Thường khi nhắc đến "cải", người ta sẽ nghĩ đến ngay đây là tên gọi của loại rau phổ biến, có trong bữa cơm của nhiều gia đình. Trong chương trình Nhanh như chớp, từng có nhiều câu đố thú vị liên quan đến "cải", chẳng hạn như: "Cải gì mà giống chân vịt?", đáp án là "cải bó xôi"; "Cải gì trồng dưới đất, tên gọi lại trên cao?", đáp án là "cải trời"; "Cải gì luôn đi tới?", đáp án là "cải tiến".
Vậy nhưng trong một tập phát sóng, chương trình đã đưa thêm ra một câu đố "hack não" khác liên quan đến "cải". Câu đố có nội dung như sau:
"Cải gì hơi dài, giọng tốt?".
Nghe xong câu hỏi, ai cũng đoán ra đây là một câu đố chữ. Và tất nhiên "loại cải" được nhắc đến không phải là thực phẩm để ăn. Dù được MC Trường Giang gợi ý câu đố liên quan đến một loại hình nghệ thuật nhưng cả người chơi cùng khán giả đành "chào thua" bởi độ khó nhằn. Chương trình chơi chữ tinh quái ghê, càng nghĩ càng khiến người ta rối trí.
Nếu bạn cũng chưa có câu trả lời thì hãy tham khảo đáp án sau: CẢI LƯƠNG. Nghe xong đáp án, ai cũng kêu "trời" bởi quá bất ngờ. Đúng là cải lương thì người nghệ sĩ cần phải có giọng tốt, hơi dài và khỏe.
Cải lương là bộ môn nghệ thuật vừa diễn, vừa ca ra bộ, tức điệu bộ phù hợp với lời ca. Từ trước, nước ta đã có hát chèo và hát bội. Đến năm 1917, một mô hình nghệ thuật nữa ra đời, đúng hơn là biến thể từ hát bội và theo âm nhạc miền Nam với màu sắc mới mẻ, điệu hát tân tiến, giọng ca mùi mẫn, tạo sự hấp dẫn hơn hai bộ môn trước. Bộ môn này được đặt tên là cải lương.
Nghệ thuật cải lương hướng về tả thực, diễn xuất giống như ngoài đời. Người nghệ sĩ cần phải từng trải để thấu hiểu tâm lý nhân vật mà nhập vai, từ cách ăn nói, phong thái, xử sự. Vì vậy, điệu bộ lấy vẻ tự nhiên làm yếu tố quan trọng, không nên gia tăng, cường điệu và cao giọng hét lớn như hát bội.
Về kỹ thuật trình diễn lại khác xa, hát bội hướng về tượng trưng và ước lệ, trong lúc cải lương là tả chân. Cho nên, lối dàn cảnh ở cải lương khá công phu, phải giống hệt khung cảnh ngoài thiên nhiên, cần nhiều phông màn tranh cảnh khác nhau, thay đổi cho hợp tình tiết vở diễn. Y phục, hóa trang không cần lộng lẫy mà phải ăn mặc y như cách sống nhân vật, đúng vào thời đại nhân vật.
Về điệu hát, cải lương và hát bội đều sử dụng loại nhạc tuồng, nhưng cải lương không có xướng, bạch, hường, tán, ban,… Các giọng khác vay mượn từ hát bội cũng biến thể rất nhiều và cải lương còn phát triển những điệu ca mới hợp với tiếng đờn tài tử. Như vậy, cải lương lấy âm nhạc làm chủ, diễn viên nhả chữ nhả câu phải hòa với tiếng đàn, giọng ca theo sát từng giai điệu và tiết tấu của điệu nhạc. Trong khi hát bội, câu ca không gò bó bởi âm nhạc, miễn sao đúng với nhịp chính là được nên diễn viên có thể tự do phơi bày hết sở trường của mình.
Một số vở cải lương nổi tiếng được khán giả đón nhận không thể không nhắc đến như: Chuyện tình Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt, Tuyệt tình ca, Mưa rừng, Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn,…