Cái khó của sếp khi nhân viên sử dụng thêm ngày phép để kéo dài kỳ nghỉ lễ

So với các tháng trong năm, tháng 4 năm nay hội làm công ăn lương có đến 2 kỳ nghỉ liên tiếp khiến nhiều người muốn kéo dài để tranh thủ đi du lịch, xả hơi.

Đi làm quanh năm ngày tháng nên phần đông nhân sự đều trông chờ vào những kỳ nghỉ lễ dài ngày để xả hơi. Viễn cảnh được ngủ nướng, không phải uể oải tắt chuông bao thức hay được vi vu đi du lịch xa nhà sau thời gian dài làm việc vất vả khiến ai nấy đều cảm thấy nôn nao, phấn chấn.

Ở Việt Nam, ngoài dịp Tết Nguyên Đán được nghỉ dài ngày thì một số kỳ nghỉ khác thường kéo dài khoảng 2 ngày. Nếu ngày nghỉ gần sát hoặc rơi vào ngày cuối tuần, mọi người sẽ được nghỉ liền mạch.

Tuy nhiên trong tháng 4 năm nay có phần đặc biệt hơn khi có tới 2 dịp nghỉ lễ gần sát nhau. Theo đó, người đi làm sẽ được nghỉ 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (18/4 dương lịch). Kế đó, hội làm công ăn lương tiếp tục bước vào 5 ngày nghỉ dịp Lễ 30/4 - 1/5. Song vì mới trải qua 1 quý đầu năm, ngày nghỉ phép của đa số vẫn còn rất nhiều cho nên không ít người cho rằng đây là thời điểm “thiên thời địa lợi” để sử dụng ngày nghỉ phép, xin nghỉ thêm để kéo dài các ngày không làm việc.

Thế nhưng không phải ai cũng vui khi nhìn về kỳ nghỉ dài trước mắt. Đặc biệt là những người trong vai trò lãnh đạo, quản lý nhân sự lại có những nỗi lo lắng riêng trước tình huống này: Không cho nghỉ cũng không được mà phê duyệt nghỉ phép lại sợ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc trong tháng.

"Trước ngày nghỉ thì hồi hộp, mất tập trung. Còn sau đó thì vẫn đang bay bổng"

Ngân Linh (28 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm việc từ xa cho một doanh nghiệp ở nước ngoài cho hay vì khác truyền thống nên sắp tới bạn bè được nghỉ lễ còn cô vẫn phải làm việc. Tuy nhiên, không muốn đi du lịch vào dịp 30/4 vì sợ đông đúc, Ngân Linh cùng bạn bè lựa chọn “đi trốn” vào ngày nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương.

“Công ty nước ngoài không có ngày này nên mình sẽ xin nghỉ thứ 5, thứ 6 và nửa buổi thứ 7 để đi chơi. Mình nghĩ việc sử dụng ngày phép để xin nghỉ thêm cho kéo dài ngày lễ cũng là chuyện bình thường vì phần lớn mọi người đều muốn tranh thủ. Thực tế việc này không tốn quá nhiều ngày phép mà số ngày nghỉ vẫn dài nên mình thấy hợp lý”, Ngân Linh nói.

Tuy nhiên, để được đi chơi thoải mái, Ngân Linh bắt buộc phải tăng ca vào những ngày trước đó. Cô liên tục thức khuya, dậy sớm để chạy deadline, chuẩn bị trước một số công việc trong những ngày tới để kỳ nghỉ chơi được thong thả, không vướng bận công việc. Ngân Linh bày tỏ: “Nghỉ nhưng trách nhiệm công việc vẫn phải hoàn thành. Khối lượng công việc vẫn y nguyên vậy mà, muốn đi chơi phải hoàn thành trước rồi xin sếp từ sớm, như vậy mình nghĩ sếp nào cũng đồng ý thôi”.

Ngược lại với Ngân Linh, Nguyễn Huyền - nhân viên marketing cho hay cô không có ý định xin nghỉ thêm dịp này. Bởi cuối tháng sẽ được nghỉ 5 ngày liền, với Huyền đây là khoảng thời gian nghỉ dài, thoải mái đi du lịch hay nghỉ ngơi. Hơn nữa, nếu so với nhiều tháng khác không được nghỉ hôm nào thì tháng 4 với tận 2 kỳ nghỉ là đã quá tuyệt vời.

Cái khó của sếp khi nhân viên sử dụng thêm ngày phép để kéo dài kỳ nghỉ lễ - Ảnh 1.

Nguyễn Huyền

“Mình thấy đa số nhân viên cũng đều hạn chế xin nghỉ dài. Tâm lý của người đi làm cũng muốn giữ công việc, không muốn dồn việc sau kỳ nghỉ. Nên có thể một số bạn sẽ tranh thủ dịp lễ. Còn với mình, mình thấy kỳ nghỉ như hiện tại là vừa đủ, không cần nghỉ thêm”, Huyền nói.

Bên cạnh đó, Nguyễn Huyền cũng cho hay hiệu suất công việc khi nghỉ sẽ tùy thuộc vào từng ngành nghề, môi trường làm việc. Đối với công ty của Nguyễn Huyền làm việc theo mô hình B2B (Business to Business - doanh nghiệp với doanh nghiệp) nên hầu như ai cũng sẽ nghỉ vào khoảng thời gian giống nhau. Ngoài ra, số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam so với các quốc gia khác cũng đã ít hơn nên cô không nghĩ rằng sẽ ảnh hưởng quá nhiều tới hiệu suất làm việc.

Dẫu vậy, Nguyễn Huyền cho hay cô hiểu được tâm trạng không muốn phê duyệt thêm ngày nghỉ của các sếp: "Rõ ràng tâm lý trước và sau kỳ nghỉ dài khác hoàn toàn với tâm lý những ngày đi làm bình thường. Trước ngày nghỉ, mọi người hồi hộp, mong ngóng và hơi mất tập trung. Còn sau đó thì tâm trạng vẫn đang 'bay bổng', chưa quay lại nhịp công việc. Nên việc sếp không muốn cho nghỉ thêm cũng là điều dễ hiểu".

Nhân viên rủ nhau tranh thủ lễ nghỉ phép dài thông mấy ngày: Sếp đưa ra "chiến thuật" quản lý!

Chị Lương Thúy Mỹ - Trưởng phòng Kinh doanh tại một công ty du lịch cho biết trong lĩnh vực của mình, thời điểm hiện tại đang là mùa thấp điểm của du lịch inbound nên phần lớn nhân viên cũng muốn tranh thủ dịp lễ để nghỉ xả hơi. Với tư cách là người quản lý, chị Thúy Mỹ sẽ đánh giá khối lượng công việc chung hiện tại cũng như số lượng nhân sự để duyệt phép.

“Nghỉ lễ nhiều ngày trong 1 tháng chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng công việc, nhất là tồn đọng trong giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên vì làm trong ngành dịch vụ, không có khái niệm nghỉ lễ hoàn toàn. Nhân sự được duyệt phép vẫn phải đảm bảo duy trì kết nối với khách qua email, điện thoại.

Trước kì nghỉ, người quản lý sẽ yêu cầu các bạn rà soát lại toàn bộ công việc và các giao dịch của mình, giải quyết những đầu việc mang tính chất cấp thiết trước. Cùng với đó, lưu lại những đầu việc cần làm sau khi trải qua kỳ nghỉ để tránh bị bỏ sót”, chị Thúy Mỹ chia sẻ.

Theo CEO Vũ Việt Anh, nhiều doanh nghiệp trong các kỳ nghỉ lễ gặp khó khăn trong việc quản lý nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất, đặc biệt khi số lượng nhân viên giới hạn. Do vậy ngay từ thời điểm trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, ban lãnh đạo nên lập kế hoạch trước, đưa ra bảng thời gian biểu rõ ràng và mục tiêu để toàn bộ nhân viên có thể nắm được.

Cái khó của sếp khi nhân viên sử dụng thêm ngày phép để kéo dài kỳ nghỉ lễ - Ảnh 2.

CEO Vũ Việt Anh

“Chúng ta cần đưa ra yêu cầu thông báo sớm về kế hoạch nghỉ phép của nhân viên. Điều này sẽ khiến những nhà quản lý dự đoán, sắp trước các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo tốt nhất khả năng phục vụ khách hàng lẫn thỏa mãn nguyện vọng nghỉ ngơi cho nhân viên.

Song song đó cần duy trì một bảng thời gian biểu tổng của cả bộ phận hoặc phòng ban. Mọi người đều có thể theo dõi lịch làm việc hay vắng mặt của nhau để chủ động hỗ trợ, đảm nhiệm thay công việc khi cần thiết”, CEO Vũ Việt Anh đưa ra phương án để hiệu suất công việc vẫn ổn định và nhân viên vẫn có thể nghỉ dài ngày.

Nói thêm về việc nhân viên xin nghỉ phép thêm sau các kỳ nghỉ lễ đã quy định, anh Việt Anh cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Để xử lý tình huống này, nam CEO đưa ra một biện pháp tham khảo cho các nhà lãnh đạo, quản lý nhân sự.

1. Đánh giá tác động:

Xác định số lượng nhân viên xin nghỉ thêm và các vị trí công việc bị ảnh hưởng.

Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc thiếu hụt nhân viên đối với tiến độ công việc, chất lượng dịch vụ khách hàng, và hoạt động chung của công ty.

2. Trao đổi với nhân viên:

Tìm hiểu lý do xin nghỉ thêm của nhân viên.

Giải thích cho nhân viên hiểu về tác động tiềm ẩn của việc nghỉ phép thêm đối với công ty.

Thảo luận về các giải pháp thay thế như điều chỉnh lịch làm việc, sắp xếp nhân sự hỗ trợ, hoặc hoãn các công việc không quá cấp bách.

3. Áp dụng các biện pháp phù hợp:

Khuyến khích nhân viên cân nhắc lại quyết định: Nếu tác động của việc nghỉ phép thêm không quá lớn, nhà quản lý có thể khuyến khích nhân viên cân nhắc lại quyết định hoặc chỉ nghỉ một số ngày nhất định.

Sắp xếp lại công việc: Điều chỉnh lịch làm việc của các nhân viên khác, phân công lại nhiệm vụ, hoặc sử dụng nhân viên hỗ trợ tạm thời để đảm bảo hoạt động công ty diễn ra suôn sẻ.

Hoãn các công việc không cấp bách: Lùi thời hạn hoàn thành các công việc không quá quan trọng để giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên còn lại.

Giao tiếp cởi mở và minh bạch: Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình công việc cho nhân viên và giải thích các biện pháp được áp dụng để đảm bảo minh bạch và tạo sự đồng lòng.

4. Xem xét các giải pháp lâu dài:

Đánh giá chính sách nghỉ phép: Xem xét lại chính sách nghỉ phép hiện tại của công ty để đảm bảo tính hợp lý và phù hợp với nhu cầu của nhân viên.

Tăng cường phúc lợi cho nhân viên: Cung cấp các chương trình phúc lợi hấp dẫn như chế độ nghỉ phép dài hạn, nghỉ phép linh hoạt, hoặc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe gia đình để khuyến khích nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nâng cao năng suất làm việc: Đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân viên để nâng cao năng suất làm việc, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nhân lực.

https://ahadep.com/cai-kho-cua-sep-khi-nhan-vien-su-dung-them-ngay-phep-de-keo-dai-ky-nghi-le-20240417222927994.chn