà KOC có thể làm là bàn lại với nhãn hàng để tìm ra phương án xử lý vì ai làm sản phẩm cũng dồn nhiều tâm huyết và sự cố là điều không bên nào mong muốn.

Đổi lại, các KOC sẽ dùng kinh nghiệm, kỹ năng và hành trình xây dựng thương hiệu để cam kết với khách hàng về sự hết mình trong công việc, thời lượng, nội dung và tinh thần của video/ phiên live. Ngoài ra để làm tăng sự uy tín, Nguyễn Phước còn cho nhãn hàng xem lịch sử livestream của mình và hiệu quả trong các phiên live trước đó.

Các KOC nói gì khi loạt đồng nghiệp vướng ồn ào, bị đánh giá ảo quyền lực? - Ảnh 4.

Nguyễn Phước

Tuy nhiên, không phải KOC nào cũng trung thực trong việc công khai doanh thu livestream, có người sẵn sàng làm giả con số để “lùa” nhãn hàng. Với những KOC làm việc nghiêm túc thì đây là điều khó chấp nhận.

“KOC phải có khả năng chuyên môn và sự nỗ lực mang lại giá trị cho nhãn hàng trong mỗi chiến dịch livestream. Mình không phán xét việc người khác sử dụng phương án nào để thúc đẩy truyền thông hay tìm kiếm khách hàng vì mỗi người, mỗi đơn vị kinh doanh sẽ có chuẩn mực đạo đức khác nhau. Nhưng góc nhìn cá nhân về đạo đức nghề nghiệp của bọn mình không cho phép xảy ra việc lợi dụng lòng tin của người khác mà không mang lại giá trị cho họ” - theo Thủng Long Family.

Nhan Như Ngọc cũng không đồng tình vì việc này không chỉ làm mất uy tín của KOC mà còn làm giảm niềm tin của nhãn hàng, người tiêu dùng với hình thức tiếp thị này. Đồng thời nó còn ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng giữa các KOC, phần nào thể hiện rằng KOC có thể bất chấp kiếm tiền. Vì vậy cô cho rằng cả nhãn hàng và khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ KOC trước khi đặt niềm tin vào họ.

Wanbo chốt lại: “Lĩnh vực nào đụng tới tiền bạc thì đều có chiêu trò. Ngay cả bà bán rau, cô bán cá còn có chiêu trò để kiếm lời hơn một chút thì không thể tránh chuyện này trong giới KOC được. Vậy làm sao để nhãn hàng có thể tránh tình huống này? Chỉ có cách quan sát và tìm hiểu thị trường”.

Song song với đó, không chỉ nhãn hàng chọn KOC mà các KOC cũng có thể từ chối nhãn hàng khi hợp tác.

Nhan Như Ngọc có những tiêu chí làm việc với nhãn hàng khá chi tiết như bản thân có hiểu biết hoặc đam mê với sản phẩm, sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, giá cả hợp lý,... khi nhãn hàng đáp ứng được những điều này cô mới có quyết định tiếp theo. Ngoài ra Ngọc ưu tiên trải nghiệm cá nhân, được tự do sáng tạo và khách quan nên cũng làm việc với nhãn hàng trên tinh thần này. Cô cho rằng điều này rất quan trọng vì có thể cân bằng được lợi ích của KOC, nhãn hàng và khách hàng.

Còn Thủng Long Family có quy định rõ ràng về những dòng sản phẩm sẽ không nhận như đầu tư tài chính của nhãn hàng chưa có nhiều thông tin, sản phẩm tâm linh, thuốc/tăng giảm cân,... “Bọn mình không nói các sản phẩm này là tốt hay không tốt nhưng hạn chế các lĩnh vực mà bản thân ít kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức”.

Kinh nghiệm bảo vệ bản thân trước "sóng gió" của các KOC:

- Chuẩn bị tâm lý vững vàng và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ khi xác định trở thành KOC.

- Tốt nhất là tự tích lũy kinh nghiệm: KOC nên tự mình trải nghiệm "sóng gió" để tỉnh táo hơn và có bài học cho chính mình. "Nếu không có trường dạy làm KOC thì để đời dạy sẽ mau tiếp thu hơn" - Wanbo nói.

- Với nhãn hàng, cẩn thận và chỉn chu khi làm việc: Kiểm tra uy tín thông qua lịch sử hình thành và đánh giá về nhãn hàng trên các nền tảng khác nhau. Xem xét kỹ càng điều khoản và điều kiện của hợp đồng làm việc.

- Với sản phẩm, cần có trải nghiệm và tìm hiểu kỹ càng: Điều này sẽ giúp review một cách khách quan, chân thực, thể hiện rõ ưu và nhược điểm của sản phẩm. Không vì lợi ích riêng mà quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, đưa ra lời khuyên hợp lý cho người mua.

- Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của khách hàng: Không tranh cãi tay đôi hay xúc phạm khách hàng, cân nhắc trả lời bình luận của khách hàng một cách lịch sự và thiện chí. "KOC nên biết phân biệt những bình luận có ý định xấu, không có căn cứ và không để chúng ảnh hưởng đến tâm lý hay công việc" - Nhan Như Ngọc chia sẻ.