Trong xã hội bộn bề, nhiều người đang mắc kẹt giữa vòng luẩn quẩn giữa nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ và giấc mơ "ước gì không cần đi làm cũng có tiền tiêu".
Mơ mộng là thế nhưng thực tế lại trần trụi hơn rất nhiều!
Chàng trai Nhật Bản tên Ohara Henri cũng là một người làm công ăn lương nhưng anh thoải mái hơn nhiều!
Xuất thân từ gia đình không mấy khá giả nhưng Ohara chỉ cần làm việc 2 ngày/tuần, 5 ngày nghỉ, dành thời gian còn lại để đọc sách, xem phim và đi du lịch.
Ở tuổi 25, anh đã hiện thực hóa ước mơ "nghỉ hưu sớm và tự do kinh tế", khiến 1 triệu người theo dõi trên trang mạng xã hội phải ghen tị.
Vậy chàng trai này đã sử dụng bí quyết gì để có cuộc sống "nhàn hạ" như vậy?
Quyết định nghỉ việc để "sống bên lề xã hội"
Ohara Henri, cũng như vô số người làm công khác, sống cuộc sống hàng ngày đi làm, về nhà và ăn cơm.
Chỉ với trình độ học vấn trung học phổ thông, anh rời quê hương năm 18 tuổi và đến làm việc tại Tokyo phồn hoa.
Để có cuộc sống ổn định và đầy đủ, Ohara đã làm việc hơn 12 giờ/ngày trong cửa hàng tiện lợi, đôi khi làm nguyên cả tuần nếu có cơ hội.
Sau 7 năm làm việc chăm chỉ, Ohara từ nhân viên bán hàng trở thành nhân viên văn thư trong một nhà máy lớn với mức lương hàng tháng hơn 160.000 yên (gần 27 triệu đồng).
Nhưng mức lương lý tưởng đó lại không cải thiện được chất lượng cuộc sống của anh.
Giá nhà đất ở Tokyo cao ngất ngưởng, lương của Ohara chẳng còn được bao nhiêu sau khi trừ tiền thuê nhà, điện nước 70.000 yên (gần 12 triệu đồng). Đó là còn chưa kể đến chi phí đi lại, quần áo, ăn uống và xã giao.
Đồng thời, văn hóa tăng ca quá sức tưởng tượng của Nhật Bản đã khiến anh ngạt thở, mệt mỏi đến cùng cực.
Các đồng nghiệp thi nhau xem ai nghỉ làm muộn hơn và ai là người "liều mạng" hơn vì công việc.
Một lần nọ, cấp trên của Ohara đã ngủ gật khi đang đứng trên sân ga tàu điện vì thức khuya và làm thêm giờ trong thời gian dài. Nguy hiểm hơn là ông đã suýt chút nữa ngã xuống đường ray.
Thế nhưng vị cấp trên này lại vô cùng tự hào về trải nghiệm kinh hoàng đó.
"Tăng ca mỗi ngày trở thành chuyện thường tình. Đi làm về mệt mỏi không muốn nấu ăn, dọn dẹp hay giặt giũ quần áo. Cuộc sống kiểu này có vẻ quá miễn cưỡng và độc hại" , Ohara kể.
Vì vậy, một ngày nọ, Ohara quyết định giải thoát bản thân khỏi gông cùm của hiện tại để tìm thấy chính mình.
Năm 25 tuổi, Ohara bỏ công việc ổn định và chuyển đến vùng ngoại ô Tokyo với giá thuê nhà chỉ 20.000 yên (3,3 triệu đồng).
Kể từ đó, Ohara trở thành một "ẩn sĩ thành thị" lang thang ngoài lề xã hội: Tắt đồng hồ báo thức và ngưng nhịp độ làm việc cả ngày lẫn đêm.
Ánh đèn mờ sáng sớm và ánh đèn le lói giữa đêm khuya đều là quỹ đạo của cuộc sống vội vã.
Ohara chỉ đứng một bên, lặng lẽ nhìn sự sống động, bận rộn của thế giới trôi nổi.
Rời khỏi thành thị, tận hưởng cuộc sống tối giản và viết sách
Sau khi nghỉ việc mà không hề có kế hoạch, Ohara Henri đã tìm được một công việc bán thời gian là y tá viện dưỡng lão ở một trấn nhỏ ngoại ô thành phố.
Công việc rất nhàn hạ, chỉ làm 2 ngày/tuần, thu nhập hàng tháng khoảng 6.800 yên (hơn 1,1 triệu đồng).
Mặc dù theo quan điểm của nhiều người, thu nhập này vẫn có thể chấp nhận được nhưng mức sống ở Nhật Bản rất cao. Theo đó, Ohara có thể xem như bị xếp vào tầng lớp nghèo túng.
Để giảm chi phí sinh hoạt, Ohara chỉ ăn những món đơn giản như cháo, bánh bao không nhân và các món rau.
Không bao giờ đến tiệm cắt tóc, Ohara đều tự làm với vài bước đơn giản khi nhìn vào gương.
Anh chỉ mua quần áo một màu duy nhất tại các cửa hàng đồ cũ, loại quần áo này không chỉ bền mà còn dễ phối đồ.
Không mua bột giặt trên thị trường thông thường để giặt quần áo mà anh chỉ dùng bột soda pha với nước.
Dù mức sống không còn tốt như trước nhưng Ohara vô cùng hài lòng: "Làm việc chỉ để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Nếu làm việc quá nhiều, bạn sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc sống".
Trước đây, Ohara chỉ có thể lấp đầy nhu cầu hạnh phúc bằng những thứ vật chất. Nhưng khi từ bỏ ham muốn vật chất quá mức, anh đã có được sự tự do nhiều hơn mà mình muốn.
Khi không phải làm việc 5 ngày/tuần, anh xem phim trực tuyến và các cuốn sách trong thư viện. Hoặc đi khám phá khắp nơi, đạp xe thả mình giữa núi rừng, vãn cảnh và lắng nghe âm thanh của thiên nhiên.
"Đây là những niềm vui miễn phí" , Ohara chia sẻ với nụ cười trên môi.
Người dân thành thị bận rộn chủ yếu quen mua đồ ăn ngay trong cửa hàng tiện lợi để no bụng.
Sau thời gian rảnh rỗi, Ohara học nấu ăn và cảm nhận "sự bùng nổ của vị giác" khi ăn những món tự nấu. Đương nhiên không phải lúc nào cũng nấu thành công nhưng anh vẫn rất vui vì đều là thành quả mình làm ra.
Sau 10 năm "ẩn cư" ở ngoại ô, Ohara Henri ghi lại lối sống "làm 2 nghỉ 5" và xuất bản thành sách.
Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã có mặt trên bảng xếp hạng bán hàng của Amazon Nhật Bản và anh cũng trở thành tác giả có sách bán chạy trong năm!
Ohara đã gửi số tiền bán sách vào ngân hàng để phòng thân và chuẩn bị cho cuộc sống về già.
Ngoài ra, cuộc sống của anh không có nhiều thay đổi, vẫn kiên trì với thói quen tối giản.
Năm nay 36 tuổi, Ohara Henri như một người đàn ông đã thất bại: không có công việc tử tế, không có thu nhập ổn định, không có nơi ở lâu dài, vẫn cô đơn một mình...
Anh sống như một "người ngoài cuộc", từ chối chạy theo guồng quay của xã hội. Song, dù ở đâu, Ohara vẫn luôn tràn đầy hy vọng.
Nếu không có thành tựu về mặt vật chất, vậy "đời sống tinh thần phong phú, hạnh phúc tràn đầy, hài lòng với hiện tại" có được xem là thành công không?
Bản thân có thể tự túc, tận hưởng cuộc sống thư thái, thoải mái, bình dị, vậy thì tại sao lại không thử một lần?
Nguồn: Zhihu